Kết quả Hỗ trợ quản lý nước trong dự án Cải Thiện Nông Nghiệp Có Tưới Việt Nam (WB7)

Công tác cải thiện nông nghiệp có tưới ở Việt Nam trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều thách thức liên quan tới cơ sở hạ tầng và công tác quản lý tưới. Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới ” ra đời trong bối cảnh này nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cấp, cải tiến các hệ thống tưới tiêu và cải thiện công tác cung cấp dịch vụ tưới , góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, cải thiện môi trường, sinh kế của người dân. Bài viết này giới thiệu kết quả thực hiện hợp phần “Hỗ trợ quản lý nước”của các chuyên gia tư vấn cá nhân cho 6 tỉnh trong vùng dự án. Từ khóa: Cải thiện nông nghiệp có tưới, hỗ trợ quản lý tưới, hiện đại hóa thủy lợi, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức dùng nước

 ThS Võ Thị Kim Dung
Trung tâm tư vấn PIM

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

   Công tác cải thiện nông nghiệp có tưới ở Việt Nam trong thời gian qua mặc dù đã được nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều thách thức liên quan tới cơ sở hạ tầng và công tác quản lý tưới. Ở nhiều nơi, hiệu quả công trình còn thấp do qui hoạch hạn chế, công trình được đầu tư không đồng bộ hoặc có nhiều công trình cũ được thiết kế với tiêu chuẩn thấp, kênh mương và các hạ tầng khác xuống cấp…Đặc biệt, công tác quản lý, khai thác của các công ty thủy nông (IMCs) còn có nhiều bất cập, thiếu quản lý theo hướng dịch vụ, thiếu sự tham gia từ người dân dẫn đến dịch vụ tưới tiêu thiếu đầy đủ, chưa linh hoạt và bền vững. Ngoài ra, kinh phí bảo dưỡng công trình thủy lợi (CTTL) còn hạn hẹp, cộng thêm các tác động của thiên tai làm cho hệ thống công trình ngày càng xuống cấp nghiệm trọng, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ tưới tiêu.

Dự Án “Cải Thiện Nông Nghiệp Có Tưới Việt Nam (VIAIP)” ra đời trong bối cảnh này nhằm mục đích nâng cao tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp có tưới tại 07 tỉnh miền núi phía Bắc và ven biển miền Trung, cụ thể là các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam. Dự án gồm có 4 hợp phần, các chuyên gia tư vấn cá nhân của Trung tâm PIM đã được huy động để hỗ trợ 6 trong 7 tỉnh thuộc dự án (trừ tỉnh Hòa Bình) thực hiện hợp phần 1 về Hỗ trợ Cải thiện quản lý tưới. Hợp phần này được thực hiện trong 5 năm (2016-2020) với mục tiêu cải thiện năng lực thể chế theo hướng hiện đại, hiệu quả, tin cậy trong tưới tiêu thông qua cơ chế tự chủ tài chính và công tác quản lý thủy lợi minh bạch ở cấp tỉnh cũng như cấp Bộ.

Ở cấp tỉnh, các chuyên gia của Trung tâm PIM phối hợp với các chuyên gia địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh: i) Lập và triển khai các kế hoạch cấp tỉnh về Hiện đại hóa thủy lợi 5 năm; ii) Thành lập, củng cố Tổ chức dùng nước (TCDN); iii) thực hiện phân cấp và chuyển giao quản lý tưới; iv) cải thiện quản lý tài sản tưới tiêu và kế hoạch kinh doanh ở cấp tỉnh và cấp hệ thống; v) thí điểm cơ chế đặt hàng quản lý tưới (Quảng Nam, Hà Giang)…

II. KẾT QUẢ

1) Kết quả thực hiện

–  Các chuyên gia đã hỗ trợ 6 tỉnh xây dựng được 24 bản đề xuất kế hoạch, bao gồm: Kế hoạch hiện đại hóa Thủy lợi 5 năm; kế hoạch thành lập, củng cố TCDN (tỉnh Quảng Nam tách thành 2 kế hoạch là thành lập, củng cố TCDN và thành lập, củng cố Liên hiệp TCDN); kế hoạch phân cấp hoặc hoàn thiện phân cấp CTTL); kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) 5 năm của các IMC; kế hoạch nâng cao năng lực cho IMC và TCDN.

–  Các bản để xuất kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho IMC và TCDN đã được Ban quản lý trung ương dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới Việt Nam (CPMU) rà soát, thẩm định và trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng thế giới (WB) xin ý kiến.

–  Trong số 24 bản đề xuất kế hoạch còn lại, có 17 bản Kế hoạch (chiếm 71% tổng số kế hoạch) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và 4 bản đề xuất kế hoạch đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh thẩm định lần cuối trước khi phê duyệt. Tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị là các tỉnh sớm nhất hoàn thành công tác phê duyệt các kế hoạch theo yêu cầu của dự án.

–  6 tỉnh cũng đã thống nhất lựa chọn thành lập, củng cố 26 TCDN và liên hiệp TCDN theo các đề xuất của tư vấn. Trong đó có 21 mô hình HTXNN, 3 mô hình Tổ hợp tác và 2 mô hình Liên hiệp TCDN (Hà Tĩnh, Quảng Nam). 9/26 TCDN được thành lập mới; 13/26 mô hình kết hợp quản lý nông nghiệp thông minh (CSA). Hiện nay trên 80% TCDN được lựa chọn thành lập mới đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức và tư cách pháp lý, 100% TCDN kết hợp quản lý CSA đã có tổ chức quản lý. Tại các mô hình còn lại, các địa phương đang dự thảo điều lệ, quy chế hoạt động của TCDN hoặc đang lấy ý kiến người dân để hoàn thiện quy chế hoạt động…

–  Đối với công tác phân cấp CTTL và chuyển giao quản lý tưới, tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định điều chỉnh phân cấp và thực hiện chuyển giao công trình. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã dự thảo quyết định phân cấp và đang trình UBND tỉnh xin phê duyệt. Đặc biệt, tại tỉnh Hà Tĩnh, công tác chia sẻ nguồn thủy lợi phí cấp bù của nhà nước từ Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho Liên hiệp TCDN để quản lý kênh cấp 2 đã được thống nhất với tỷ lệ là 20,5% giá trị thủy lợi phí cấp bù cho tuyến kênh N5- Kẻ Gỗ.

–  Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn cá nhân cũng đã và đang hỗ trợ tỉnh Hà Giang và Quảng Nam xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế đặt hàng dịch vụ thủy lợi.

+ Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Bình Định về Cơ chế đặt hàng trong quản lý dịch vụ tưới tiêu. Hiện nay tỉnh đã lập dự thảo nội dung thí điểm Cơ chế đặt hàng với Phương án đặt hàng là UBND tỉnh hoặc đại diện UBND tỉnh thực hiện đặt hàng với IMC Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản hướng dẫn về nội dung, quy trình đặt hàng chưa được rõ ràng, văn bản hướng dẫn phương thức tính giá và cơ chế hỗ trợ giá sản phầm dịch vụ thủy lợi cũng chưa được ban hành. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đang thiếu Định mức kinh tế kỹ thuật để làm căn cứ trong việc lập dự toán đặt hàng.

+ Tỉnh Hà Giang hoàn thành công tác thành lập Ban quản lý khai thác CTTL cấp tỉnh và đã đi vào hoạt động. Hiện tại, tỉnh đang lập kế hoạch triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng. Phương án thí điểm đang được tỉnh lựa chọn là Sở Nông nghiệp &PTNT thực hiện đặt hàng với Ban quản lý khai thác CTTL Hà Giang và UBND huyện một huyện thí điểm đặt hàng với một TCDN.

 Hội thảo giữa kỳ hợp phần: “Hỗ trợ quản lý nước

 Hỗ trợ xã Bạch Ngọc thành lập TCDN

2) Hiệu quả dự kiến

–  Các bản đề xuất kế hoạch Hiện đại hóa thủy lợi 5 năm của các tỉnh đã đưa ra được bức tranh tổng thể, toàn diện, có trọng tâm phù hợp với nhu cầu của mỗi tỉnh. Điều này sẽ giúp các ban ngành, địa phương quản lý và tổ chức thực hiện hiện đại hóa thủy lợi hiệu quả. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế, xã hội 2 vùng trong dự án khác nhau nên hiệu quả thực hiện chắc chắn sẽ  khác nhau. Khả năng bố trí vốn thực hiện kế hoạch tại 4 tỉnh miền trung giao động từ 70-90% kế hoạch, trong khi 3 tỉnh miền núi phía Bắc chỉ dưới 30% kế hoạch.

– Việc thí điểm thành lập, củng cố TCDN sẽ là cơ hội để các địa phương đúc rút bài học kinh nghiệm nhằm phát triển, nhân rộng  mô hình TCDN phù hợp trên địa bàn tỉnh.

–  Các kế hoạch phân cấp hoặc hoàn thiện phân cấp CTTL khi được triển khai sẽ tạo điều kiện để các IMC tâp trung quản lý những hạng mục công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho sản xuất và dân sinh.

–  Công tác đào tạo nâng cao cho IMC và TCDN khi được thực hiện sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý CTTL một cách toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL và hỗ trợ tỉnh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư 40/2011 của Bộ NN&PTNT.

–  Các đề xuất kế hoạch SXKD 5 năm của các IMC đã đưa ra được các 6 giải pháp  cải thiện năng lực hoạt động của IMC phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của IMC về: Tài chính, quản lý công trình, quản lý tưới tiêu, quản lý nguồn nhân lực, quản lý điều hành và phát triển KHCN. Trong đó, một số IMC đã đưa ra được một số giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu qủa kinh tế:

+ IMC Quảng Nam: Mở rộng quy mô cấp nước cho khu công nghiệp (2 nhà máy) với lộ trình thu hút khách hàng cụ thể, có ưu đãi về giá (bắt đầu từ 270 đồng/m3 so với 900 đồng/m3 theo quy định hiện nay của tỉnh). Dự kiến doanh thu về cấp nước tăng gấp 5 lần so với hiện tại.

+ IMC Quảng Trị: Mở rộng quy mô cấp nước cho công nghiệp (khu kinh tế Đông Nam và nhà máy Nhiệt điện cảng Mỹ Thủy, cấp nước cho nhà máy Bia và một số nhà máy khác thuộc khu công nghiệp Quán Ngang). Dự kiến tăng doanh thu cho IMC từ 250 triệu/năm hiện nay lên 1,8 tỷ đồng/năm vào năm 2020. Ngoài ra, IMC sẽ có thêm nguồn thu nếu được UBND tỉnh cho phép khi cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước Thị xã Quảng Trị và Thành phố Đông Hà (86.000 người) (hiên nay đã cấp nhưng chưa thu).

+ IMC Thanh Hóa: Quản lý thêm diện tích tưới sau khi dự án ADB6 hoàn thành sẽ tăng thêm nguồn thu của IMC. Đặc biệt, việc xây dựng lộ trình thay đổi hình thức tưới từ tự chảy sang tưới động lực (từ 100 trạm bơm còn 12 trạm bơm) sau khi dự án ADB6 hoàn thành sẽ giúp giảm đáng kể chi phí của IMC.

III.  CÁC KHÓ KHĂN TỒN TẠI

–  Công tác thí điểm cơ chế đặt hàng tại hai tỉnh Quảng Nam và Hà Giang; thành lập Liên hiệp TCDN ở Quảng Nam; xây dựng hướng dẫn thành lập liên hiệp TCDN ở Quảng Trị…đã và đang gặp vướng mắc do các văn bản hướng dẫn dưới Luật Thủy lợi chưa được chính thức ban hành. Trong khi các chính sách hiện hành có liên quan như thông tư 56, thông tư 75… và định mức kinh tế kỹ thuật của các IMC hiện nay lại không còn phù hợp.

–  Công tác thẩm định, phê duyệt các kế hoạch ở cấp tỉnh đã diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hợp phần. Nguyên nhân cơ bản là các Ban quản lý dự án cấp tỉnh đều thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý các dịch vụ tư vấn liên quan đến Thể chế, chính sách quản lý nước nên chưa hiểu rõ để thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến các bên liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

–  Hầu hết các Kế hoạch chi tiết thực hiện hợp phần 1 của mỗi tỉnh đều được các Chủ đầu tư ban hành. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp phần lại có liên quan đến nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh không thuộc sự quản lý của Chủ đầu tư (như IMC, UBND huyện…) nên Kế hoạch chi tiết ít có hiệu lực thi hành.

–  Các ban ngành địa phương, đặc biệt là Chi cục thủy lợi, chính quyền cấp huyện, cấp xã hầu như chưa vào cuộc để tham gia thực hiện hợp phần.

–  IMC Phú Thọ khó tham chiếu Kế hoạch SXKD 5 năm để xây dựng kế hoạch SXKD hàng năm do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, các TCDN trên địa bàn chưa đủ năng lực để tiếp nhận quản lý CTTL nếu được phân cấp nên tỉnh chưa có chủ trương thực hiện phân cấp trong thời điểm hiện tại.

– IMC Nam Sông Mã đang lập kế hoạch theo phương án được nhận quản lý, sử dụng các CTTL được xây dưng, nâng cấp trong dự án ADB6. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh lại chưa có quyết định phân giao các công trình này cho IMC quản lý. Mặt khác, việc quản lý thêm diện tích tưới sau khi dự án ADB6 hoàn thành sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức (chi nhánh, nhân sự) và kế hoạch tài chính của IMC. Vì vậy, công tác lấy ý kiến, thẩm định kế hoạch chắc chắn sẽ bị kéo dài.

IV.  KẾT LUẬN

1) Kết luận

Quá trình và kết quả triển khai các hoạt động Hỗ trợ cải thiện quản lý tưới tại 6 tỉnh cho thấy các bản đề xuất kế hoạch: Hiện đại hóa Thủy lợi 5 năm; thành lập, củng cố TCDN; phân cấp/ hoàn thiện phân cấp CTTL; sản xuất 5 năm của các IMC; kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho IMC và TCDN cơ bản đã được các chuyên gia tư vấn cá nhân xây dựng theo đúng tiến độ của dự án. Tuy nhiên, công tác lấy ý kiến, thẩm định, và phê duyệt các kế hoạch này tại các địa phương đã và đang rất chậm so với kế hoạch,  ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện kế hoạch. Nhìn chung, các sản phẩm của hợp phần đã được nhiều bên liên quan đánh giá cơ bản phù hợp với yêu cầu của dự án, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương và bước đầu đã áp dụng thực hiện tại các tỉnh.

2) Một số kiến nghị

– Bộ NN&PTNT sớm ban hành hoặc tham mưu, phối hợp các Bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật Thủy lợi về: đặt hàng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; phương thức tính giá và cơ chế hỗ trợ giá sản phầm, dịch vụ thủy lợi; quy định về tổ chức thủy lợi cơ sở …

– CPMU tham mưu cho Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành văn bản hỗ trợ, thúc đẩy các tỉnh thực hiện hợp phần 1. Trong đó quy định cụ thể quy trình phê duyệt các sản phẩm và công tác tổ chức thực hiện, vai trò của các bên liên quan (đặc biệt là chi cục thủy lợi và UBND huyện, xã), yêu cầu về các sản phẩm đầu ra, thời gian hoàn thành Kế hoạch SXKD hàng năm của các IMC trước thời gian phê duyệt theo quy định của tỉnh … nhằm đẩy nhanh tiến dộ phê duyệt các kế hoạch, tăng cường khả năng áp dụng và triển khai thực hiện các kế hoạch có hiệu quả. Ngoài ra, CPMU cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu xây dựng khung định mức kinh tế- kỹ thuật trong quản lý khai thác CTTL cho 7 vùng trong cả nước.

– Sở Nông nghiệp &PTNT các tỉnh chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập “Tổ công tác PIM” tại các tỉnh. Thành viên của Tổ công tác PIM sẽ là đại diện của các cơ quan có liên quan trong tỉnh như Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở kế hoạch & đầu tư, IMC và UBND tỉnh/huyện…và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

– Sở Nông nghiệp &PTNT Phú Thọ chủ trì, tổ chức lấy ý kiến các ban ngành, địa phương có liên quan trong tỉnh về Kế hoạch SXKD 5 năm của IMC và trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp & PTNT cần báo cáo, đề nghị Bộ Nông nghiệp &PTNT cho ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo về công tác phân cấp CTTL trên địa bàn tỉnh.

– UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, nghiên cứu phê duyệt phương án do Sở NN&PTNT trình về bàn giao CTTL và diện tích tưới của hệ thống Nam Sông Mã sau khi dự án ADB6 hoàn thành cho IMC Nam Sông Mã. PPMU hỗ trợ IMC Thanh hóa lấy ý kiến các bên liên quan trong tỉnh và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Sở Nông nghiệp &PTNT Quảng Nam chủ trì, tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các Sở, ngành, đơn vị có liên quan trong tỉnh để làm căn cứ tham mưu cho UBND thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng trong quản lý dịch vụ tưới tiêu và báo cáo Bộ NN&PTNT.

Tài liệu tham khảo

[1].  Ban quản lý dự án thành phần Cài thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam (2017), “Báo cáo kết quả thực hiện hợp phần Hỗ trợ Cải thiện quản lý tưới”.

[2].  Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển và Công ty cổ phần chuyên gia HANOITIC (2017), “Báo cáo giám sát giữa kỳ dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới Việt Nam”.