THỰC TRẠNG QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

PGS.TS. Trần Chí Trung, ThS. Nguyễn Văn Kiên

Trung tâm PIM

  1. Đặt vấn đề

Công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi sau đầu tư có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả các dự án đầu tư thủy lợi, đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhu cầu khác nhau về sử dụng nước cho nông nghiệp, thủy sản và cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội khác như môi trường, phòng chống thiên tai, úng ngập, du lịch. Khi vùng ĐBSCL ngày càng chịu tác động mạnh mẽ hơn từ phát triển thượng nguồn, phát triển nội vùng cũng như tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc khai thác nguồn nước tự nhiên không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL có tính liên thông cao, hầu như không có cống lấy nước, cống điều tiết, trong khi đó tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi thiếu thống nhất, chưa tách biệt giữa quản lý nhà nước và quản lý, khai thác công trình thủy lợi, một số tỉnh chưa có tổ chức khai thác công trình thủy lợi lợi cấp tỉnh. Từ kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL”, bài báo này phân tích thực trạng quản lý, khai thác công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long

  1. Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi

     a. Cấp tỉnh

Tổ chức quản lý, khai thác CTTL ở các tỉnh vùng ĐBSCL khá đa dạng, đối với cấp tỉnh, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi gồm các loại hình như sau:

– 04 Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi có 100% vốn nhà nước: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và An Giang.

– 01 Công ty cổ phần khai thác CTTL (Sóc Trăng);

– 03 Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi; trong đó, Long An, Cà Mau (trực thuộc Sở NN&PTNT) và Bạc Liêu (trực thuộc Chi cục Thủy lợi).

– 05 Chi cục Thủy lợi trực tiếp làm nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, và Kiên Giang.

Hình 1. Các loại hình tổ chức khai thác CTTL vùng ĐBSCL

Nhìn chung các công ty khai thác thủy lợi thực hiện vận hành, khai thác các công trình theo phân cấp của tỉnh, tuy nhiên Công ty khai thác thủy lợi tỉnh Bến Tre, An Giang thực hiện vận hành công trình từ đầu mối đến nội đồng. Công ty cổ phần khai thác CTTL tỉnh Sóc Trăng chỉ thực hiện quản lý, vận hành công trình thủy lợi mà không thực hiện bảo trì, nạo vét kênh trục. Mô hình công ty Cổ phần có hạn chế đến mục tiêu của các doanh nghiệp cổ phần là lợi nhuận nên thường ít chú trọng việc đầu tư bảo dưỡng, sửa chữa công trình

Các Chi cục thủy lợi Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa trực tiếp quản lý, vận hành công trình, trong khi đó các Chi cục thủy lợi Đồng Tháp, Vĩnh Long chỉ quản lý nhà nước, không quản lý vận hành công trình  thủy lợi.

b. Cấp huyện:

– Một số tỉnh thành lập tổ chức khai thác CTTL cấp huyện như Trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở tỉnh Long An, Bạc Liêu; trạm thủy lợi huyện/liên huyện thuộc Chi cục thủy lợi ở tỉnh An Giang, trạm thủy lợi huyện thuộc UBND huyện hay Phòng Nông nghiệp và PTNT ở các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang hay Phòng NN&PTNT tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi ở Vĩnh Long, Kiên Giang.

Ngoài số lượng cán  bộ công chức, viên chức của các Chi cục, Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế Nông nghiệp của huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước, còn có các công nhân và lao động (Hợp đồng giao khoán) trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở các Trạm quản lý thủy lợi. Do các công trình phân cấp cho cấp huyện quản lý không nhiều nên nhu cầu vận hành công trình không nhiều, chủ yếu duy trì 3-5 người để vận hành, bảo vệ công trình.

– Ngoài ra, ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Vinaconex trực tiếp quản lý 39 trạm bơm vừa và nhỏ ở tỉnh.

c. Tổ chức thủy lơi cơ sở:

– Một số ít địa phương đã thành lập được các tổ chức thủy lợi cơ sở là các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Tổ dịch vụ thủy lợi. Trường hợp địa phương chưa có Tổ chức thủy lợi cơ sở thì UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi, ở nhiều địa phương tư nhân thực hiện dịch vụ thủy lợi.

3. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi

Thực hiện chính sách phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi (CTTL) theo Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT (nay là Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT) đến nay có 8 tỉnh ban hành quyết định phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi là các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang,  Bạc Liêu. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục thực hiện theo các quyết định phân cấp đã có từ trước năm 2018.

Tiêu chỉ phân cấp quản lý chủ yếu của các tỉnh vùng ĐBSCL là:

– Công ty, Chi cục hoặc Trung tâm trực tiếp quản lý, khai thác các công trình đầu mối có tính liên tỉnh, liên huyện có mức độ vận hành, bảo trì phức tạp và công trình lớn (kênh trục, kênh cấp I, kênh cấp II liên huyện cống điều tiết nước chính trong khu vực).

– UBND huyện, thị xã mà trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và PTNT/ Kinh tế và Trạm thủy nông quản lý các công trình có phạm vi hưởng lợi huyện, liên xã hoặc có tính chất độc lập tương đối (kênh cấp II nội huyện, kênh cấp III liên xã, cống ngầm, cống hở có phạm vi điều tiết nước cục bộ hoặc không nằm trong hệ thống thủy lợi).

– UBND xã, phường, thị trấn quản lý hệ thống kênh cấp III nội xã, kênh nội đồng, cống bọng điều tiết nước quy mô nhỏ.

Từ kết quả tổng hợp ở Bảng 1 cho thấy ở vùng ĐBSCL có 15.359 công trình thủy lợi, phổ biến là cống lấy nước và một số trạm bơm, hồ chứa, các trạm bơm chủ yếu ở tỉnh An Giang và các hồ chứa chủ yếu ở tỉnh An Giang, Kiên Giang. Các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh là Công ty, Chi cục thủy lợi hoặc Trung tâm quản lý 1.410 công trình, trong đó chủ yếu là công trình nhỏ (chiếm 84%, công trình vừa chiếm 15% và công trình lướn chỉ chiếm gần 1%. Các tổ chức cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm thủy lợi) trực tiếp quản lý hay phân cấp cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý 13.949 công trình, chu yếu là công trình nhỏ, công trình vừa chỉ chiếm gần 1%. Các huyện quản lý công trình vừa chỉ có ở Hậu Giang và Trà Vinh, trong đó các trạm thủy lợi huyện ở tỉnh Hậu Giang quản lý 8 công vừa và Phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT ở tỉnh Trà Vinh quản lý 1 công trình vừa..

Bảng 1. Kết quả thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi ở các tỉnh vùng ĐBSCL

TT Tỉnh Tổng số Tỉnh quản lý Huyện quản lý
Tổng Công trình vừa Công trình lớn Tổng Công trình vừa Công trình lớn
1 Đồng Tháp 3834 0 0 0 3834 0 0
2 An Giang 5.067 170 19 2 4.897 0 0
3 Long An 879 52 18 0 827 0 0
4 Tiền Giang 774 186 17 2 588 0 0
5 Bến Tre 1.891 148 10 3 1.743 0
6 Vĩnh Long 144 10 1 1 134 0 0
7 Trà Vinh 289 176 11 8 113 1 0
8 Cần Thơ 36 36 10 0
9 Sóc Trăng 708 136 15 0 572
10 Bạc Liêu 101 46 9 1 55 0
11 Hậu Giang 575 124 25 0 451 8 0
12 Kiên Giang 801 135 25 4 666 0 0
13 Cà Mau 260 191 49 1 69 0
Tổng 15.359 1.410 209 22 13.949 9 0

Đối với hệ thống kênh trục, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh quản lý các kênh vừa và lớn (kênh trục, kênh cấp I, kênh cấp II liên huyện), trong đó chủ yếu là các kênh vừa (chiếm 95%), kênh trục lớn chỉ chiếm 5%. Các tổ chức cấp huyện trực tiếp quản lý hay phân cấp cho UBND xã quản lý các kênh nhỏ (kênh cấp II nội huyện, kênh cấp III liên xã, kênh nội đồng).

