(Chinhphu.vn) – 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ tập trung hỗ trợ những nông dân dễ bị ảnh hưởng nhất là người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số và phụ nữ nhằm tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho các tài sản nông nghiệp chính gồm: Nước, đất, cây trồng.
Ông Trương Văn Xa, đại biểu từ Ninh Thuận, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng nhiều nước sang cây trồng cạn sử dụng ít nước – Ảnh: VGP
Ngày 13/7, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO) và Ban Quản lý dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam” (GCF2-SACCR) do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ thông qua UNDP tổ chức hội thảo Nông nghiệp chống chịu hạn hán dựa vào cộng đồng – từ kinh nghiệm tới thực tế nhân rộng nhằm thảo luận sâu về các kinh nghiệm và bài học sản xuất nông nghiệp thông minh ứng phó với hạn hán do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước.
Theo UNDP, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nằm trong số những khu vực dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu. Thiên tai, hạn hán ngày càng cực đoan, bất thường và khắc nghiệt. Hạn hán kéo dài khiến nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp bị thâm hụt; người dân mất sinh kế và thu nhập, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ.
Các chính sách, chiến lược của Nhà nước, cũng như các chương trình, dự án phát triển đã và đang triển khai về nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu hạn hán, thủy lợi và an ninh nguồn nước đã mang lại nhiều kết quả, kinh nghiệm cũng như bài học quan trọng cho các vùng bị ảnh hưởng và các chương trình kế hoạch tiếp theo.
Giảm nhẹ thiệt hại nông nghiệp do hạn hán
Trần Chí Trung, chuyên gia thủy lợi – Trung tâm Tư vấn, Quản lý Thủy nông cho rằng, mặc dù hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại thông qua việc phòng, chống. “Cần theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước và các cảnh báo, dự báo hạn của cơ quan dự báo để chỉ đạo phòng tránh và có chiến lược sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt”, TS Trần Chí Trung nhấn mạnh.
Phân tích về các giải pháp ứng phó với hạn hán, theo TS Trung cho rằng, trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: Quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn.
Bên cạnh đó, cần xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông; xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, bảo đảm chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp. Đây vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán.
Mặt khác, các địa phương cần thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
TIN LIÊN QUAN
Phòng, chống hạn hán, bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân
Xuất cấp gần 740 tấn gạo cho tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân bị hạn hán
Ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL
Là tỉnh thường xuyên đối mặt với tình trạng khô hạn nên Ninh Thuận có rất nhiều kinh nghiệm ứng phó. Chuyên gia về nông nghiệp tại Ninh Thuận Trương Văn Xa đã chia sẻ các nhóm giải pháp về phát triển hệ thống thủy lợi; về điều tiết nước, tổ chức sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên kết sản xuất.
Theo đó, Ninh Thuận có bài học kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng nhiều nước sang cây trồng cạn sử dụng ít nước.
Cụ thể, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động cần thực hiện thường xuyên, rõ ràng, phân tích hiệu quả kinh tế để người dân thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi; chuyển đổi phải xuất phát từ nguyện vọng, nhận thức của người dân; lựa chọn các cây trồng chuyển đổi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, địa phương cũng có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Ban quản lý dự án GCF2 SACCR chia sẻ, trong thời gian 5 năm (2021 – 2026), đối tác của Dự án là 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ tập trung hỗ trợ những nông dân dễ bị ảnh hưởng nhất là người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số và phụ nữ nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cho các tài sản nông nghiệp chính gồm: Nước, đất, cây trồng. Dự án hướng đến 22.200 hộ trực tiếp và hơn 200.000 hộ gián tiếp hưởng lợi.
Các hoạt động hỗ trợ quan trọng của dự án bao gồm hai mảng chính. Đó là tăng khả năng tiếp cận, trữ, sử dụng nước hiệu quả cho nông nghiệp nhất là vào mùa khô, thông qua xây mới, nâng cấp ao chứa nước mưa, hỗ trợ áp dụng các thiết bị tưới tiết kiệm, áp dụng cách canh tác sử dụng nước hiệu quả; nâng cao năng lực áp dụng nông nghiệp chống chịu với hạn hán với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, kết nối thị trường, phát triển và áp dụng công cụ cơ sở dữ liệu khí hậu nông nghiệp để thúc đẩy hỗ trợ nông dân tiếp cận, áp dụng thông tin khí hậu hiệu quả vào nông vụ.
Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) có văn phòng tại hơn 170 quốc gia và lãnh thổ. Chương trình hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, kỹ năng lãnh đạo, tăng cường, mở rộng quan hệ đối tác, năng lực thể chế, xây dựng khả năng chống chịu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thu Cúc
Nguồn: Báo điện tử chính phủ