Báo cáo nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 115 và thông tư 65 tại Tỉnh Tuyên Quang, từ đó kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực miền núi nói chung.
Tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện phân cấp mô hình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cho các Ban quản lý công trình thủy lợi, các Hợp tác xã NLN từ năm 1996. Qua 15 năm hoạt động cho thấy: Mô hình phân cấp quản lý, khai thác phù hợp với quy mô, nhiệm vụ, tính chất kỹ thuật của công trình. Các công trình thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng đều có chủ quản lý thực sự, người hưởng lợi có thể tham gia trực tiếp vào quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, qua đó mà ý thức trách nhiệm của người dùng nước trong việc giám sát, bảo vệ công trình được nâng cao rõ rệt, hạn chế tình trạng phá hoại và sử dụng nước lãng phí.
Đặc biệt khi thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí nguồn kinh phí được cấp trực tiếp cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình, tạo điều kiện thuận lợi để các Ban quản lý duy trì hoạt động. Tuy nhiên quá trình thực hiện tại địa phương xuất hiện một số tồn tại như việc lập thủ tục, hồ sơ để tiếp nhận, sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí còn nhiều lúng túng, chưa đầy đủ và đúng theo hướng dẫn nên công tác quyết toán kinh phí cấp bù TLP còn chậm. Nguồn thủy lợi phí phân tán nên đầu tư vào nâng cấp kiên cố kênh mương còn hạn chế.
Để công tác quản lý, khai thác và bảo công trình thuỷ lợi của tỉnh phù hợp với Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh.
Ngày 31/10/2011 UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định thành lập Ban quản lý khai thác CTTL tỉnh Tuyên Quang trực thuộc Chi cục Thuỷ Lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 397/QĐ-UBND, trên cơ sở sáp nhập 2 Ban quản lý công trình liên huyện (Ngòi Là và Hoàng An Lưỡng) thành Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang và giữ nguyên 143 Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi liên xã, hợp tác xã để tổ chức quản lý khai thác các công trình thủy lợi toàn tỉnh.
Với mô hình này, Ban quản lý khai thác CTTL tỉnh nhận đặt hàng với Sở Nông nghiệp và PTNT để tổ chức quản lý khai thác các công trình thủy lợi toàn tỉnh. Trong đó Ban trực tiếp quản lý khai thác 2 công trình liên huyện; và thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tưới, tiêu với các Ban quản lý công trình thuỷ lợi xã, liên xã trên địa bàn toàn tỉnh để tổ chức quản lý, khai thác công trình các công trình còn lại. Ban quản lý khai thác CTTL tỉnh tiếp nhận toàn bộ nguồn kinh phí nhà nước cấp bù thuỷ lợi phí thực hiện quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.
Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các Ban, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định.
Tác giả: Nguyễn Thị Định- GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang