Tác giả: Th.S Nguyễn Xuân Thịnh
- Đặt vấn đề
Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, với tổng diện tích tự nhiên là 1.648.067,06 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.464.697,4 ha, chiếm 88,87 so với tổng diện tích tự nhiên. Bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người là 670 m2. Thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, đến cuối năm 1997, tỉnh đã hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận QSD đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đã cơ bản hoàn thành; Kết quả đó đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hộ nông dân được làm chủ trên diện tích được giao, yên tâm đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện Nghị định số 64/CP, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, trình độ năng lực sản xuất của nông dân còn hạn chế nên yêu cầu đặt ra trong giao đất là phải tránh rủi ro trong sản xuất, đảm bảo công bằng, cơ bản giữ nguyên trạng kết quả giao đất theo Khoán 10. Từ đó dẫn đến tình trạng ruộng đất chia cho nông dân quá phân tán, manh mún; quỹ đất công ích của hầu hết các xã đều để phân tán, xen lẫn trong quỹ đất giao cho hộ gia đình nên việc đấu thầu hoặc cho thuê để tạo nguồn thu cho xã gặp nhiều khó khăn; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng bất cập, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm và tưới tiêu trong sản xuất.
Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, ngày 05/4/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TU về việc vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất. Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TU ngày 05/4/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến cuối năm 2004, tất cả các đơn vị cấp xã có khả năng chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện (342 số xã có khả năng chuyển đổi/480 xã trong toàn tỉnh). Tuy nhiên, công tác chuyển đổi ruộng đất ở giai đoạn này còn một số tồn tại, hạn chế, như: chưa gắn việc chuyển đổi ruộng đất với quy hoạch lại đồng ruộng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy mô diện tích của thửa đất sau chuyển đổi còn nhỏ; bình quân số thửa/hộ còn cao, chưa liền vùng, liền thửa, chưa hình thành được vùng chuyên canh lớn hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi ruộng đất ở các vùng màu, vùng bãi, vùng cây công nghiệp chưa được quan tâm, quy hoạch và quản lý quỹ đất công ích còn bất cập. Những hạn chế này đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng nông thôn mới.
Ngày 08/5/2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về việc thực hiện dồn điền đổi thửa, đã tạo ra những chuyển biến tích cực, như: Thửa đất sau dồn điền đổi thửa có quy mô hợp lý, bình quân chỉ còn 1-3 thửa/hộ; đất sản xuất của từng hộ được dồn lại liền vùng, liền thửa; Từng bước hình thành được nhiều cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao; Quỹ đất công ích được quy hoạch tập trung, bố trí ở những vị trí hợp lý, thuận lợi cho việc quản lý và sử dụng. Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực thì vì nhiều lý do khác nhau, việc dồn điền đổi thửa mới chỉ thực hiện được ở một số vùng, một số vùng khác chưa thể thực hiện được do điều kiện địa hình không bằng phẳng, người dân chưa đồng thuận hoặc không đủ kinh phí đóng góp,… thậm chí, ngay cả những vùng đã thực hiện cũng mỗi nơi một cách làm khác nhau dựa trên cách hiểu của cán bộ địa phương và người dân do không có hướng dẫn kỹ thuật thống nhất.
Việc thực hiện dồn điền đổi thửa cũng dẫn đến sự thay đổi hiện trạng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng vốn dĩ gắn liền với kết cấu lô thửa, tức là để đảm bảo sản xuất theo quy mô ruộng đất mới cần phải thực hiện quy hoạch đồng bộ hạ tầng đồng ruộng nhưng Quy trình thực hiện dồn điền đổi thửa quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP và thực tế thực hiện ở các địa phương hiện chỉ tập trung vào việc chuyển đổi các thửa ruộng có diện tích nhỏ thành các thửa có diện tích lớn hơn mà chưa quan tâm đến việc kết hợp dồn điền đổi thửa với hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phương thức sản xuất;… khiến hiệu quả của công tác này chưa cao. Do vậy, Viện tưới tiêu Nhật Bản (JIID) hợp tác với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thí điểm xây dựng mô hình dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại Nghệ An.
2. Địa điểm xây dựng mô hình
Địa diểm xây dựng mô hình tại cánh đồng của xóm 7a, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Một số đặc điểm chính của khu vực dự kiến xây dựng mô hình như sau:
- Tổng diện tích xóm 7a là 32,76 ha, trong đó khu vực dự kiến xây dựng mô hình có diện tích 16 ha, thuộc các xứ đồng: Khúc Giống, Đồng Sẩy, Đồng Bấc.
- Tổng số hộ dân được chia ruộng theo Nghị định 64/1993/NĐCP là 100 hộ, 411 nhân khẩu.
Sơ đồ vị trí khu vực xây dựng mô hình
3. Nội dung và các hoạt động
Căn cứ các quy định hiện hành và điều kiện thực tiễn khu vực nghiên cứu, các nội dung thực hiện trong quá trình triển khai mô hình thí điểm sẽ bao gồm:
1.Đánh giá tổng quan về dồn điền đổi thửa ở trong và ngoài nước
2.Khảo sát địa hình khu vực khu vực xây dựng mô hình.
3.Hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình dồn điền, đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng.
- Hỗ trợ xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bao gồm phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ dân.
- Hỗ trợ xây dựng hạ tầng đồng ruộng và hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp;
- Củng cố và nâng cao năng lực cho tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp quy định của Luật Thủy lợi
4.Xây dựng Sổ tay hướng dẫn thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng vùng Bắc Trung Bộ.
4. Kết quả
- Hồ sơ quy hoạch dồn điền đổi thửa khu mô hình;
- Mô hình dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, quy mô diện tích 16 ha;
- Mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp với Luật Thủy lợi;
- Sổ tay hướng dẫn thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng vùng Bắc Trung Bộ.
Ảnh 1: Thi công đường, kênh mương nội đồng
Ảnh 2: Xây dựng cống qua đường
Ảnh 3: San phẳng mặt ruộng