Mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB nhằm quản lý hiệu quả và bền vững công trình thủy lợi, phục vụ phát triển nông nghiệp và dân sinh là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

 PGS.TS. Trần Chí Trung
Trung tâm tư vấn PIM

1. Đặt vấn đề

Hồ đập nhỏ là loại hình công trình khá phổ biến, đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở các vùng có điều kiện địa hình phức tạp như vùng miền núi phía Bắc (MNPB). Tuy nhiên, hiện nay các hồ đập nhỏ này chưa thể đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao của khu vực do công trình đang bị xuống cấp, hiệu quả khai thác kém, thậm chí dẫn đến mức mất an toàn vì nhiều nguyên nhân khác nhau như đã phân tích trong phần trên, do vậy việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển thêm hồ đập để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân ở những vùng này là yêu cầu bức thiết. Để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh nguồn kinh phí của nhà nước đầu tư cho dịch vụ công có hạn thì việc xã hội hóa để huy động cộng đồng và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ là một trong những giải pháp khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển chung, nên nhiều đề tài/ dự án đã tập trung nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho việc đầu tư và quản lý các công trình thủy lợi nhỏ nói chung và hồ đập nhỏ nói riêng theo hướng này.

Những luận giải nêu trên cho thấy, để thực hiện tốt mô hình xã hội hóa đầu tư, quản lý khai thác các công trình thủy lợi nói chung và các công trình hồ đập nhỏ nói riêng cần phải có những điều chỉnh cần thiết trong cách tiếp cận có sự tham gia cũng như xây dựng được một hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Bài báo này trình bầy kết quả nghiên cứu mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB nhằm quản lý hiệu quả và bền vững công trình thủy lợi,  phục vụ phát triển nông nghiệp và dân sinh là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

2. Hiện trạng xã hội hóa đầu tư và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB

2.1 Hiện trạng xã hội hóa đầu tư hồ đập nhỏ vùng MNPB

a) Hiện trạng hồ đập nhỏ

Kết quả điều tra của Trung tâm tư vấn PIM tại 3 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang và Hòa Bình (2016) cho thấy, tỉnh Lào Cai có số lượng hồ đập ít nhất là 83 công trình, trong đó qui mô chủ yếu là hồ có dung tích dưới 0,2 triệu m3. Trong khi đó, ở 2 tỉnh Hòa Bình và Tuyên Quang, mặc dù số lượng hồ chứa tương đương nhau nhưng ở tỉnh Hòa Bình số lượng hồ chứa được phân bổ đa dạng hơn trong đó số hồ có dung tích dưới 0,2 triệu m3 (290 hồ) chiếm 59,1% số hồ chứa. Trong khi đó, cũng loại hình hồ này thì ở tỉnh Tuyên Quang là 87,6%.

Hình 1. Hồ chứa Nước Tra, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Bảng 1. Số lượng hồ chứa tại các tỉnh điều tra

TT Phân loại công trình theo qui mô dung tích Số lượng công trình hồ chứa
Tuyên Quang Lào Cai Hòa Bình
1 Dung tích >=3 triệu m3 1 0 4
2 Dung tích từ 1-3 triệu m3 8 0 32
3 Dung tích 0,5-1 triệu m3 12 1 53
4 Dung tích 0,2-0,5 triệu m3 40 4 111
5 Dung tích <0,2 triệu m3 431 78 290
  Tổng cộng 492 83 490

Một điểm đáng lưu ý là, ngoại trừ tỉnh Lào Cai 100% số hồ chứa đều có qui mô dung tích dưới 1,0 triệu m3 thì tại tỉnh Tuyên Quang thì diện tích tưới của hồ chứa có dung tích dưới 0,2 triệu m3 là 11.062,8ha chiếm 69,07% diện tích tưới từ toàn bộ số hồ chứa và sấp sỉ 80% diện tích tưới từ hồ chứa có qui mô dung tích dưới 1 triệu m3. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hòa Bình lần lượt là 33,66% và 46,45%. Có thể nói rằng, phân bổ diện tích tưới ở tỉnh Hòa Bình theo qui mô các hồ chứa từ dưới 0,2 triệu m3, từ 0,2-1 triệu m3 và trên 1 triệu m3 là tương đối đồng đều với khoảng sấp sỉ 30% cho mỗi loại.

 Bảng 2. Diện tích tưới các hồ chứa theo dung tích tại các tỉnh điều tra

Diện tích tưới theo loại hồ Tuyên Quang Lào Cai Hòa Bình Tỷ lệ bình quân
Diện tích tưới (ha) Tỷ lệ (%) Diện tích tưới (ha) Tỷ lệ (%) Diện tích tưới (ha) Tỷ lệ (%)
Toàn bộ 16.015,9       1.801,05   20.728,00    
Dung tích < 1 triệu m3 14.170,5 88,4 1.801,05 100,0 15.016,30 72,44 86,97
– Dung tích 0,5-1 triệu m3 1.266,57 7,9 110 6,1 3711,3 17,90 10,64
– Dung tích 0,2-0,5 triệu m3 1.841,12 11,5 205 11,38 4328,7 20,88 14,59
– Dung tích <0,2 triệu m3 11.062,8 69,0 1486,05 82,51 6976,3 33,66 61,75

 Kết quả khảo sát tại 9 xã của 3 tỉnh điều tra cho thấy, nhiệm vụ chính của các hồ chứa là cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp (lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản) tại khu vực hạ du, các địa phương đã tận dụng được lợi thế từ mặt nước lòng hồ để phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản với 45/46 hồ chứa chiếm tỷ lệ 97,87%. Về phát triển du lịch, chỉ có 01 công trình duy nhất tại Lào Cai (hồ Leo Liềng) bước đầu thực hiện khai thác du lịch dịch vụ.

Bảng 2. Khai thác đa mục tiêu hồ chứa tại 9 xã điều tra

TT Tên tỉnh/xã Tổng số hồ Hiện trạng khai thác
Cấp nước tưới Nuôi  thủy sản lòng hồ Du lịch dịch vụ Cấp nước sinh hoạt Khác
1 Tuyên Quang 12 12 11
  Kim Phú 9 9 8
  Hoàng Khai 1 1 1
  Nhữ Hán 2 2 2
2 Lào Cai 13 13 13 1
  Khánh Yên Trung 4 4 4
  Văn Sơn 1 1 1
  Võ Lao 8 8 8 1
3 Hòa Bình 22 22 22
  Liên Vũ 5 5 5
  Ân Nghĩa 5 5 6
  Yên Phú 11 11 11
  Tổng cộng 46 46 45 1

Các kết quả phân tích ở trên cho thấy hầu hết các công trình hồ đập trên địa bàn các tỉnh là đập đất có qui mô dung tích từ 0,2 triệu m3 trở xuống và có chiều cao đập £ 12m. Trong đó, diện tích lưu vực từ 0,2km2 và lớn nhất là 3km2, bình quân 1,07km2/hồ.

+ Diện tích cấp nước tưới từ các hồ chứa dao động từ 3-161ha/hồ. Diện tích tưới bình quân là 35,53ha/hồ chứa.

+ Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương sau đập bình quân đạt 38,79%. Trong đó, tỉnh có tỷ lệ chiều dài kênh được kiên cố hóa nhiều nhất là Lào Cai với 74,42% và ít nhất là Hòa Bình với 24,70%.

+ Đối tượng phục vụ của các hồ đập chủ yếu là lúa và cây trồng cạn;

+ Việc khai thác nguồn lợi từ hồ đập mới chỉ ở mặt nuôi trồng thủy sản lòng hồ. Trong khi các lợi thế về du lịch, dịch vụ mới ở dạng tiềm năng.

a) Hiện trạng xã hội hóa đầu tư hồ đập nhỏ

+ Giai đoạn trước 1960 – 1980: Quá trình đầu tư xây dựng công trình hồ đập chủ yếu từ ngân sách của nhà nước và của tỉnh.

+ Giai đoạn 1990 – 2008: Bắt đầu có sự đa dạng về vốn đầu tư xây dựng nhưng nhìn chung là vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (theo các chương trình, đề án) và các hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài (IFAD, OXFARM…); Từ những năm 2000, nguồn vốn đầu tư xây dựng hồ đập rất đa dạng, bao gồm: Ngân sách nhà nước từ các chương trình, chính sách (Phòng chống lụt bão; An toàn hồ chứa; Trái phiếu Chính phủ; vốn ODA; Chương trình 229; Nghị quyết 37, xóa đói giảm nghèo, di dân tái định cư…) và ngân sách địa phương. Nhìn chung, trong giai đoạn này kinh phí đầu tư xây dựng công trình hồ đập có nguồn gốc từ bên ngoài, không có sự tham gia đóng góp của người dân. Trong giai đoạn này có sự tham gia đầu tư xây dựng của người dân nhưng chỉ có tính chất nhỏ lẻ.

+ Giai đoạn 2009- đến nay: Sau thời gian thực hiện Nghị định 115 về cấp bù thủy lợi phí, các tỉnh đã có các cơ chế riêng để sử dụng nguồn kinh phí này. Trong đó, nguồn cấp bù thủy lợi phí được xác định là một trong những nguồn cơ bản thường xuyên để thực hiện đầu tư trọng điểm, thiết yếu cho các CTTL trên địa bàn. Việc tổ chức quản lý kinh phí này có sự khác biệt giữa các địa phương. Trong đó: Tỉnh Tuyên Quang giao Ban quản lý CTTL Tuyên Quang chịu trách nhiệm thực hiện. Kinh phí để đầu tư xây dựng công trình thiết yếu (bao gồm cả hồ đập, kênh mương, các CTTL khác…) được trích từ 33% nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Hòa Bình giao cho UBND cấp huyện chịu trách nhiệm (đối với các công trình hồ đập do địa phương quản lý), Trong khi đó, tỉnh Lào Cai lại giao cho Sở Tài Chính quản lý nguồn kinh phí này.

Như vậy có thể thấy hầu hết các hồ đập được xây dựng trong thời kỳ bao cấp (trước năm 1986) bằng nguồn vốn là do người dân đóng góp thông qua HTXNN và có hỗ trợ của nhà nước; những hồ đầu tư xây dựng sau 1986 thì chủ yếu là bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cộng đồng đóng góp chủ yếu là xây dựng kênh mượng nội đồng.

2.1  Hiện trạng xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB
a) Hiện trạng tổ chức quản lý hồ đập nhỏ:

Kết quả khảo sát cho thấy, công tác quản lý công trình thủy lợi có sự khác biệt giữa 3 tỉnh điều tra. Trong đó, ở cấp tỉnh thì Hòa Bình và Tuyên Quang có đơn vị cấp tỉnh tham gia quản lý CTTL, ở cấp huyện thì có chỉ có tỉnh Lào Cai và Tuyên Quang còn ở cấp xã thì mô hình tổ chức quản lý đa dạng bao gồm cả các Ban quản lý thủy lợi xã, hợp tác xã nông lâm nghiệp, tổ hợp tác dùng nước, tổ thủy nông hoặc một số loại hình khác như nông lâm trường, trạm trại. Tỉnh Tuyên Quang có 140/143 tổ chức gắn với các HTXNLN, trong khi đó ở Lào Cai là 1.069 các tổ thủy nông/tổ hợp tác gắn với 146 ban xã thực hiện quản lý công trình. Còn ở tỉnh Hòa Bình các loại hình tổ chức cơ sở vẫn đang trong quá trình thành lập/củng cố.
Bảng 3. Mô hình tổ chức quản lý hồ đập nhỏ tại các tỉnh điều tra

TT Loại hình tổ chức quản lý Số lượng các tổ chức quản lý
         Tuyên Quang Lào Cai Hòa Bình
I Cấp tỉnh 1 1
  Công ty TNHH MTV KTCTTL 1
  Ban quản lý CTTL cấp tỉnh 1
II Cấp huyện 3 1
  Trạm QLKTCTTL 1
  Ban QLCTTL liên xã 3
III Cấp xã 143 1.226 144
  Ban quản lý thủy lợi xã 146
  Ban quản lý CTTL cấp xã 3
  Hợp tác xã 140 11 120
  Tổ hợp tác/Tổ quản lý 1.069 24
IV Loại hình khác 1 4
  Nông lâm trường, trạm, trại 4
  Doanh nghiệp tư nhân 1

b)Thực trạng XHH quản lý hồ đập nhỏ: 

Các tổ chức quản lý hồ đập nhỏ ở vùng MNPB hiện nay rất đa dạng, gồm Công ty Khai thác CTTL, tổ chức hợp tác dùng nước, cá nhân, nông trường, UBND xã. Ở một số địa phương, công ty đang quản lý hồ đập nhỏ. Các tổ chức hợp tác dùng nước rất đa dạng như: HTX, Ban quản lý thủy nông, Ban quản lý CTTL (Tuyên Quang), Ban thủy lợi xã (Lào Cai), tổ thủy nông. Tuy nhiên, nhìn chung các công trình hồ đập nhỏ vùng MNPB được đầu tư bằng ngân sách nhà nước hiện nay chủ yếu đã giao cho các tổ chức của cộng đồng như HTXNN/THT quản lý khai thác

2.3 Một số mô hình thực hiện XHH đầu tư và quản lý hồ đập nhỏ hiệu quả ở vùng nghiên cứQua quá trình điều tra, khảo sát nhóm nghiên cứu xác định được một số mô hình điểm XHH đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ ở vùng nghiên cứu, là cơ sở cho việc đề xuất mô hình, cơ chế thúc đẩy XHH đầu tư, quản lý hồ đập nhỏ như sau:

+ Ở tỉnh Lào Cai có một số mô hình điểm thực hiện XHH đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ như sau:

– HTX đầu tư nâng cấp công trình hiện có (do nhà nước xây dựng) và chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và làm dịch vụ Hồ Leo Liềng (Hồ Chiềng), xã Võ Lao – Huyện Văn Bàn. Hiện nay HTX Tây Bắc muốn đầu tư nâng cấp hồ và xây dựng hạ tầng khai thác lòng hồ phục vụ vui chơi giải trí. Tuy nhiên, găp khó khăn là UBND xã chỉ được phép cho thuê trong thời hạn ngắn, không quá 5 năm nên khó khăn trong việc đầu tư và kinh doanh dài hạn.

– Người dân đóng góp cải tạo nâng cấp hồ Na Chang (2004) V=0,06tr.m3. Hồ Bơ (2002) người dân đóng góp đất đai lòng hồ và được xem xét ưu tiên nuôi cá tại hồ chứa.

– Hộ gia đình tham gia đầu tư cải tạo hồ đập nhỏ hiện có phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản: Hồ Trung Sơn – Xã Văn Sơn – Huyện Văn Bàn. Năm 2001 hồ được cải tạo bằng nguồn vốn hộ gia đình với tổng mức đầu tư là 25 triệu. Hiện nay hộ gia đình đang nuôi cá trên diện tích mặt hồ là 0,5ha. Hộ gia đình muốn nâng cao trình đập đảm bảo trữ nước với diện tích mặt nước 1ha (Nguồn đất có sẵn), tăng thêm 1m nước đảm bảo cấp nước trong những thời đoạn hạn hán cho diện tích 20ha lúa và 5ha nuôi trồng thủy sản, mở rộng diện tích tưới cho cây vụ đông 1,5ha và tạo diện tích mặt nước cho gia đình canh tác nuôi trồng thủy sản. Cơ chế đóng góp: Hộ gia đình đóng góp bằng ngày công lao động, có thể đóng góp bằng tiền nhưng đóng theo hình thức trả chậm từng năm trừ vào sản phẩm thu hoạch được.

+ Ở tỉnh Tuyên Quang, mô hình người dân tự đầu tư xây dựng kè hồ Hồ Khuôn Cò. qui mô dung tích 0,07 triệu m3. Ở mô hình này người dân được quyền nuôi cá trong hồ

+ Ở tỉnh Hòa Bình, trong thực tế đã có mô hình điểm có các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, cá nhân) tham gia đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ, như doanh nghiệp hỗ trợ khai thác lòng hồ Cây Vừng ở Hòa Bình

2.4 Các vấn đề tồn tại

Thực tế cho thấy, đối với đầu tư xây dựng hồ đập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Mức độ xã hội hóa trong đầu tư xây dựng công trình hồ đập mặc dù đã có nhưng vẫn còn rất hiếm hoi. Do các hồ đập nhỏ chủ yếu là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, quy mô diện tích nhỏ, phân tấn nên có những tồn tại, bất cập trong chính sách đầu tư và quản lý công trình thủy lợi dẫn đến việc thực hiện XHH quản lý hồ đập ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả, cụ thể như:

– Công trình hồ đập là một loại hình công trình đặc biệt có yêu cầu kỹ thuật cao hơn do vừa có nhiệm vụ của công trình thủy lợi nhưng cũng là công trình phòng chống lụt bão;

– Nhu cầu cải tạo nâng cấp hồ đập rất lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn và chưa có các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng. Trong khi đó, quá trình đầu tư xây dựng công trình hồ đập từ nhiều năm nay vẫn do nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Mặc dù đã hội hóa ở các bước đấu thầu thiết kế, thi công công trình nhưng chỉ giảm bớt được phần nào kinh phí của nhà nước;

– Suất đầu tư công trình cao, chịu nhiều rủi ro cả về nguồn nước và công trình;

– Nguồn thu cơ bản đối với đơn vị quản lý khai thác hồ đập đó là thủy lợi phí, tiền nước và phí dịch vụ thủy lợi nội đồng. Trong đó, kinh phí cấp bù thủy lợi phí đã được nhà nước xác định một mức giá trần tùy theo loại hình tưới còn phí dịch vụ thủy lợi nội đồng được thực hiện theo qui định mức trần của UBND tỉnh. Như vậy nguồn thu đối với các đơn vị quản lý công trình đã bị khống chế bởi 02 cấp quản lý mà chưa vận hành theo cơ chế thị trường;Nếu chỉ thuần túy vào đầu tư xây dựng công trình hồ đập mà không kết nối với các dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc khai thác thế mạnh dịch vụ từ hồ chứa thì rất khó đảm bảo thu hồi vốn do suất đầu tư xây dựng cao. Trong khi đó, nguồn thu từ thủy lợi phí theo mức qui định của nhà nước cao nhất là 1,267 triệu/ha/vụ tương ứng với khoảng 2,534 triệu/ha/năm (2 vụ lúa) thì số tiền thu được từ thủy lợi phí mới chỉ đạt được khoảng 76 triệu đồng/năm (khoảng 30ha/hồ chứa), số tiền từ nuôi cá lòng hồ cũng chỉ đạt được từ 2-3 triệu đồng/hồ/năm. Như vậy, nếu chỉ dựa vào số kinh phí này khó đảm bảo cho nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ việc đầu tư xây dựng hồ đập.

– Nguồn thu thủy lợi phí mới chỉ đáp ứng được cho công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng thường xuyên. Chưa có các chi phí cho sửa chữa lớn hoặc hoàn vốn đầu tư.

– Loại cây trồng phía hạ du đập là những cây trồng thông thường lúa, ngô và rau màu. Lợi nhuận từ sản xuất loại cây trồng này không cao, thậm chí không có lãi cho nên ngay cả phí thủy lợi nội đồng nhiều nơi cũng không thu của người dân do đã nhận được tiền cấp bù thủy lợi phí từ nhà nước.

– Thu nhập từ các cây trồng thông thường (lúa, ngô…), thấp thậm chí không có lãi nên không khuyến khích được người nông dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí cho đầu tư xây dựng. Nông dân sẵn sàng hoặc có khả năng trả phí nếu như dịch vụ tưới (cùng với sự cải thiện đầu vào khác) giúp họ tăng sản lượng và gia tăng nguồn thu theo cách đó đến một mức độ nào đó cho phép họ đủ khả năng trả phí và có được lợi ích phù hợp. Trong khi đó việc chuyển dịch từ cây trồng thông thường sang loại cây trồng hàng hóa cần phải có quá trình thích ứng và đảm bảo lợi nhuận và thị trường đầu ra cho người dân;

– Trong thực tế sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro (thiên tai, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường…) trong đó các rủi ro này lại xảy ra thường xuyên và khả năng tác động của nhà nước vẫn còn hạn chế. Mặc dù mô hình này đã được doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lan thực hiện khá thành công do có những lợi thế nhất định đó là đất đai thuộc sở hữu, doanh nghiệp có điều kiện về nguồn vốn, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối thuận lợi. Trong khi đó, hầu hết các diện tích tưới từ các hồ chứa hiện nay đã được giao cho các hộ gia đình với diện tích manh mún rất khó để phát triển loại cây trồng hàng hóa.

– Giá trị từ nguồn nước chưa được xác định rõ ràng bởi sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu các đơn vị quản lý công trình chỉ làm dịch vụ tưới, không gắn kết với các dịch vụ khuyến nông, nông nghiệp sẽ không làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân;

Ngoài ra còn những điểm vướng mắc, bất cập về cơ chế , chính sách thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ, cấp bù thủy lợi phí cho tư nhân tham gia quản lý hồ; 100% hộ sử dụng nước là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở (như quy định của Luật Thủy lợi),…

3. Đề xuất mô hình xã hội hóa đầu tư và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB và Tây Nguyên

3.1 Tiêu chí thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ

a) Tiêu chí hồ đập cho các doanh nghiệp, tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác:

Tiêu chí 1. Đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ phục vụ đa mục tiêu

– Quy mô hồ: Dung tích < 500.000m3, diện tích tưới: >50ha

– Hồ đập phục vụ đa mục tiêu

– Hồ đập xây mới hoặc nâng cấp

Tiêu chí 2. Đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ phục vụ cây trồng có giá trị kinh tế cao

– Quy mô hồ: < 300.000m3, diện tích tưới > 5ha

– Hồ đập tạo nguồn nước để bơm cấp nước tưới cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao), cột nước bơm dưới 50m

– Hồ đâp xây mới hoặc nâng cấp

Tiêu chí 3. Đầu tư khai thác lòng hồ

– Quy mô hồ: Dung tích 200- 500.000m3, diện tích mặt hồ > 1ha

– Hồ đập gần khu thị trấn, thị tứ phục vụ đa mục tiêu

Tiêu chí 4. Xã hôi hóa xây dựng ao hồ nhỏ cấp nước cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao

– Quy mô ao hồ:

Các hồ vảy cá trên vùng đất dốc, các ao hồ trữ nước cho trang trại có dung tích > 1000m3, diện tích > 0.5ha.

– Điều kiện có nguồn nước: các ao hồ được xây dựng ở những vị trí có nguồn nước đảm bảo để cấp nước cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao

b) Tiêu chí hồ đập cho cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác:

Tiêu chí 5. Cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ

– Quy mô hồ: Dung tích < 300.000m3, diện tích tưới: <10ha

– Hồ đập cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, hoặc hồ phục vụ đa mục tiêu

– Hồ đâp xây mới hoặc nâng cấp

c) Tiêu chí hồ đập cho cá nhân tham gia quản lý khai thác:

Tiêu chí 6. Cá nhân quản lý hồ đập nhỏ

–  Quy mô hồ: < 200m3, diện tích tưới <20ha

–  Hồ đập cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp cho các diện tích nhỏ lẻ, phân tán

d) Tiêu chí hồ đập cho tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác:

– Quy mô hồ: Dung tích < 500.000m3

– Hồ đập cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, hoặc hồ phục vụ đa mục tiêu

3.2 Đề xuất các mô hình XHH đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB

a) Mô hình XHH đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ

+ Mô hình doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ phục vụ đa mục tiêu

+ Mô hình doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ phục vụ cây trồng có giá trị kinh tế cao

+ Mô hình doanh nghiệp, tư nhân đầu tư khai thác lòng hồ

+ Mô hình xã hôi hóa xây dựng ao hồ nhỏ cấp nước cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao

+ Mô hình cộng cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ:

Mô hình doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ, bao gồm cả ao nhỏ, chỉ nên áp dụng ở những vùng trồng các loại cây có giá trị cao, quy mô sản xuất hàng hóa thì người dân mới có đủ khả năng chi trả dịch vụ tưới hoặc tư nhân đầu tư có diện tích cần tưới lớn.

