HỌP NGHIỆM THU CHÍNH THỨC ĐỀ TÀI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP BỘ “NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC HỆ THỐNG THỦY LỢI NỘI ĐỒNG”

Ngày 27/7/2014, tại Viện khoa học thủy lợi Việt nam, đã tổ chức họp nghiệm thu chính thức đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi nội đồng” do ThS. Đặng Minh Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn PIM chủ nhiệm.

    Theo Báo cáo tổng kết Đề tài, các hệ thống thủy lợi được nhà nước đầu tư qua hàng chục năm đến nay đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tình trạng xuống cấp, năng lực phục vụ của các hệ thống thủy lợi còn thấp, mới chỉ đạt trung bình trên 70%. Một trong các nguyên nhân quan trọng đó là việc thất thoát nước trong quá trình vận hành khai thác; thiếu phương tiện kiểm soát lượng nước; giải pháp phân phối nước chưa phù hợp. Về mặt tổ chức quản lý, nhiều mô hình quản lý thủy lợi nội đồng đã được thành lập nhưng còn nhiều bất cập, hoạt động thiếu bền vững, chưa có chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình. Mặt khác, chính sách tiền lương và sự biến động giá cả đã ảnh hưởng đến chi phí cho quản lý khai thác hệ thống thủy lợi, là nguyên nhân dẫn đến xuống cấp công trình, giảm hiệu quả phục vụ của hệ thống.

    Mục tiêu của đề tài là: (i) Đề xuất được giải pháp điều tiết, phân phối nước, quy trình vận hành để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống thuỷ lợi nội đồng (Nghiên cứu điển hình cho vùng Bắc Trung Bộ); (ii) Xác định được ảnh hưởng của biến động giá cả và chính sách tiền lương đến sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng chống xuống cấp các hệ thống công trình thủy lợi.

Sau hơn 1 năm thực hiện, đề tài đã đạt được các kết quả chính: (i) Nghiên cứu xác định được các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tưới của hệ thống thủy lợi nội đồng; Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phân phối nước trên hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo tính chính xác, tính công bằng và độ tin cậy sử dụng phương pháp xác suất thống kê; Đo đạc thực nghiệm xác định hệ số lưu lượng cho các dạng cống lấy nước của 02 khu tưới nội đồng tuyến kênh N6 và N22 thuộc hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An (lựa chọn điển hình) và đánh giá thực trạng hiệu quả phân phối nước 2 khu tưới; Tính toán nhu cầu nước, nhu cầu tưới và lập quy trình phân phối nước có sự tham gia, áp dụng thực nghiệm cho khu tưới N6. Kết quả kiểm nghiệm hiệu quả phân phối nước cho thấy có sự chuyển biến tích cực so với thực trạng, các chỉ tiêu đánh giá tính chính xác, công bằng và tin cậy theo không gian và thời gian được cải thiện, khắc phục tình trạng thiếu nước ở cuối kênh, thừa nước ở đầu kênh, kịp thời về thời vụ. (ii) Phân tích, đề xuất các chỉ số chính về quản lý tưới có sự tham gia, chuyển giao quản lý công trình thủy lợi (PIM&IMT) theo 3 nhóm chỉ tiêu: Hoàn thành mục tiêu thực thi xã hội hóa; Đánh giá hiệu quả đầu ra; Đánh giá ảnh hưởng (iii) Nghiên cứu xác định được ảnh hưởng của chính sách tiền lương-đơn giá nhân công, giá điện và giá vật liệu đến mức thu thủy lợi phí trong giai đoạn thực hiện Nghị định 143 (2004-2007), giai đoạn thực hiện Nghị định 115 (2009-2012), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp chính sách duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp các công trình thủy lợi.

Phát biểu thay mặt lãnh đạo Viện KHTL Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Q.Giám đốc Viện đã đánh giá cao tính thời sự của đề tài, mặc dù thực hiện trước nhưng rất phù hợp với các Đề án mới của Bộ về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả QLKT CTTL hiện có; đề nghị nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện sản phẩm để đóng góp cho thực hiện các Đề án của Bộ và đề xuất nhiệm vụ mới liên quan.

Thay mặt Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ Nông nghiệp và PTNT kết luận: Đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, khối lượng và sản phẩm theo đề cương; Mục tiêu hợp lý, rõ ràng; phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận phù hợp, không trùng lặp và có tính mới; Đã đề xuất được các tiêu chí đánh giá hiệu quả phân phối nước trong HTTL nội đồng; quy trình phân phối nước có sự tham gia; bộ chỉ số về PIM và IMT; Đánh giá về tác động của giá cả và chính sách tiền lương đến sửa chữa thường xuyên, chống xuống cấp các CTTL và đề xuất giải pháp chính sách khắc phục. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị thực tiễn và khoa học cao. Sản phẩm về tiêu chí đánh giá hiệu quả phân phối nước và quy trình phân phối nước có sự tham gia có thể hoàn thiện thêm, xây dựng thành tài liệu hướng dẫn, quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho địa phương.

Đề tài nghiệm thu đạt loại Khá.