Lê Văn Tú, Bùi Duy Chí
Phòng Hợp tác và Phát triển Tổ chức dùng nước
I. Đặt vấn đề
Hệ thống thủy lợi nội đồng là yếu tố quan trọng dẫn đến nâng cao hiệu quả và dịch vụ cấp thoát nước đến mặt ruộng, do đó quy hoạch, nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng theo hướng nâng cao hiệu quả và dịch vụ cấp thoát nước đến mặt ruộng là vấn đề mấu chốt của đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi.
Long An là tỉnh có diện tích trồng lúa nước lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng ruộng chủ yếu phục vụ cho canh tác lúa nước. Đặc trưng chung của đồng ruộng tại tỉnh Long An là rộng lớn, với số thửa ruộng lớn hơn 0,5 ha chiếm khoảng 60% tổng số diện tích của vùng. Bình quân diện tích đất canh tác theo hộ cũng khá lớn, trung bình cao gấp 3,5 lần so với ĐBSH. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đến mùa khô tình trạng thiếu nước tưới vẫn thường xuyên xảy ra không chỉ riêng ở tỉnh Long An mà còn là tình hình chung của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Căn cứ vào các quy định hiện hành của Trung ương và địa phương, việc ban hành cơ chế, văn bản hướng dẫn hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đang là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, thực tế tỉnh Long An chưa ban hành văn bản nào liên quan. Trong khi đó, việc xây dựng một cơ chế hỗ trợ toàn diện, bao hàm nhiều mặt như: tính toán xác định các mức hỗ trợ, quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các bên… là rất phức tạp. Vì vậy, dự án hỗ trợ tỉnh xây dựng quyết định theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP về việc quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, bao gồm đầu tư xây dựng mới công trình tích trữ nước, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trạm bơm nước, cống và kiên cố hóa kênh mương đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm địa phương, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Long An đã giao thực hiện nhiệm vụ “Tư vấn Lập hồ sơ tích trữ nước; thiết kế mẫu công trình thủy lợi nhỏ; thủy lợi nội đồng; điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi” cho Trung tâm tư vấn PIM thực hiện.
II. Tổng quan về dịch vụ tư vấn
a. Thông tin chung:
- Tên dịch vụ tư vấn: Tư vấn Lập hồ sơ tích trữ nước; thiết kế mẫu công trình thủy lợi nhỏ; thủy lợi nội đồng; điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợ
- Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An (ủy quyền Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An làm đại diện chủ đầu tư).
- Địa điểm xây dựng: tỉnh Long An.
- Thời gian thực hiện: Năm 2020 – 2021
b. Mục tiêu:
Rà soát, đánh giá thực trạng công trình và tổ chức quản lý khai thác công trình tích trữ nước, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn và đề xuất các giải pháp chính sách cấp tỉnh nhằm thực thi Luật Thủy lợi và các văn bản dưới luật; Làm cơ sở để xây dựng chính sách hỗ trợ theo quy định.
c. Phạm vi thực hiện:
- Dịch vụ sẽ được thực hiện trên địa bàn tỉnh Long An.
- Phạm vi công việc bao gồm:
+ Xác định, phân loại về hình thức, quy mô công trình tích trữ nước trên địa bàn tỉnh Long An;
+ Xây dựng thiết kế mẫu công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;
+ Rà soát, xác định vị trí điểm giao nhận dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh
III. Nội dung và các hoạt động cụ thể dịch vụ tư vấn
3.1.Nội dung 1. Phân tích hệ thống văn bản Luật, Chính sách liên quan
Tổng hợp, phân tích các văn bản pháp lý hiện hành để có cái nhìn tổng quan về khung chính sách cho vấn đề cần giải quyết trong dịch vụ tư vấn này. Các đề xuất cho vùng dự án sẽ được xây dựng trên cơ sở khung chính sách đồng thời phải phù hợp với thực tiễn tại vùng dự án.
3.2. Nội dung 2. Phân tích, đánh giá hiện trạng vùng dự án
Tổng hợp thông tin, số liệu về hiện trạng thực thi chính sách và các đối tượng của dịch vụ tư vấn (công trình tích trữ nước; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước). Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá về tình hình thực thi cơ chế chính sách tại địa phương, các đặc trưng của công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và hiện trạng các tổ chức thủy lợi cơ sở tại vùng dự án
3.3. Nội dung 3. Đề xuất giải pháp cơ chế, chính sách
Đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách cấp tỉnh nhằm thực thi Luật Thủy lợi và các văn bản dưới luật; làm cơ sở để xây dựng chính sách hỗ trợ theo quy định.
- Đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (định nghĩa, phân loại, quy mô công trình tích trữ nước phù hợp và đặc thù tại tỉnh Long An, vị trí điểm giao nhận dịch vụ thủy lợi, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước).
- Đề xuấtgiải pháp về thiết kế mẫu công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (phân loại công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo loại hình, quy mô và đặc điểm các vùng, đề xuất thiết kế mẫu cho từng loại hình, điều kiện áp dung và hướng dẫn thực hiện).
- Tổ chức lấy ý kiến các Sở, ban ngành, địa phương, các bên liên quan và hoàn thiện giải pháp;
IV. Cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, sản phẩm chính dịch vụ tư vấn
4.1.Cách tiếp cận sử dụng trong dịch vụ
- Tiếp cận hệ thống.
- Tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng.
- Tiếp cận kế thừa.
- Tiếp cận các phương pháp, công cụ hiện đại.
4.2. Phương pháp thực hiện
- Phương pháp kế thừa.
- Phương pháp phân vùng chọn mẫu.
- Phương pháp khảo sát, điều tra thu thập số liệu.
- Phương pháp tổng hợp phân tích số liệu.
- Phương pháp tham vấn cộng đồng.
- Phương pháp chuyên gia hội thảo.
4.3. Các sản phẩm chính của dịch vụ tư vấn
- Báo cáo khởi đầu.
- Báo cáo đánh giá hiện trạng vùng dự án.
- Báo cáo đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện Nghị định 77/2018/NĐ-CP cho tỉnh Long An.