1. Giới thiệu
Xã Mộc Bắc có diện tích tự nhiên 1013,7ha, trong đó có 46% diện tích ngoài bãi sông Hồng và 54% diện tích đất 2 lúa ở trong đê. Cây trồng chủ yếu hiện nay là lúa ở trong đê và ngô, chuối, cây dược liệu, cỏ cho chăn nuôi bò sữa tập trung ở ngoài bãi sông Hồng. Đàn trâu bò hiện có 1.268 con, trong đó bò sữa 470 con chiếm 37%. Tổng số hộ đang nuôi bò sữa là 74 hộ, theo kế hoạch đến 2015 đạt 1.039 con, đến năm 2020 đạt 2.100 con. Tính trung bình 1 con bò sữa cần 30kg cỏ/ngày và năng suất cỏ (ví dụ VA06) từ 350 tấn/ha thì đến năm 2015 cần 32 ha trồng cỏ và đến năm 2020 cần 66 ha trồng cỏ. Ngoài ra, nếu tính nhu cầu cỏ cho chăn nuôi bò sữa và các loại vật nuôi khác ở các vùng lân cận thì nhu cầu về cỏ còn lớn hơn nữa. Do đó nhu cầu về thức ăn, đặc biệt là cỏ để phát triển đàn bò sữa là rất lớn. Xuất phát từ nhu cầu đó, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cỏ, trồng ngô, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước, phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương. Dự án này do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, Trung tâm tư vấn PIM-Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam là đơn vị tư vấn thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án là: (i) Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô để phát triển chăn nuôi bò sữa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; (ii) Xây dựng mô hình điểm nhằm từng bước nhân rộng mô hình và (iii) Giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật tưới hiện đại trong điều kiện hội nhập, mở cửa, đáp ứng với tình hình BĐKH và môi trường hiện nay trong khu vực. Mô hình chuyển đổi theo dự án có tổng diện tích trên 64 ha, phân làm 03 khu, trước mắt năm 2014 sẽ thực hiện xây dựng khu 1 thuộc thôn Hoàn Dương với diện tích trên 29,7 ha là vùng trồng lúa kém hiệu quả của 188 hộ.
2. Lựa chọn loại cỏ
Hiện nay có 9 loại cỏ đang trồng phổ biến ở Việt Nam. Qua phân tích các yếu tố về tính chất đất, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ở vùng dự án, năng suất và chất lượng cỏ đã lựa chọn loại cỏ VA-06 cho vùng dự án. Cỏ VA06 còn được gọi là “cỏ vua” vì có năng suất cao (năng suất chất xanh 300 tấn/ha, năng suất chất khô 48 tấn/ha, dễ trồng, hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được đánh giá là loại thức ăn tươi tốt nhất cho gia súc ăn cỏ.
3. Xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước
Qua phân tích về đặc điểm nguồn nước, nhu cầu dùng nước của cây trồng và ưu nhược điểm của các công nghệ tưới tiết kiệm nước, dự án lựa chọn công nghệ tưới phun mưa cho cỏ ở vùng dự án
Các khu tưới được chia thành 32 ô tưới, diện tích ô tưới từ 0,6-1,2 ha. Thực hiện tưới luân phiên giữa các khu tưới để giảm quy mô đầu mối hệ thống tưới. Hệ thống đường ống chính và đường ống nhánh được bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông nội đồng, đường ống tưới dọc theo các thửa ruộng. Hệ thống tưới được thiết kế có vòi phun và đường ống tưới của Israel còn hệ thống đường ống và máy bơm là của Việt Nam. Lựa chọn loại vòi phun 6025-SD của hãng Naandan-Jain, Israel. Suất đầu tư cho hệ thống tưới khoảng 80 triệu đ/ha.
4. Mô hình quản lý
Hợp tác xã DVNN xã Mộc Bắc quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước. Dự án hỗ trợ địa phương tính toán mức thu, các khoản chi, xây dựng quy trình vận hành, bảo dưỡng hệ thống tưới tiết kiệm nước và tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước.
5. Hiệu quả của dự án
Hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình thí điểm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cỏ, trồng ngô, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước, phát triển chăn nuôi bò sữa được tính toán sơ bộ như sau:
+ Hiệu quả kinh tế:
– Hiện tại thu nhập từ trồng lúa là 11.2 triệu đ/ha, trong khi đó thu nhập từ trồng cỏ là 105.2 triệu đ/ha. Như vậy hiệu quả của mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa so với trồng lúa là 94 triệu đ/ha.
– Hiệu quả của áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cỏ: Tăng được sản lượng cỏ khoảng 41%, tăng được sản lượng sữa khoảng 43%, tăng thu nhập từ cỏ khoảng 43%, tiết kiệm được nước khoảng 37%.
+ Hiệu quả xã hội:
– Nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong việc quản lý, khai thác, vận hành công trình
– Giúp người dân từng bước làm quen với các phương pháp tưới hiện đại, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phù hợp với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng hiện nay.
– Là điểm thăm quan, học tập kinh nghiệm, tiến tới mở rộng mô hình trong vùng;
6. Hội nghị triển khai Dự án Xây dựng mô hình thí điểm
Sáng ngày 06/10/2014, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Dự án Xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cỏ, trồng ngô, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước, phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên. Ông Mai Tiến Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu cùng các hộ chăn nuôi bò sữa, hộ có diện tích đất thuộc vùng chuyển đổi đã nghe đại diện Trung tâm PIM-Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam giới thiệu chi tiết về đề án chuyển đổi này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu, hiệu quả khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cỏ, trồng ngô phục vụ chăn nuôi bò sữa. Đa số các hộ dân đều đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương này của UBND tỉnh. Kết luận hội nghị, ông Mai Tiến Dũng đã nêu rõ quan điểm của tỉnh là cần chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô để phát triển chăn nuôi bò sữa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, nâng cao thu nhập cho người dân.
7. Kết luận
Xây dựng mô hình điểm tưới tiết kiệm nước phục vụ chuyển đổi diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, khó khăn về nước tưới sang trồng cỏ, ngô phục vụ phát triển chăn nuôi bò sữa là hướng đi phù hợp với định hướng Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT và chủ trương của tỉnh Hà Nam. Dự án được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong vùng và xây dựng địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiệu quả của mô hình điểm là cơ sở thực tiễn có giá trị cho việc nhân rộng mô hình cho các địa phương khác.