TĂNG CƯỜNG SỰ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH, LIÊN QUỐC GIA TRONG QUẢN LÝ VÀ CẢI THIỆN VẤN ĐỀ KHAN HIẾM NƯỚC

Ngày 10/10, tại KS Pan Pacific Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo liên ngành cấp cao, tọa đàm tham vấn ý kiến với chủ đề “Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước”, hướng đến thành lập nhóm Liên ngành cấp cao trong lĩnh vực nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng. Ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) và ông Ngô Mạnh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học các đơn vị: Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ TNMT); Cục Thủy lợi; Viện Khoa học Thủy lợi VN, Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN&PTNT); Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Chương trình Khan hiếm nước Châu Á Thái Bình Dương (WSP) đã được khởi động tại các quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Indonesia nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nước. Chương trình được FAO xây dựng với mục đích tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong quản lý và cải thiện vấn đề khan hiếm nước tại khu vực; xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với vấn đề khan hiếm nước; tăng cường năng lực thông qua các khóa tập huấn về kiểm kê nước. Từ đó, góp phần giải quyết các thách thức liên quan đến tài nguyên nước, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và của Khu vực.

Ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc phát biểu tại buổi Tọa đàm

     Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các cơ quan quản lý, chuyên gia FAO trình bày các tham luận về: Hiện trạng quản lý tài nguyên nước Việt Nam; giới thiệu Chương trình Khan hiếm nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với khan hiếm nước; các phương pháp kiểm kê tài nguyên nước trên thế giới; các phương pháp kiểm kê tài nguyên nước áp dụng tại Việt Nam.

     Giới thiệu Chương trình Khan hiếm nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đại diện FAO cho biết, Chương trình bao gồm 4 nội dung chính  như sau: (1) Nâng cao năng lực triển khai thực công tác kiểm kê tài nguyên nước thường xuyên để nắm được nhu cầu và tình hình sử dụng nước; (2) Xây dựng các khung và quy trình phân bổ nước dựa trên kết quả kiểm kê tài nguyên nước, nhằm phân bổ hợp lý nguồn nước cho các nhu cầu khác nhau; (3) Làm việc với nông dân và đơn vị quản lý tài nguyên nước để giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các can thiệp nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nước; (4) Thiết lập nền tảng hợp tác khu vực để thu thập và chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý tài nguyên nước và từ việc triển khai Chương trình khan hiếm nước.
Chương trình Khan hiếm nước có mục tiêu chính là hỗ trợ các quốc gia phát triển năng lực thực tế về tính toán nước, bước đầu tạo ra các khuôn khổ và quy trình phân bổ nước cũng như thiết lập Nền tảng hợp tác khu vực (RCP) để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và đổi mới trong quản trị nước. Trong đó, các kết quả chính của Chương trình bao gồm: Thành lập nhóm liên ngành cấp cao (NMT) nhằm  quản lý khan hiếm nước thống nhất và mạch lạc; Tổ chức các cuộc họp tham vấn cán bộ kỹ thuật của các đơn vị để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó Khan hiếm nước; tổ chức các hội thảo tham vấn để xây dựng lộ trình kiểm kê nước; Chương trình WSP sẽ đưa ra các khóa tập huấn phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

     Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận các ý kiến về vấn đề quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, ứng phó với vấn đề khan hiếm nước, qua đó đóng góp vào các kế hoạch hành động ứng phó với tình hình khan hiếm nước nói riêng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước nói chung, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia; Xây dựng phương pháp và các đề xuất để hạch toán tài nguyên nước, hỗ trợ bài toán điều hòa phân bổ nguồn nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho các ngành sử dụng, phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp với bảo vệ tài nguyên và môi trường bền vững tại Việt Nam.

Minh Tuyến.

             Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm