Ngày 24/11/2022, Sở KH&CN tỉnh Thái Bình tổ chức Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng giải pháp điều khiển thông minh hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Đề tài do Trung tâm tư vấn Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (Trung tâm tư vấn PIM) đăng ký chủ trì thực hiện.
Hội nghị do ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc sở KH&CN tỉnh Thái Bình chủ trì. Tham dự hội nghị có Hội đồng khoa học gồm Bà Nguyễn Thị Nga – Phó GĐ Sở NN và PTNT tỉnh Thái Bình, Chủ tịch hội đồng; Bà Trần Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên phản biện gồm: Ông Trần Công Thức – Phó trưởng khoa Công nghệ Trường Đại học Thái Bình, Ông Phạm Minh Đức – Chi cục Thủy lợi Thái Bình, phản biện; và các ủy viên hội đồng đến từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Sở KH&CN Thái Bình cũng cử đại diện các phòng, ban chuyên môn tham dự họp. Về phía Trung tâm tư vấn PIM có ông Đặng Minh Tuyến – PGĐ Trung tâm; ThS. Nguyễn Lê Dũng – Chủ nhiệm đề tài, ThS. Bùi Duy Chí – Thư ký đề tài và các thành viên thực hiện.
Tại hội nghị, ThS. Nguyễn Lê Dũng thay mặt Trung tâm tư vấn PIM trình bày sự cần thiết, mục tiêu và các nội dung chính của đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng giải pháp điều khiển thông minh hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Thái Bình.” Đề tài được UBND tỉnh Thái Bình đặt hàng nghiên cứu với định hướng mục tiêu là “Nghiên cứu, ứng dụng giải pháp điều khiển thông minh hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề tài được nhóm nghiên cứu đề xuất gồm có:
- Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng hệ thống cống dưới đê ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ điều khiển cho các công trình cống dưới đê trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
- Xây dựng 02 mô hình điều khiển thông minh cống ngăn mặn và điều tiết nước, tại 02 con sông lớn của tỉnh Thái Bình, bao gồm: thiết lập, lắp đặt các thiết bị đáp ứng giám sát, điều khiển từ xa và xây dựng kế hoạch vận hành công trình tại điểm trình diễn.
Để ứng phó với hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn (XNM), trong nhiều năm qua, Thái Bình đã được đầu tư hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6 km đê và hàng trăm cống dưới đê phục vụ sản xuất và dân sinh. Các cống này đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn mặn, điều tiết nước cho phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của tỉnh. Hiện nay, một phần các cống dưới đê trên địa bàn đã được đầu tư máy đóng mở điện, còn lại là vận hành đóng mở bằng thủ công. Bên cạnh đó, tại các vị trí công trình chính chưa được đầu tư hệ thống quan trắc mặn và mực nước tự động nên việc vận hành công trình còn mang tính thủ công, dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu, thiếu căn cứ khoa học.
Vì vậy, nghiên cứu, ứng dụng giải pháp điều khiển thông minh hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước không chỉ đơn thuần là lắp đặt các thiết bị để điều khiển, giám sát quá trình vận hành công trình từ xa. Nghiên cứu này đòi hỏi phải tận dụng tối đa các lợi ích mà công nghệ mang lại, thông qua việc đề xuất và thí điểm áp dụng quy trình vận hành một cách linh hoạt, hiệu quả, mà trước đó phương pháp vận hành thủ công khó đáp ứng được. Từ đó, không chỉ giúp giảm nhân công lao động, mà còn đáp ứng mục tiêu dài hạn là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH nói chung, hiện tượng XNM nói riêng cho tỉnh Thái Bình.
Sau khi nghe phần trình bày từ phía đơn vị chủ trì, Hội đồng thẩm định đã đưa ra những góp ý, nhận xét đóng góp cho việc hoàn thiện nội dung của đề tài. Một số ý kiến chính như sau:
- Về mục tiêu: đề tài có mục tiêu phù hợp với nôi dung yêu cầu;
- Về tổng quan và tính cấp thiết: đề tài đã tổng quan tốt các nghiên cứu đã có, làm cơ sở để đề xuất nội dung, phương pháp phù hợp, có hàm lượng khoa học, có tính mới.
- Nội dung, phương pháp nghiên cứu đảm bảo hàm lượng khoa học và phù hợp với yêu cầu của đề tài tuy nhiên cần bổ sung thêm các căn cứ pháp lý vào phần trích dẫn và sự cần thiết;
- Các sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng được yêu cầu, khả năng công bố trên tạp chí KHCN là khả thi;
- Khả năng ứng dụng của đề tài cao, phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu phù hợp với thực tiễn công tác quản lý thủy lợi ở địa phương và có khả năng phát triển ra nhiều cống khác trên địa bàn toàn tỉnh cũng như trong toàn nước.
- Phương án phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sử dụng kết quả phù hợp với nội dung nghiên cứu;
- Cơ quan chủ trì đề tài là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiêm cứu về thể chế, chính sách; mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân.
Thay mặt cho Hội đồng Bà Nguyễn Thị Nga đánh giá cao sự chuẩn bị, các báo cáo rõ ràng chi tiết của Trung tâm tư vấn PIM, đã đi vào giải quyết đúng nhu cầu cần thiết của địa phương. Hội đồng thẩm định cũng ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc của đơn vị thực hiện, trong thời gian ngắn đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, không chỉ đưa ra những sản phẩm có chất lượng giải quyết được vấn đề đặt ra mà còn đảm bảo đúng tiến độ. Hội đồng đã chấm điểm và thống nhất thông qua thuyết minh với điểm trung bình: 85,4.
Tại hội nghị, ông Đặng Minh Tuyến – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn PIM, đã đại diện cho đơn vị chủ trì hội nghị phát biểu, và cam kết sẽ ưu tiên bố trí thời gian cho các cán bộ thuộc nhóm nghiên cứu tập trung thực hiện đề tài, đảm bảo tiến độ đề ra.
Sau khi nghe các bên góp ý, thảo luận của các bên, ông Nguyễn Xuân Dương đã kết luận đề tài có tính khả thi, hồ sơ tham gia tuyển chọn đã bám sát yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đơn vị chủ trì cần tiếp thu, sửa đổi nội dung theo góp ý của Hội đồng. Lãnh đạo Sở KN&CN Thái Bình cũng cám ơn các thành viên hội đồng, đơn vị chủ trì cùng toàn thể hội nghị.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp.
Một số hình ảnh trong Hội nghị:
Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc sở KH&CN tỉnh Thái Bình phát biểu khai mạc
Bà Nguyễn Thị Nga – Phó GĐ Sở NN và PTNT tỉnh Thái Bình, Chủ tịch hội đồng tổng kết ý kiến Hội đồng
Ông Trần Công Thức – Phó trưởng khoa Công nghệ Trường Đại học Thái Bình Ủy viên phản biện 1 phát biểu ý kiến nhận xét
Ông Đặng Minh Tuyến – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn PIM phát biểu ý kiến
Hà Thị Thu