3. Phương thức quản lý khai thác công trình thủy lợi

Phương thức chung về quản lý khai thác công trình thủy lợi ở các tỉnh vùng ĐBSCL là UBND cấp tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối tổ chức giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với Công ty, Trung tâm hoặc Chi cục thủy lợi về nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình đầu mối, lớn do Trung ương và tỉnh đầu tư (kênh cấp I, kênh cấp II, các kênh cấp III liên quận, huyện; cống cấp I, cấp II; trạm bơm vừa và lớn). Phần còn lại (kênh mương nhỏ, cống bọng, bờ bao, bờ vùng cấp III và nội đồng), tỉnh giao UBND cấp huyện, xã tự tổ chức vận hành, khai thác theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu với các Tổ chức thủy lợi cơ sở.

Cụ thể, các tỉnh ở ĐBSCL đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo 03 phương thức sau:

– 07 tỉnh thực hiện giao nhiệm vụ: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau.

– 02 tỉnh thực hiện đặt hàng: An Giang, Sóc Trăng.

– 03 địa phương có hình thức đấu thầu một số trạm bơm điện nhỏ do người dân tự đầu tư, xây dựng là Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ.

4. Tài chính cho hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Các tổ chức khai thác công trình thủy lợi vùng ĐBSCL có nguồn thu chủ yếu từ tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Ngoài ra, ở một số địa phương còn được cấp kinh phí phòng chống hạn hán, úng ngập và xâm nhập mặn (An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre); ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí nạo vét kênh mương (trước là kinh phí sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi) từ nguồn xây dựng nông thôn mới và dự phòng ngân sách địa phương (Tiền Giang).

Theo kết quả điều tra tại các Chi cục thủy lợi, tỷ lệ sử dụng kinh phí hỗ trợ của các địa phương năm 2019 ở ĐBSCL như dưới đây.

Kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được cấp từ Ngân sách Nhà nước năm 2019 của cả nước là hơn 6.900 tỷ đồng, trong đó tính riêng cho 13 tỉnh ĐBSCL là 1.799,1 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ phân bổ trung bình cho các đơn vị cấp tỉnh là 53% và giao huyện là 47%. Khác với những vùng khác trên cả nước, khoản mục chi hoạt động bộ máy của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi ở ĐBSCL có tỷ lệ thấp là 9,2%, trong khi chi bảo trì mà chủ yếu là chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, sửa chữa đột xuất và nạo vét kênh chiếm tỷ trọng rất lớn (trên 90,8%), cao nhất cả nước.

Bảng 2. Tỷ lệ sử dụng kinh phí hỗ trợ của các địa phương vùng ĐBSCL

TT Tỉnh Kinh phí năm 2019 (tỷ đ) Phân chia kinh phí (%) Cơ cấu sử dụng kinh phí (%)
Cấp tỉnh Huyện Quản lý, vận hành Bảo trì (sửa chữa/nạo vét)
Tổ chức QLKT cấp tỉnh Ban QLDA
1 Đồng Tháp 202,4 0 15 85 0 100
2 An Giang 176,88 22 25 53 12,2 87,8
3 Long An 179,2 46,8 52,9 0,3 5,9 94,1
4 Tiền Giang 79,03 37,9 10,6 51,5 37,9 62,1
5 Bến Tre 71,01 88,5 11,5 17,69 82,31
6 Vĩnh Long 134,09 76,1 23,9 100
7 Trà Vinh 108,11 61,7 0 38,3 10,2 89,8
8 Cần Thơ 72,54 58 0 42 9,1 90,9
9 Sóc Trăng 158,53 7,5 56 36,5 8,4 91,7
10 Bạc Liêu 162,75 4 44,3 51,8 3,3 96,7
11 Hậu Giang 83,72 11 0 89 6,2 93,8
12 Kiên Giang 186 17 0 83 2,8 97,2
13 Cà Mau 184,65 54,7 45,3 5,7 94,3
Tổng/TB 1798,91 37,3 15,7 47,0 9,2 90,8

Đối với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, theo quy định tại Thông tư 73/2009/TT-BTC chi phí của Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi bao gồm có: công tác vận hành, bảo trì công trình, khấu hao tài sản cố định, chi quản lý và chi khác liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, khác với những vùng khác trên cả nước, ở vùng ĐBSCL, chi cho quản lý, vận hành của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi chiếm tỷ lệ khá thấp là 39,5%, trong khi đó chi bảo trì mà chủ yếu là sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và sửa chữa đột xuất lại chiếm một tỷ trọng khá lớn (tỷ lệ 60,5%), cao nhất cả nước. Tuy nhiên, cơ cấu sử dụng kinh phí hỗ trợ SPDVTL ở các tỉnh là khác nhau theo các loại hình tổ chức quản lý. Công ty cổ phần KTTL ở tỉnh Sóc Trăng sử dụng 100% kinh phí hỗ trợ SPDVTL cho quản lý vận hành, trong khi đó Ban quản lý dự án ở tỉnh Vĩnh Long sử dụng 100% kinh phí hỗ trợ SPDVTL cho sửa chữa thường xuyên, nạo vét kênh trục, hay các trung tâm QLKTTL ở Long An, Cà Mau sử dụng 80-90% cho sửa chữa thường xuyên, nạo vét kênh trục.

Đối với các công trình phân cấp cho cấp huyện quản lý, phần kinh phí hỗ trợ sử dụng SPDVTL phân bổ theo phân cấp từ UBND tỉnh cho các huyện thì Phòng NN&PTNT sử dụng một phần để giao khoán vận hành một số cống cho người dân địa phương (thuê thủ cống) còn lại các phòng NN&PTNT cũng thực hiện lầm dự án nạo vét, sửa chữa kênh mương, CTTL tương tư như ban quản lý dự án. Ở các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang và Vĩnh Long, các phòng NN&PTNT hỗ trợ cho cán bộ vận hành công trình thủy lợi ở các xã (khoảng 500.000đ/cống)

Bảng 3. Cơ cấu sử dụng kinh phí hỗ trợ SP DVTL của các tổ chức KTTL cấp tỉnh

TT Tỉnh Tổ chức KT CTTL Kinh phí 2019 (tỷ đồng) Cơ cấu sử dụng kinh phí (%)
Quản lý, vận hành Bảo trì (sửa chữa/nạo vét)
1 Đồng Tháp Chi cục thủy lợi 0,0 0 0
2 An Giang Công ty TNHH MTV 38,9 55,0 45,0
3 Long An Trung tâm QLKTTL 83,9 11,9 88,1
4 Tiền Giang Công ty TNHH MTV 30,0 100,0 0,0
5 Bến Tre Công ty TNHH MTV 62,8 20,0 80,0
6 Vĩnh Long Ban quản lý dự án 102,0 0,0 100,0
7 Trà Vinh Công ty TNHH MTV 66,7 16,5 83,5
8 Cần Thơ Chi cục thủy lợi 42,1 8,0 92,0
9 Hậu Giang Chi cục thủy lợi 9,2 57,0 43,0
10 Kiên Giang Chi cục thủy lợi 31,6 13,0 87,0
11 Sóc Trăng Công ty CP KTTL 11,9 100,0 0,0
12 Bạc Liêu Trung tâm QLKTTL 6,5 82,5 17,5
13 Cà Mau Trung tâm QLKTTL 101,0 10,4 89,6
Trung bình 586,6 39,5 60,5

5. Các bất cập về quản lý, khai thác CTTL vùng ĐBSCL

a) Về mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi:

– Chủ thể khai thác công trình thủy lợi chưa thống nhất tại các tỉnh, còn lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi. Đối với đơn vị cấp tỉnh hiện nay mới chỉ có 5/13 tỉnh có công ty KTCTTL thủy lợi (An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng) là phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Thủy lợi; các loại hình khác (Chi cục, Trung tâm hoặc Ban quản lý) thực hiện khai thác công trình thủy lợi hiện không còn phù hợp quy định của Luật Thủy lợi.

– Hoạt động của doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, phần lớn các doanh nghiệp vẫn trông chờ kinh phí từ nguồn hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; hoạt động doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực và tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi mà các doanh nghiệp đang được giao quản lý, khai thác.

– Đối với các Chi cục thủy lợi thực hiện quản lý, khai thác: Do là đơn vị hành chính – sự nghiệp, công chức, viên chức làm việc kiêm nhiệm, chế độ đãi ngộ chỉ áp dụng theo ngạch, bậc chuyên viên nên không có thêm khoản kinh phí nào khác, trách nhiệm và áp lực ngày càng cao. Do vậy, hoạt động của Chi cục hiện mới chỉ dừng lại ở các hoạt động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhà nước và thẩm định một số các dự án nạo vét, sửa chữa theo phân giao của UBND cấp tỉnh.

– Lực lượng cán bộ thủy lợi ở các địa phương rất mỏng đặc biệt với những tỉnh không có đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ khai thác. Đội ngũ CBCCVC-NLĐ thủy lợi không chỉ thiếu về số lượng mà đa số chưa đáp ứng được về điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP, nhất là đối với các công trình thủy lợi lớn, liên tỉnh. Nhiều tổ chức khai thác thủy lợi phải thuê hợp đồng thời vụ để vận hành bảo vệ công trình (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh), hầu hết lao động vận hành chỉ bố trí quản lý ở các công trình cống, đập mà không có nhân lực cho việc quản lý vận hành kênh mương.

– Trách nhiệm và quyền hạn trong xử lý các hành vi xâm hại công trình thủy lợi không được phân giao cho đơn vị trực tiếp quản lý mà do nhiều đơn vị có liên quan cùng tham gia gây nên tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chưa cương quyết trong xử lý dẫn đến tình trạng xâm hại công trình thủy lợi ngày càng gia tăng. Tình trạng lấn chiếm lòng kênh, xả rác thải vào công trình thủy lợi, neo đậu tàu thuyền trái phép… trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra nhiều nơi, nhiều tỉnh (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, …). Do lực lượng quản lý thủy lợi mỏng và thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương nên nhiều trường hợp vi phạm đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

– Việc thực hiện chuyển giao, phân cấp công trình cho các Tổ chức thủy lợi cơ sở vẫn mang tính hình thức, thực tế còn nhiều công trình thủy lợi đến nay chưa có chủ thể quản lý. Một số ít địa phương đã thành lập được các tổ chức thủy lợi cơ sở như HTX/THT quản lý vận hành công trình thủy lợi, tuy nhiên còn nhiều địa phương UBND xã hay tư nhân thực hiện dịch vụ thủy lợi.

b) Về kinh phí quản lý, khai thác công trình thủy lợi:

– Hàng năm, tổng kinh phí hỗ trợ các địa phương ở ĐBSCL là gần 2.000 tỷ đồng, nhưng phần lớn kinh phí chi cho sửa chữa, nạo vét kênh mương, khoảng 1.633,5 tỷ đồng chiếm 90,8% (theo xây dựng cơ bản). Như vậy, mục đích sử dụng nguồn kinh phí này của địa phương là chưa đúng về nguyên tắc theo Luật Thủy lợi và Thông tư số 73/2018/TT-BTC trong việc thực hiện nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

– Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi còn nhiều bất cập khi có đến 34,9% tổng kinh phí hỗ trợ chuyển cho các đơn vị của tỉnh không có chức năng khai thác công trình thủy lợi, cụ thể là Chi cục Thủy lợi, Ban Quản lý Đầu tư các Dự án Nông nghiệp và PTNT để lập các dự án sửa chữa, nạo vét công trình.

c) Nguyên nhân các tỉnh chưa thành lập công ty:

Nguyên nhân chủ yếu mà một số tỉnh chưa thành lập Công ty TNHH-MTV KTTL theo Luật Thủy lợi như sau:

  1. Số lượng công trình thủy lợi vừa và lớn không nhiều

    Bảng 4. Công trình phân cấp cho đơn vị của tỉnh quản lý ở các tỉnh chưa thành lập được công ty TNHH MTV

    TT Tỉnh Công trình đầu mối Kênh (km) Diện tích (ha)
    Tổng số Công trình vừa Công trình lớn Tổng số Kênh lớn
    1 Đồng Tháp 0 0 0 824,15 230,9 594,1
    2 Long An 52 18 0 2.540,9 0 301,1
    3 Vĩnh Long 10 1 1 498,4 60,8 632,2
    4 Cần Thơ 36 10 0 1.437,4 29,41 236,2
    5 Bạc Liêu 46 9 1 3.728,3 138 266,9
    6 Hậu Giang 124 25 0 1.797,2 333,7 239,4
    7 Kiên Giang 135 25 4 1.493,2 732,9
    8 Cà Mau 191 49 1 6.358,4 287,2 207,5
    Tổng 594 137 7 18.677,95 1.080,01 3.210,3

    Ở các tỉnh chưa thành lập được công ty ở vùng ĐBSCL, các tổ chức cấp tỉnh được phân cấp quản lý 594 công trình vừa và lớn, trong đó chủ yếu là công trình loại vừa (137 công trình, chiếm 23%), chỉ có 7 công trình loại lớn (chiếm 1%) và 1.080 km kênh trục thuộc loại lớn (chiếm 5,8%). Do nhu cầu quản lý vận hành công trình thủy lợi không lớn nên các địa phương thường giao cho các cơ quan quản lý nhà nước hoặc Ban quản lý dự án kiêm nhiệm luôn việc quản lý, khai thác công trình

    Hầu hết các tỉnh không có công trình lớn, chỉ có tỉnh Kiên Giang là có 4 công trình lớn, tỉnh Vĩnh Long có 1 công trình lớn và tỉnh Bạc Liêu có 1 công trình lớn, nhưng hầu hết các công trình lớn này sẽ được phân cấp cho Bộ NN&PTNT quản lý. Các tỉnh có nhiều công trình vừa là tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ và Long An. Trong khi đó tỉnh Đống Tháp không có công trình vừa và một số tỉnh có rất ít công trình vừa là tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu. Xét về diện tích tưới thì một số tỉnh có diện tích tưới cả năm không lớn như các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

    1. Do đặc thù hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL có tính liên thông cao, hầu như không có cống lấy nước, cống điều tiết do vậy nhu cầu quản lý vận hành công trình thủy lợi không lớn, chủ yếu là vận hành một số công trình vừa và lớn ở các tỉnh.
    2. Một số địa phương, UBND cấp tỉnh chưa thực sự quyết liệt sắp xếp, kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi thành các doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật Thủy lợi.
    3. Thủ tục thành lập công ty công phức tạp, do phải qua các bộ ngành là xin chủ trương của Chính phủ.
    1. Kết luận

    Vấn đề chính về quản lý khai thác công trình thủy lợi vùng ĐBSCL là chủ thể khai thác công trình thủy lợi chưa thống nhất tại các tỉnh, còn lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi. Một số tỉnh có tổ chức khai thác công trình thủy lợi là đơ vị sự nghiệp, Chi cục thủy lợi kiêm nhiệm hay các tỉnh chưa có tổ chức khai thác công trình thủy lợi lợi cấp tỉnh cần thành lập doanh nghiệp khai thác cong trình thủy lơi để tách biệt chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi. Nguồn kinh phí cho quản lý, khai thác công trình thuuyr lơi jchur yếu từ ngân sách nhà nước, trong khi đó phần lớn kinh phí chi cho sửa chữa, nạo vét kênh mương chiếm 90,8%. Như vậy, mục đích sử dụng nguồn kinh phí này của địa phương là chưa đúng về nguyên tắc theo Luật Thủy lợi và Thông tư số 73/2018/TT-BTC trong việc thực hiện nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi còn nhiều bất cập khi có đến 34,9% tổng kinh phí hỗ trợ chuyển cho các đơn vị của tỉnh không có chức. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở thực tiễn cho nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi vùng ĐBSCL