Mô hình doanh nghiệp, tư nhân đầu tư khai thác lòng hồ: đối với những hồ chứa có thể nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản hoặc ở vị trí thuận lợi cho việc kết hợp khai thác các dịch vụ khác như ăn uống, du lịch,… có thể cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư khai thác dịch vụ nhằm tăng thêm kinh phí cho quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình hồ đập nhỏ.

Mô hình cộng cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ để triển khai khi Luật Thủy lợi có hiệu lực: Cộng đồng có trách nhiệm phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

b) Mô hình XHH quản lý khai thác hồ đập nhỏ

+ Mô hình cộng đồng (tổ chức thủy lợi cơ sở) quản lý hồ đập nhỏ, bao gồm:

– HTX có làm dịch vụ thủy lợi: phù hợp với các công trình hồ đập nhỏ có diện tích phục vụ tương đối lớn hoặc HTX có thể kết hợp quản lý nhiều hồ đập nhỏ và các công trình thủy lợi khác trên địa bàn xã để có thể đảm bảo nguồn thu đủ chi phí hoạt động và vận hành, bảo dưỡng công trình; các địa phương đã có HTX thì nên củng cố, tổ chức lại phù hợp với Luật HTX 2012 và Luật Thủy lợi để tham gia quản lý khai thác công trình hồ đập nhỏ.

– Tổ hợp tác: đây là hình thức tổ chức phổ biến nhất ở vùng nghiên cứu hiện nay với khoảng trên 73% số tổ chức. Hình thức tổ chức này có thể áp dụng trong quản lý hồ đập nhỏ ở hầu hết các địa phương vùng nghiên cứu do quy mô các công trình hồ đập nhỏ ở các vùng này thường rất nhỏ lẻ, có diện tích phục vụ chỉ vài chục ha, do vậy, mô hình tổ hợp tác đảm bảo gọn nhẹ, chi phí tiền lương ít. Tuy nhiên, do tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân nên có thể gặp vướng mắc trong việc nhận các hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, chỉ nên thành lập các THT trong giai đoạn quá độ, khi đủ điều kiện thì củng cố lại, nâng cấp thành HTX.

+ Mô hình cá nhân tham gia quản lý hồ đập nhỏ: đối với các hồ đập có quy mô phục vụ rất nhỏ (<10 ha đối với vùng MNPB thì nên giao khoán cho các cá nhân đáp ứng đủ điều kiện năng lực quản lý thông qua Hợp đồng giữa UBND xã và cá nhân.

4. Kết luận

     Các hồ đập nhỏ chủ yếu là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, quy mô diện tích nhỏ, phân tấn nên có những tồn tại, bất cập trong chính sách đầu tư và quản lý công trình thủy lợi dẫn đến việc thực hiện XHH quản lý hồ đập ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Nhu cầu cải tạo nâng cấp hồ đập rất lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn và chưa có các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng. Trong khi đó, quá trình đầu tư xây dựng công trình hồ đập từ nhiều năm nay vẫn do nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Các nghiên cứu đề xuất về tiêu chí XHH, mô hình XHH đầu tư và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB là những giải pháp được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn trong bối cảnh nguồn kinh phí của nhà nước đầu tư cho dịch vụ công có hạn để thúc đẩy xã hội hóa, huy động cộng đồng và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hiệu quả và bền vũng công trình hồ đập nhỏ vùng MNPB

Tài liệu tham khảo

[1]    Trung tâm Tư vấn PIM (2016). Báo cáo đánh giá thực trạng XHH đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB và Tây Nguyên.