Nhằm chia sẻ và xin ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học về một số kết quả nghiên cứu chính của Đề tài “Nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên” do PGS.TS. Trần Chí Trung làm chủ nhiệm, ngày 16/11, tại Hà Nội, Trung tâm PIM đã tổ chức Hội thảo về một số kết quả nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Tham dự Hội thảo có các đại diện: Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc Tế, Cục Quản lý công trình thủy lợi – Tổng cục Thủy lợi; chính quyền và Tổ chức thủy lợi cơ sở ở địa phương xây dựng mô hình điểm về xã hội hóa quản lý hồ đập; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan thuộc các Viện và Trường Đại học. Tham dự hội thảo còn có đại diện UBND xã Liên Vũ là địa phương nơi xây dựng mô hình điểm
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa – Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng – Trưởng Ban Kế hoạch, các chuyên viên cảu Ban Kế hoạch, lãnh đạo và các cán bộ khoa học của Trung tâm Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân.
TS Trần Đình Hòa phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng trong bối cảnh BĐKH có tác động rất tiêu cực đến sản xuất và dân sinh như hiện nay, việc đầu tư và quản lý an toàn, hiệu quả các công trình hồ đập nhỏ không chỉ góp phần điều tiết, bổ sung thêm nguồn nước trong mùa kiệt mà còn giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự cố công trình vì hồ đập nhỏ là công trình rất dễ mất an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa đầu tư và quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, bao gồm cả hồ đập nhỏ, là chủ trương đã được thể hiện trong Luật Thủy lợi. Do vậy, Viện KHTL Việt Nam mong rằng, thông qua hội thảo này, các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ đóng góp thêm nhiều ý kiến, giải pháp để nhóm nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm khoa học, làm cơ sở cho việc đề xuất các mô hình và giải pháp về thể chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn nữa của các thành phần kinh tế trong xây dựng và quản lý khai thác công trình hồ đập nhỏ
Báo cáo tại hội thảo, PGS. TS Trần Chí Trung và nhóm nghiên cứu đã trình bầy các báo cáo về cơ sở khoa học và thực tiễn thực hiện XHH, các mô hình XHH đầu tư, quản lý khai thác hồ đập nhỏ và kết quả xây dựng thử nghiệm 2 mô hình XHH quản lý khai thác hồ đập nhỏ cho vùng MNPB và Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay hầu hết các tổ chức quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nói chung và hồ đập nhỏ nói riêng đều ít hoặc nhiều chưa đáp ứng được quy định của Luật thủy lợi đối với tổ chức thủy lợi cơ sở, về: mô hình tổ chức, số lượng thành viên, trình độ năng lực,… cụ thể như: tỷ lệ các tổ chức có hình thức chưa phù hợp Luật thủy lợi ở vùng MNPB là 34% còn ở vùng Tây Nguyên là 39%; tất cả các tổ chức quản lý thủy lợi cấp cơ sở đề tài đã khảo sát chưa có đủ các hộ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tham gia thành viên; nhiều tổ chức quản lý thủy lợi cơ sở không do người sử dụng nước thành lập và bầu cử dân chủ các thành viên ban quản lý, điều hành; nhiều địa phương chưa thu được phí thủy lợi nội đồng, v.v.
Đề tài đã đề xuất 5 mô hình XHH đầu tư và quản lý khai thác công trình hồ đập nhỏ là: (1) Mô hình cộng đồng đầu tư xây dựng ao hồ nhỏ, (2) Mô hình doanh nghiệp đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ, (3) Mô hình nhà nước hỗ trợ, cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng hồ đập nhỏ. (4) Mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác hồ đập nhỏ và (5) Mô hình cá nhân quản lý khai thác hồ đập nhỏ. Đề tài đã tiến hành xây dựng thử nghiệm 02 mô hình xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ tại 02 vùng nghiên cứu, gồm: mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình hồ đập nhỏ ở vùng MNPB (xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình) và Tây Nguyên (xã Hà Tam, Đắk Pơ, Gia Lai) và mô hình cá nhân quản lý hồ đập nhỏ (xã Hà Tam, Đắk Pơ, Gia Lai).
Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở cho Chương 5 về Quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lơi nội đồng của Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT đã được Bộ ban hành
Đại diện Vụ KHCN và HTQT – Tổng cục Thủy lợi đóng góp ý kiến
Đánh giá về các kết quả nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Thế Quảng, Chuyên gia PIM Nguyễn Xuân Tiệp và đại diện các Cục, Vụ liên quan thuộc Tổng cục Thủy lợi cho rằng thực hiện XHH đầu tư hồ đập nhỏ là rất phù hợp với giai đoạn hiện nay trong bối cảnh thực thi Luật Thủy lợi với nhiều chủ trương và cách tiếp cận mới như chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ; nâng cao vai trò chủ thể của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong đầu tư và đặc biệt là quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; khuyến khích các hình thức xã hội hóa, bao gồm cả PPP, trong lĩnh vực thủy lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhóm nghiên cứu cần xây dựng Sổ tay hướng dẫn XHH đầu tư, quản lý khai thác hồ đập nhỏ chi tiết hơn để các địa phương có thể dễ dàng áp dụng
Đại diện lãnh đạo địa phương nơi xây dựng mô hình trao đổi về kết quả mô hình
Mô hình điểm ở xã Hà Tam được địa phương và đoàn kiểm tra của Tổng cục thủy lợi đánh giá cao. Đại diện lãnh đạo UBND xã Liên Vũ là địa phương nơi xây dựng mô hình điểm cho biết, việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng từ mô hình THT do xã thành lập thành mô hình HTX với sự tham gia của tất cả các hộ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là thành viên không chỉ để đáp ứng được quy định của Luật Thủy lợi mà thông qua các hoạt động củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở người dân đã hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của họ trong việc quản lý công trình thủy lợi, trong đó có hồ đậpu nhỏ trên địa bàn, vì thế đã dồng thuận đóng góp phí thủy lợi nội đồng phục vụ hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở và duy tu, bảo dưỡng công trình.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nhóm nghiên cứu, GS. TS Trần Đình Hòa đã cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu, đồng thời cũng chỉ đạo nhóm nghiên cứu tiếp thu và sớm hoàn thiện các sản phẩm khoa học của đề tài để tiến hành nghiệm thu theo kế hoạch.