Hội thảo khoa học về Định hướng giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 24/6/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về “Định hướng giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long”

Hội thảo được thực hiện trên cơ sở triển khai khởi đầu cụm 6 đề tài sạt lở cấp Quốc gia, theo Quyết định số 906/QĐ-BKHCN ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Mục tiêu hội thảo là trao đổi, thảo luận các vấn đề khoa học cốt lõi cần giải quyết nhằm bảo vệ bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; định hướng các giải pháp khoa học công nghệ và lựa chọn địa điểm xây dựng các mô hình thử nghiệm.

Tham dự hội thảo có 60 đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng các Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Thủy sản, Chi cục Lâm nghiệp/Kiểm lâm thuộc 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang); đại diện Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Bộ Nông nghiệp và PTNT), các chuyên gia lĩnh vực thủy động lực học sông biển như GS.TS Lương Phương Hậu (Đại học Xây dựng), GS.TS Nguyễn Tất Đắc (Hội Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh), GS.TS Hoàng Hưng (Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM), PGS.TS Nguyễn Hữu Nhân (chuyên gia độc lập), PGS.TS Huỳnh Thanh Sơn (Đại học Bách Khoa TP.HCM), GS.TS Lê Mạnh Hùng (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), PGS.TS Hoàng Văn Huân (Viện Kỹ thuật Biển)…

PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cụm đề tài và GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện, Phó trưởng ban chỉ đạo cụm đề tài, đồng điều hành hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nêu bật tính cấp bách của vấn đề nghiên cứu sạt lở bờ biển hiện nay ở ĐBSCL và mong muốn qua hội thảo lần này các đại biểu sẽ đóng góp những định hướng nghiên cứu cho các đề tài, đề nghị các địa phương cho ý kiến về chọn địa điểm thử nghiệm cụ thể để đảm bảo tính đại diện cho các khu vực nghiên cứu.

GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó trưởng ban chỉ đạo cụm đề tài, đã báo cáo dẫn đề chung cho cụm đề tài về mục tiêu, nội dung nghiên cứu chính. Báo cáo cho biết ý tưởng về cụm đề tài nghiên cứu sạt lở ven biển ĐBSCL đã hình thành từ năm 2014 đến 2016 và đã được Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt danh mục cho phép thực hiện từ năm 2017. Hiện nay ở ven biển ĐBSCL xói lở mất đất trên 500 ha/năm, khó có khả năng hồi phục. Vấn đề xói lở sẽ càng nghiêm trọng hơn trong tương lai do ảnh hưởng của phát triển khai thác thượng lưu, biến đổi khí hậu – nước biển dâng…Mục tiêu chính của cụm đề tài là: (i) Đánh giá, phân tích nguyên nhân xói lở bờ biển, (ii) Dự báo khả năng biến động bờ biển trong tương lai, (iii) Định hướng giải pháp phòng chống xói lở hiệu quả…

Sau đó, các chủ nhiệm của cụm 6 đề tài đã báo cáo mục tiêu, nội dung triển khai cụ thể của từng đề tài.

Một số nội dung trọng tâm các đại biểu tham dự hội thảo đã phát biểu, thảo luận:

–  Lý giải lý do rừng phòng hộ ven biển ở nhiều nơi bị mất nhanh chóng? Lộ trình khôi phục lại như thế nào?

–  Trong các phương án công trình, cần kết hợp cả kè cứng và kè mềm;

–  Cần tổng kết đánh giá thêm các công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ biển đã có hiệu quả bước đầu ở các tỉnh, trên cơ sở đó nghiên cứu phát triển sâu thêm;

–  Cần chú trọng hơn mảng nghiên cứu về địa chất địa mạo để tìm nguyên nhân nội sinh về sạt lở;

–  Cần theo dõi đánh giá thêm về tính chính xác của các dự báo sau khi kết thúc cụm đề tài;

–  Cần nghiên cứu định lượng tổng thể về cân bằng bùn cát cho cả ĐBSCL…

Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm các đề tài tiếp thu ý kiến đóng góp của hội thảo để triển khai cho đề tài cụ thể của mình, chú ý hoàn thành tốt sản phẩm quan trọng nhất của các đề tài là các mô hình thử nghiệm và mô hình quản lý, với mục tiêu là góp phần bảo vệ được sự ổn định bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo đã kết thúc cùng ngày, sau đó các thành viên Ban chỉ đạo cụm đề tài và các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đã triển khai đi khảo cứu thực địa, phối hợp các địa phương chọn vị trí mô hình thử nghiệm.

Danh mục cụm 6 đề tài sạt lở bờ biển ĐBSCL theo Quyết định số 906/QĐ-BKHCN ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

T Tên đề tài Cơ quan thực hiện
1 Nghiên cứu đánh giá tổng thể quá trình xói lở và dự báo diễn biến bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ đề xuất giải pháp nhằm ổn định và phát triển bền vững vùng ven biển Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

2 Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng chống xói lở, ổn định dải bờ biển và các cửa sông Cửu Long, đoạn từ Tiền Giang đến Sóc Trăng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

3 Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng chống xói lở, ổn định bờ biển đoạn từ Sóc Trăng đến Mũi Cà Mau Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

4 Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng chống xói lở, ổn định bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đoạn từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên Viện Kỹ thuật Biển

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

5 Nghiên cứu xây dựng mô hình sinh thái bền vững trên vùng triều ven biển Đồng bằng sông Cửu Long Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

6 Cơ chế, chính sách và mô hình quản lý nhằm quản lý bền vững dải bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long Trung tâm PIM

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo: