Ngày 22/5/2020, tại Hà nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế, công cụ chính sách và mô hình quản lý bền vững dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” do PGS.TS. Trần Chí Trung – Trung tâm Tư vấn Thủy nông có sự tham gia của người dân (TT. PIM) chủ nhiệm.
Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long”, Mã số Đề tài: ĐTĐL.CN-11/17 và tổ chức nhằm chia sẻ các kết quả đạt được của đề tài.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công trình Thủy lợi, PGS.TS. Hoàng Thái Đại – Viện trưởng Viện Tài nguyên nước và Môi trường; đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Thủy lợi, Hội Thủy lợi.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa – Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng – Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp; Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình, và toàn thể cán bộ của Trung tâm PIM.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện khẳng định đây là Hội thảo rất có ý nghĩa và quan trọng. Đây là đề tài nằm trong Cụm 06 đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam với mục đích phải có giải pháp hoàn chỉnh đồng bộ để chống xói lở cho vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long một cách hiệu quả nhất. Trong cụm 06 đề tài có 05 đề tài nghiên cứu đưa ra các giải pháp cứng, giải pháp mềm và đề tài còn lại của PGS.TS. Trần Chí Trung là đề tài đưa ra các giải pháp về thể chế chính sách.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện yêu cầu các bài tham luận tại Hội thảo cần tập trung giới thiệu các kết quả chính của đề tài; phải đưa ra được thể chế chính sách cụ
thể, có áp dụng thử, phải được chứng nhận ở địa phương, các cấp có liên quan và mong muốn được lắng nghe các ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia nhằm giúp Chủ nhiệm, nhóm thực hiện đề tài, giúp cho Viện hoàn thành đề tài khoa học cấp quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ giao.
Thay mặt nhóm Đề tài, PGS.TS. Trần Chí Trung – Chủ nhiệm Đề tài giới thiệu sơ lược về Đề tài. Đây là đề tài nằm trong Cụm 06 đề tài về phòng chống sạt lở bờ biển, có 04 đề tài về công nghệ kè bờ biển, mô hình sinh thái bền vững vùng ven biển và đề tài này là về cơ chế, công cụ chính sách và mô hình quản lý bền vững dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài do Trung tâm PIM chủ trì phối hợp với Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp và Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp. Đề tài bao gồm 03 mảng chính là quản lý cơ sở hạ tầng ven biển, quản lý rừng ngập mặn tập trung vào cơ chế chính sách và mô hình quản lý rừng ngập mặn và mảng quy hoạch sử dụng đất.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá được thực trạng cơ chế chính sách, ảnh hưởng và kết quả của các chính sách hiện hành trong quản lý vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, từ đó xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách quản lý vùng ven biển; Đề xuất được cơ chế quản lý và lựa chọn được các công cụ chính sách nhằm quản lý bền vững vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng được một số mô hình thí điểm cơ chế quản lý bền vững.
Trên cơ sở mục tiêu của Đề tài, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai các nội dung nghiên cứu như phân tích hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và kết quả nghiên cứu về mô hình quản lý bền vững vùng ven biển; Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách trong quản lý dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất cơ chế, công cụ chính sách quản lý bền vững dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất mô hình quản lý bền vững dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng thí điểm mô hình quản lý bền vững vùng ven biển
ThS. Đinh Vũ Thùy – Trung tâm Tư vấn Thủy nông có sự tham gia của người dân chia sẻ: Từ việc phân tích hiện trạng hệ thống đê biển và xói lở bờ biển; tổ chức quản lý hệ thống đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; các bất cập trong quản lý đê biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như các bất cập về xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê, giữa các quy định của Luật đê điều và các quy định của kiểm lâm, lâm nghiệp, xử lý vi pham giao thông trên mặt đê, tổ chức chuyên trách quản lý đê, lực lượng quản lý đê nhân dân nhóm thực hiện đã đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long như giải pháp về cơ chế, công cụ chính sách quản lý đê biển trong đó bổ sung, hoàn thiện các quy định thực hiện chính sách liên quan đến quản lý đê biển, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê biển, xây dựng quy định tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân; giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý đê biển bao gồm các giải pháp như kiện toàn tổ chức chuyên trách quản lý đê biển, mô hình tổ chức quản lý đê nhân dân phù hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bàn về cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà – Trường Đại học Lâm nghiệp cho hay hiện nay rừng ngập mặn ở Việt Nam đang bị suy giảm nhanh bởi các nguyên nhân về kinh tế, chính sách, thực tiễn hoạt động. Từ việc phân tích đặc điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; những bất cập của hệ thống chính sách, Đề tài đã đề xuất về cơ chế trao quyền quản lý cho cộng đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với diện tích rừng do UBND các xã quản lý, rừng phòng hộ đã thực hiện khoán cho các hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP, rừng phòng hộ do UBND xã quản lý không thực hiện giao rừng; Đề xuất về chia sẻ lợi ích và hưởng lợi từ rừng vùng đồng bằng sông Cửu Long và kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản luật và chính sách.
Để quản lý bền vững dải ven biển, PGS.TS. Trần Chí Trung – Trung tâm PIM cho hay đề tài nghiên cứu đã đề xuất mô hình quản lý đê nhân dân và 04 mô hình quản lý rừng ngập mặn hiệu quả dựa vào cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình được đề xuất theo cấp độ tăng dần sự tham gia của cộng đồng là tổ quản lý bảo vệ rừng, đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng quản lý rừng ngập mặn.
Các mô hình đảm bảo cho việc phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững. Mô hình tổ quản lý bảo vệ rừng cải thiện được mối quan hệ hợp đồng giao khoán giữa Ban quản lý rừng phòng hộ (chủ rừng) và các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng.
Mô hình đồng quản lý phát huy sự phối hợp giữa chính quyền, chủ rừng và cộng đồng trong quản lý bền vững rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên thông qua quy chế phối hợp, cơ chế chia sẻ lợi ích từ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mô hình cộng đồng quản lý rừng ngập mặn là hình thức phát huy cao nhất sự tham gia của cộng đồng, tuy nhiên đối với rừng phòng hộ ven biển đồng bằng sông Cửu Long, phạm vi áp dụng mô hình cộng đồng quản lý rừng không nhiều, gắn với giao đất, giao rừng cho cộng đồng/nhóm hộ để cộng đồng tham gia đầu tư phát riển rừng, quản lý khai thác sử dụng rừng. Mô hình cộng đồng quản lý rừng ngập mặn phù hợp cho rừng phòng hộ có tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Nguyễn Hồng Trường cho biết từ việc phân tích thực trạng sử dụng đất vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, những bất cập trong quản lý, lập và thực hiện quy hoạch hay những vấn đề đặt ra cho quy hoạch sử dụng đất, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quy hoạch sử dụng đất như giải pháp quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch; áp dụng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự tham gia…
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến có giá trị giúp cho Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện đề tài chỉnh sửa, hoàn thiện để tiến hành nghiệm thu
Nguồn: Trang báo điện tử Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam