PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn, ThS Trần Việt Dũng
Trung tâm Tư vấn PIM
Lê Quỳnh Chi, ThS. Dương Quỳnh Nga
Đại học Xây dựng
Tóm tắt
Xã Kim Liên là xã có tiềm năng lớn phát triển du lịch nông nghiệp nằm trên tuyến thăm quan di tích lịch sử, văn hóa với các điểm du lịch nổi tiếng làng Sen (quê nội Bác Hồ), làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ), núi Chung. Để phát triển sản xuất nông nghiệp đồng thời thúc đẩy các loại hình hoạt động du lịch trên cánh đồng lúa, cần thực hiện quy hoạch, bố trí cảnh quan đồng ruộng cánh đồng lúa đa năng đa mục tiêu, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi theo tiêu chí thửa ruộng nào cũng có đường giao thông tiếp cận, tiếp xúc kênh tưới, kênh tiêu. Đường nội đồng đa chức năng vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ hoạt động du lịch đồng thời khai thác các đặc trưng cảnh quan nông nghiệp để tao nên thương hiệu khu vực. Tuyến đường nội đồng phục vụ du lịch được lựa chọn là tuyến có kết nối khu dân cư – cơ sở sản xuất – cơ sở văn hóa du lịch phục vụ du lịch và canh tác. Thiết kế tuyến phục vụ hoạt động canh tác và đi xe đạp, xe điện, không phục vụ giao thông ô tô đi qua. Tổ chức cảnh quan hai bên đường để tạo tính thẩm mỹ và cung cấp tiện ích cho khách du lịch.
Từ khóa: cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng, văn hóa, du lịch
Abstract
Kim Lien commune, located on the route to visit historical and cultural relics with famous tourist attractions: Sen village (Uncle Ho’s father’s hometown), Hoang Tru village (Uncle Ho’s maternal hometown). Chung Mountain, is having a great potential for agricultural tourism development.
In order to develop agriculture and better tourism activities in rice fields, the arrangement of field landscapes, transportation infrastructure and irrigation of Kim Lien rice fields are planned so that every field can be in contact with roads, irrigation and drainage channels. The multi-functional on farm road serves both production and tourism activities while exploiting the features of the agricultural landscape to create a regional brand. The selected on farm route for tourism is the route that connects residential areas – production facilities – cultural and tourist facilities for tourism and farming.The is for farming and cycling and tram rides, not for car traffic. Organize the landscape on both sides of the road to create aesthetics and provide convenience for tourists.
1. Đặt vấn đề
Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được định hướng là một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt nam từ nay đến năm 2030 (Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030). Thực tế hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam cũng đã có các hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, ở Anh người ta gọi là “du lịch nông thôn”, Mỹ là “du lịch trang trại”, Pháp là “du lịch nông trại”, Nhật là “du lịch xanh”… tùy thuộc vào mô hình nông thôn ở mỗi khu vực.
Du lịch nông thôn được hiểu là loại hình du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng các tiềm năng và giá trị đặc sắc của nông thôn từ các yếu tố về con người, công trình đến các yếu tố tự nhiên, trong đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng hoa, quả đặc thù, nông nghiệp sinh thái kết hợp với mục tiêu du lịch, vui chơi giải trí làm gia tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp là mô hình đang được khuyến khích phát triển ở nhiều nước.
Tại Việt nam, đồng ruộng là không gian sản xuất nông nghiệp chính và cũng chứa đựng các tiềm năng du lịch nông nghiệp. Về mặt vật thể, cảnh quan đồng lúa rộng lớn, đan xen các bờ thửa, kênh mương, điểm một số cây cổ thụ của quán trên cánh đồng, cây hai bên đường nội đồng, tạo nên một đặc trưng hình thái đồng ruộng làng quê truyền thống. Với màu sắc của lúa vàng ngày mùa, của rau, của hoa là những cảnh quan đẹp của nông thôn. Ngoài cảnh quan, mùi hương lúa, tiếng chim hót, cánh cò bay trên cánh đồng, cảm nhận sự yên bình là những đặc trưng có giá trị của không gian sản xuất nông nghiệp. Về giá trị phi vật thể, phương thức sản xuất, canh tác trên cánh đồng lúa cũng chứa đựng các giá trị về giáo dục, nhân văn; đặc biệt các phương thức canh tác truyền thống, lễ hội nông nghiệp chứa đựng giá trị văn hóa, cách ứng xử của người nông dân Việt nam để hài hòa với tự nhiên được tích tụ qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, việc khai thác không gian cảnh quan cánh đồng lúa phục vụ du lịch tại Việt nam chủ yếu tập trung tại các vùng núi cao như Sa Pa, Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, các khu vực di sản thế giới như Tam Cốc – Bích Động, hoặc gắn với các khu di sản thế giới như xã Cẩm Thanh Hội An (chủ yếu phục vụ cho người nước ngoài).
Huyện Nam Đàn được xác định là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính Phủ lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2025 theo hướng “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Tuy nhiên thực tiễn phát triển và quy hoạch vùng huyện Nam đàn cho thấy định hướng du lịch chủ yếu tập trung khai thác giá trị tiềm năng của các khu vực di tích lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái núi. Phát triển du lịch trên cánh đồng lúa cơ bản vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, chưa khai thác được nguồn tài nguyên cảnh quan, văn hóa này trong phát triển kinh tế địa phương.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại kết hợp với phát triển văn hóa-du lịch cần quy hoạch hạ tầng giao thông thủy lợi, cảnh quan đồng ruộng vừa đáp ứng chủ động tưới tiêu và cơ giới hóa sản xuất vừa kết nối các cơ sở văn hóa, du lịch, tạo cảnh quan, môi trường, sinh thái sáng-xanh-sạch-đẹp thu hút khách du lịch và phát triển văn hóa.
Bài báo này, trên cơ sở khảo sát, phân tích địa hình, hệ sinh thái nông nghiệp sản xuất lúa, tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đề xuất mô hình quy hoạch, bố trí cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng cánh đồng lúa đa năng, đa mục tiêu thuộc xã Kim Liên để nâng cấp, tôn tạo hạ tầng nội đồng, cảnh quan đồng ruộng trở thành các sản phẩm du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
2. Tiềm năng du lịch và thực trạng hạ tầng, cảnh quan đồng lúa huyện Nam Đàn
Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nằm trong vùng có xu thế phát triển mạnh mẽ với nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, có hệ thống sông núi, hồ đập đa dạng, được xác định là vùng trọng điểm phát triển du lịch, cùng với Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò tạo thành tam giác phát triển du lịch của Nghệ An và bắc Trung bộ. Về cảnh quan tự nhiên, Nam Đàn có hệ thống sông, núi, hồ đập đa dạng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng như: sông Lam, hồ Tràng Đen, hồ Thanh Thủy, núi Đại Huệ gắn với chùa Đại Tuệ, Núi Thiên Nhẫn, thác Hồ Thành gắn với thành đá chạy dài hàng trăm mét gọi là Thành Lục Niên… cùng với diện tích rừng tạo nên cảnh quan thiên nhiên rất đẹp để khai thác du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh nghỉ dưỡng. Về di tích, Nam Đàn có 173 di tích, danh thắng trong đó có 37 di tích đã được xếp hạng. Hệ thống di tích của huyện vừa phong phú về nội dung vừa đa dạng về loại hình. Các di tích lịch sử – văn hoá ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo kỳ vĩ. Đặc biệt có một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa và du lịch như: Khu di tích Kim Liên, Khu di tích vua Mai, Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, chùa Viên Quang. Chùa Đại Tuệ, hàng năm đón từ 2 – 2,5 triệu lượt khách tham quan. Về lễ hội, hàng năm trên địa bàn huyện có 2 lễ hội lớn nổi tiếng cả nước đó là: Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Làng Sen; có nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát triển, là huyện trong vùng dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Về ẩm thực, Nam Đàn còn nổi tiếng về văn hoá ẩm thực với các đặc sản như: tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá Mòi sông Lam, gà Nam Thái, bột sắn dây và hồng Nam Anh…những đặc sản nổi tiếng đó đã đưa Nam Đàn trở thành trung tâm văn hóa ẩm thực của cả tỉnh. Tài nguyên nhân văn chính là tài sản giá trị nhất mà Nam Đàn có được. Nằm trong miền đất Xứ Nghệ “Địa linh nhân kiệt” Nam Đàn tập trung trong mình những giá trị nhân văn phong phú, đa dạng mà hiếm có địa phương nào có được với truyền thống văn hóa-lịch sử-cách mạng lâu đời gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc, chí sĩ yêu nước, một truyền thống khoa bảng, hiếu học đáng tự hào.
Với các tiềm năng du lịch sẵn có như trên, việc phát triển du lịch trên đồng ruộng sẽ tăng cường tính đa dạng trong sản phẩm du lịch, đồng thời gia tăng tính kết nối các điểm du lịch tạo nên tổng thể quy hoạch du lịch có cấu trúc chặt chẽ.
Lúa là cây trồng chủ đạo chiếm 70% diện tích gieo trồng xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn. Để khắc phục tình trạng manh mún đất nông nghiệp, tỉnh Nghệ An đã ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TU năm 2001 và chỉ thị số 08-CT/TU năm 2012 về việc thực hiện dồn điền đổi thửa. Sau nhiều năm thực hiện dồn điền đổi thửa, số thửa trung bình/hộ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên đồng ruộng vẫn khá manh mún, chưa gắn quy hoạch, bố trí lại hệ thống hạ tầng, giao thông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kích thước thửa còn nhỏ để đáp ứng việc thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất. Kết quả điều tra đánh giá thực địa cho thấy có tới 52% số thửa ruộng có chiều rộng từ 20-30 m, 57% số thửa có chiều dài từ 30-50 m (Hình 1&2). Với chiều dài hoặc chiều rộng như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất
Hình 1. Chiều dài thửa ruộng
Hình 2. Chiều rộng thửa ruộng
Hầu hết các đường trục chính nội đồng vùng trồng lúa có kết cấu đất đắp. Có nhiều tuyến trục chính vừa là đường dân sinh kết hợp đường sản xuất. Khoảng cách giữa các bờ vùng (trục chính nội đồng) bình quân từ 200-400m, mặt cắt đường bình quân từ 3-4m; mật độ trung bình đường trục chính nội đồng từ 40-45m/ha. Khoảng cách bình quân giữa các bờ lô/khoảnh từ 90-100m, mặt cắt bình quân bờ lô rộng từ 0,8m – 1m; mật độ trung bình đường bờ lô từ 80-90m/ha. Hệ thống giao thông nội đồng chưa được quy hoạch cụ thể, đa số còn nhỏ hẹp, lầy lội, thiếu điểm tránh xe, thiếu điểm cho máy xuống đồng, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyện bằng xe cơ giới.
Hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng chủ yếu là kênh tưới tiêu kết hợp bằng đất. Khoảng cách giữa các kênh tưới mặt ruộng bình quân từ 200-400m, mặt cắt bình quân là 0,3×0,4m; mật độ trung bình kênh tưới mặt ruộng từ 50-90m/ha. Khoảng cách giữa các kênh tiêu mặt ruộng bình quân từ 200-400m, mặt cắt bình quân là 0,3×0,4m; mật độ trung bình kênh tiêu mặt ruộng từ 50-90m/ha. Các thửa ruộng hầu hết không được tiếp xúc trực tiếp với kênh tưới, tiêu nên chưa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu chủ động (Hình. 3)
Hình 3. Bản đồ thực trạng mặt bằng cánh đồng lúa xã Kim Liên, huyện Nam Đàn
Thực tiễn phát triển và quy hoạch vùng huyện Nam đàn cho thấy định hướng du lịch của huyện chủ yếu tập trung khai thác giá trị tiềm năng của các khu vực di tích lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái núi. Cơ sở hạ tầng cảnh quan đồng ruộng đa năng đa mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch chưa được đề cập, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hạ tầng chế biến, môi trường, nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp
Để kết nối các cơ sở văn hóa, du lịch với sản xuất nông nghiệp, cần quy hoạch bố trí, xây dựng hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng vùng sản xuất nông nghiệp, khu vực kết nối tới các khu di tích văn hóa, du lịch, vừa đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao, vừa tạo cảnh quan, môi trường, sinh thái sáng-xanh-sạch-đẹp thu hút khách du lịch và phát triển văn hóa.
3. Quy hoạch cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng cánh đồng lúa phục vụ phát triển văn hóa gắn với du lịch huyện Nam Đàn
Việc quy hoạch bố trí hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phù hợp các tiểu vùng về địa hình, sinh thái phục vụ huyện nông thôn mới kiểu mẫu huyện Nam Đàn theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch phải đáp ứng 2 tiêu chí về (i) đa năng, đa mục tiêu đảm bảo máy nông nghiệp hoạt động thuận lợi, tưới tiêu cây trồng được chủ động phục vụ hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và (ii) Tiêu chí cảnh quan về phát triển văn hóa gắn với du lịch được thỏa mãn trên cơ sở đảm bảo về môi trường, cảnh quan thông qua tuyến đường xanh nội đồng.
3.1. Yêu cầu cơ bản đối với cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruông đa năng, đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu của hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch-văn hóa
3.1.1 Cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruông đa năng, đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu của hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp
Các yếu tố quyết định bố trí hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng gồm (i) phương tiện canh tác ví dụ như máy nông nghiệp, (ii) điều kiện quản lý nước ví dụ như vận hành tưới tiêu, (iii) điều kiện địa hình như độ dốc và độ bằng phẳng của mặt ruộng, (iv) các điều kiện kinh tế xã hội như khả năng thu gom ruộng đất, mức độ hợp tác và tỷ lệ đất không sử dụng
Hình 4. Sơ đồ mặt bằng tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu của hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp
a) Phương tiện canh tác
Căn cứ vào phương tiện sử dụng cho các loại hình công việc của canh tác lúa như làm đất, san đất (làm ải), gieo hạt (cấy), làm cỏ, trừ sâu bệnh và gặt, người ta quyết định kích thước thửa ruộng.
Khi sử dụng máy nông nghiệp lớn, nếu lô ruộng không phù hợp với quy mô của máy, thời gian máy nhàn rỗi sẽ nhiều và đây là điểm bất lợi xét từ góc nhìn kinh tế
♦ Khâu công việc làm đất của máy kéo
Hình 5. Đồ thị quan hệ chi phí trực tiếp/ha và chiều dài ruộng khâu cày một số loại máy kéo[1].
♦ Khâu thu hoạch của máy gặt đập liên hợp
Hình 6. Đồ thị quan hệ chi phí trực tiếp/ha và chiều dài ruộng khâu thu hoạch một số loại máy[2]
[1] Từ các kết quả NC thử nghiệm trung tâm khảo nghiệm máy NN
[2]Từ kết quả thử nghiệm trong cuộc bình tuyển liên hợp máy thu hoạch lúa ở các tỉnh Bình Định, 2011
Kết quả khảo nghiệm hiệu quả làm việc của máy làm đất và máy gặt đập liên hợp, thể hiện trên Hình 5 và 6 cho thấy, với chiều dài thửa ruộng lớn hơn 70 m, máy làm đất và máy gặt làm việc hiệu quả. Với chiều dài lớn hơn 100 m, chi phí đạt tối ưu, không mấy thay đổi hay phụ thuộc vào chiều dài của thửa.
b) Thuỷ lợi và điều kiện địa hình như độ dốc của mặt ruộng
Xét về phương diện thủy lới, hai yếu tố ảnh hưởng đến kích thước thửa ruộng:
a) Thời gian lấy nước: Kích thước thửa ruộng càng lớn, thời gian cần thiết để lấy đủ nước càng dài.
b) Tình trạng tiêu nước: Đối với ruộng lúa nước, trên quan điểm năng suất đất và năng suất lao động, tiêu nước cực kỳ quan trọng. Không thể không công nhận rằng, chiều dài thửa ruộng càng lớn thì tình trạng tiêu nước càng kém.
Trên quan điểm độ dốc, diện tích xây dựng ruộng lúa được phân thành 3 loại:
Loại 1: vùng có độ dốc <1/300 có thể dễ dàng xây dựng 1 thửa >0,3 ha
Loại 2: vùng có độ dốc trong khoảng 1/300 đến 1/100 có thể xây dựng thửa ruộng 0,3ha
Loại 3: vùng có độ dốc > 1/100 thì chỉ xây dựng được thửa ruộng dưới 0,3 ha
c) Các điều kiện kinh tế xã hội như khả năng thu gom ruộng đất, mức độ hợp tác và tỷ lệ đất không sử dụng
Kích thước thửa ruộng phụ thuộc trước hết vào quy mô hộ gia đình, tình trạng manh mún ruộng đất và nguyện vọng thực hiện dồn thửa đổi ruộng và khả năng thu gom ruộng đất. Quy mô hộ càng lớn, sự đông thuận trong dồn thửa đổi ruộng càng cao, càng có khả năng xây dựng được các thửa ruộng có kích thước lớn
Kích thước thửa ruộng phải phù hợp với công suất lao động trên đồng trong một ngày. Việc cấy lúa trên thửa ruộng không kết thúc xong trong ngày sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa việc phải thảo nước trên phần đã cấy xong và giữ nước ở phần chưa cấy.
Thửa ruộng càng lớn, tỷ lệ đất sử dụng cho công trình hạ tầng và kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng, bờ vùng, bờ thửa càng giảm
3.1.2. Yêu cầu cơ bản đối với thiết kể định hình tuyến đường nội đồng phục vụ du lịch
Đường nội đồng phải là đường đa chức năng vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ hoạt động du lịch đồng thời khai thác các đặc trưng cảnh quan nông nghiệp để tao nên thương hiệu khu vực. Bên cạnh đó phải đảm bảo tiêu chí về tính tiện lợi (chi phí xây dựng thấp, dễ thực hiện, không tốn thời gian và kinh phí chăm sóc, bảo trì) và tăng tính thẩm mỹ cho khu vực.
Tuyến đường nội đồng phục vụ du lịch được lựa chọn phải là tuyến có kết nối khu dân cư – cơ sở sản xuất – cơ sở văn hóa du lịch phục vụ du lịch và canh tác. Thiết kế tuyến phục vụ hoạt động canh tác và đi xe đạp, xe điện, không phục vụ giao thông ô tô đi qua. Tổ chức cảnh qua hai bên đường để tạo tính thẩm mỹ và cung cấp tiện ích cho khách du lịch. Tổ chức cây xanh theo lý thuyết cảnh quan phân tầng về chiều cao: tầng cao, tầng trung, tầng thấp. Chú ý chọn các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu nóng tại Nghệ An, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, hài hòa với không gian cảnh quan sinh thái nông nghiệp xung quanh.
Bố trí các điểm dừng nghỉ trên các tuyến đường xanh nội đồng phục vụ du lịch để người lao động cũng như khách du lịch có điểm nghỉ ngơi; tạo chỗ trú khi có thời tiết bất lợi; cung cấp thông tin về đặc trưng văn hóa khu vực, đặc điểm quy trình sản xuất, giá trị của sản vật nông nghiệp cho du khách. Điểm dừng nghỉ đặt ở các vị trí gần các điểm kết nối giao thông chính, điểm giao với đường nội đồng chính, thuận lợi cho người lao động nghỉ ngơi trong thời gian sản xuất, khách du lịch nghỉ chân ngắm cảnh. Điểm dừng nghỉ thiết kế đơn giản bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, hòa hợp với cảnh quan nông nghiệp.
3.2. Kết quả quy hoạch cơ sở hạ tầng sản xuất và cảnh quan cánh đồng lúa phục vụ phát triển văn hóa gắn với du lịch huyện Nam Đàn
3.2.1. Quy hoạch bố trí CSHT giao thông-thủy lợi đáp ứng yêu cầu chủ động sản xuất
Quy hoạch, bố trí lại cảnh quan đồng ruộng, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi cánh đồng lúa Kim Liên theo tiêu chí kênh mương và đường nội đồng được bố trí phù hợp để thửa ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường giao thông, kênh tưới, kênh tiêu (Hình 8, 9, 10)
Hình 8. Sơ đồ cánh đồng lúa xã Kim Liên sau khi quy hoạch, bố trí
Hình 9. Chi tiết khu A, cánh đồng lúa xã Kim Liên
Hình 10. Chi tiết mặt bằng một khu cánh đồng lúa xã Kim Liên
Sau khi quy hoạch bố trí lại hệ thống đồng ruộng, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi theo hướng phát triển văn hóa gắn du lịch số thửa giảm từ 559 thửa còn 315 thửa, ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường giao thông, kênh tưới, kênh tiêu, kích thước thửa sau khi bố trí lại bình quân 20-30 x 80-100m, diện tích thửa bình quân 2000-2500m2. Với kích thước như vậy đảm bảo cho việc thực hiện cơ giới hóa hiệu quả (Hình.11).
Hình.11. Diện tích, chiều dài, chiều ruộng thửa sau khi bố trí
Các tuyến đường trục chính nội đồng phục vụ du lịch, kết nối khu di tích Kim Kiên và khu dân cư, có trồng cây, hoa hai bên đường, có kích thước các tuyến trồng cây, hoa là Bnền = 8m (Bmặt = 6m, Blề = 2x1m). Các tuyến đường nội đồng khác, không trồng cây, hoa và là đường để cho máy móc đi lại, có kích thước Bnền = 5m, ngoài ra có bố trí điểm tránh xe và điểm cho máy xuống đồng. Sau khi bố trí lại đã loại bỏ được khoảng 24 tuyến đường nội đồng, tiết kiệm được khoản 1ha diện tích chiếm đất.
Bố trí hệ thống đường nội đồng, kênh tưới, tiêu đảm bảo ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường và kênh tưới, kênh tiêu. Kích thước kênh tưới bình quân 0,4 x 0,7 m, được bê tông hóa, kích thước kênh tiêu bình quân: 0,7x 0,8 m, là kênh đất.
3.2.2. Quy hoạch tuyến đường nội đồng kết nối cơ sở văn hóa du lịch Kim Liên
Xã Kim Liên là xã có tiềm năng lớn phát triển du lịch nông nghiệp nằm trên tuyến thăm quan di tích lịch sử, văn hóa với các điểm du lịch nổi tiếng làng Sen (quê nội Bác Hồ), làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ), núi Chung. Chọn tuyến nội đồng phát triển du lịch là tuyến kết nối các điểm du lịch trong khu di tích Kim Liên. Khách đến làng Sen – quê nội Bác Hồ, có thể thay đổi phương tiện đi xe điện hoặc xe đạp đi theo trục đướng chính rồi men theo đường bao khu vực canh tác đi vào làng Hoàng Trù, đi theo trục đường chính làng Hoàng Trù đi vào tuyến đường xanh xuyên qua khu vực canh tác lúa đến chân núi Chung; sau đó đi theo đường ở chân núi Chung quay lại trục đường chính, từ đó khách có thể lựa chọn đi tiếp theo chân núi để đến thăm Đền Chung Sơn hoặc quay lại làng Sen (Hình 12).
Hình 12. Tuyến giao thông nội đồng phục vụ du lịch khu vực xã Kim Liên
Tuyến đường nội đồng được lựa chọn thiết kế có bề rộng 8m, lòng rộng 6m, hai dải hai bên trồng cây mỗi dải rộng 1m. Cây xanh được trồng cây theo 2 tầng: tầng cao trồng cau, tầng thấp trồng hoa (hoa mười giờ, hoa cúc). Trên đường bố trí các thùng đựng rác hình trụ tròn, cao 80 – 100 cm, làm bằng bê tông, bên ngoài vẽ tranh làng quê, ao sen để tăng tính thẩm mỹ. Trên tuyến đường lựa chọn bố trí 2 điểm dừng nghỉ: điểm kết nối với đường trục chính làng Hoàng Trù và điểm giao với đường nội đồng chính. Điểm dừng nghỉ thiết kế rộng 1m, cao 2,4m, dài 3m. Trên điểm dừng nghỉ có đặt các tấm pano giới thiêu về văn hóa sản xuất, đực điểm quy trình sản xuất, giá trị sản vật, và trang trí bông lúa khô để giới thiệu đặc trưng canh tác của xã. Mặt điểm dừng nghỉ bị nắng Tây chiếu thiết kế che nắng bằng mành, nan. Trên tuyến đường bố trí thêm một số khung kim loại uốn hình lá (hoa) sen với khoảng cách 15 – 20 m, các khung cao 100 – 120 cm, gắn kết với hình ảnh hoa Sen quê Bác. Ngoài ra mỗi khi có lễ hội, sự kiện có thể treo các giỏ hoa trên các khung kim loại đó (Hình 13).
Hình 13.Thiết kế chi tiết tuyến nội đồng phục vụ du lịch xã Kim Liên
4. Kết luận
Xã Kim Liên là xã có tiềm năng lớn phát triển du lịch nông nghiệp nằm trên tuyến thăm quan di tích lịch sử, văn hóa với các điểm du lịch nổi tiếng làng Sen (quê nội Bác Hồ), làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ), núi Chung. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển và quy hoạch vùng huyện Nam đàn cho thấy định hướng du lịch của huyện chủ yếu tập trung khai thác giá trị tiềm năng của các khu vực di tích lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái núi. Cơ sở hạ tầng cảnh quan đồng ruộng đa năng đa mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch chưa được đề cập, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hạ tầng chế biến, môi trường, nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển du lịch cộng đồng.
Việc quy hoạch bố trí hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phù hợp các tiểu vùng về địa hình, sinh thái phục vụ nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch phải đáp ứng 2 tiêu chí về (i) đa năng, đa mục tiêu đảm bảo máy nông nghiệp hoạt động thuận lợi, tưới tiêu cây trồng được chủ động phục vụ hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và (ii) Tiêu chí cảnh quan về phát triển văn hóa gắn với du lịch được thỏa mãn trên cơ sở đảm bảo về môi trường, cảnh quan thông qua tuyến đường xanh nội đồng.
Quy hoạch, bố trí lại cảnh quan đồng ruộng, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi cánh đồng lúa Kim Liên theo tiêu chí kênh mương và đường nội đồng được bố trí phù hợp để thửa ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường giao thông, kênh tưới, kênh tiêu. Các tuyến đường trục chính nội đồng phục vụ du lịch, kết nối khu di tích Kim Kiên và khu dân cư, có trồng cây, hoa hai bên đường, có kích thước các tuyến trồng cây, hoa là Bnền = 8m (Bmặt = 6m, Blề = 2x1m). Các tuyến đường nội đồng khác, không trồng cây, hoa và là đường để cho máy móc đi lại, có kích thước Bnền = 5m, ngoài ra có bố trí điểm tránh xe và điểm cho máy xuống đồng.
Bố trí hệ thống đường nội đồng, kênh tưới, tiêu đảm bảo ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường và kênh tưới, kênh tiêu. Kích thước kênh tưới bình quân 0,4 x 0,7 m, được bê tông hóa, kích thước kênh tiêu bình quân: 0,7x 0,8 m, là kênh đất.
Hạ tầng cảnh quan xã Kim Liên, huyện Nam Đàn chứa đựng cả tiềm năng vật thể và phi vật thể, chứa đựng cả giá trị truyền thống và đương đại, có khả năng phát triển du lịch thăm quan, du lịch giáo dục tri thức nông nghiệp và tri thức về văn hóa, là tiền đề cho phát triển nhiều hơn các loại hình hoạt động du lịch trên cánh đồng lúa.
Khuyến nghi (1) Đối với các tuyến dự định phát triển du lịch, cần thiết làm nông nghiệp sạch (2) Xây dựng hướng dẫn thiết kế kỹ thuật để có thể nhân rộng mô hình
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đoàn Doãn Tuấn, Trần Việt Dũng, Sổ tay xây dựng Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học kỹ thuật, 2017
- Lê Quỳnh Chi, “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng nghề – Du lịch và Làng Di sản – Du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới”, Đề tài Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2021
- Quyết định 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 – 2025”
- Viện nghiên cứu Thiết kế đô thị (UDI) – VIUP, Thuyết minh đồ án “Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đến năm 2035”, 2020