Bùi Duy Chí, Nguyễn Lê Dũng
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án vốn vay Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (GEF – ICRSL) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022. Dự án tập trung vào nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cho các đơn vị nghiên cứu để xây dựng và áp dụng các thực tiễn quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông lâm ngư nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh được lựa chọn khu vực bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao hiệu quả cho dự án Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL). Bài báo này sẽ phân tích thực trạng và đề xuất định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) cho cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL, được triển khai tại dự án ICRSL trong giai đoạn 2019 – 2022
I. đặt vấn đề
Dự án GEF-ICRSL được triển khai tại 8 tỉnh thành ĐBSCL, tại 03 vùng chính dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu bao gồm vùng thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp); vùng cửa sông ven biển (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng) và vùng bán đảo (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang).
Thời gian qua, các tỉnh trong vùng dự án đã lựa chọn, triển khai thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện kinh tế của người dân địa phương. Qua quá trình triển khai, các mô hình bước đầu được đánh giá đem lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường hiệu quả. Mặc dù các mô hình sinh kế cộng đồng có nhiều loại hình tổ chức và đa dạng về các loại hình sinh kế nhưng xét về mặt kinh tế tập thể có thể chia thành 02 nhóm, gồm có: (i) nhóm HTX/THT; và (ii) nhóm tổ cộng đồng/nhóm nông dân. Nghiên cứu này nhằm đánh giá được thực trạng hoạt động, hiệu quả của các mô hình sinh kế thích ứng BĐKH hướng tới các đối tượng chính là HTX/THT, tổ nhóm cộng đồng/nhóm nông dân thuộc vùng dự án GEF- ICRSL đã được hỗ trợ thành lập/củng cố, trong đó đặc biệt quan tâm đến nội dung liên kết sản xuất, liên kết thị trường, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả của các mô hình sinh kế thuộc dự án nói trên.
II. Phương pháp thực hiện
Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này là SWOT. Đây là phương thông dụng kể cả trong các nghiên cứu kỹ thuật và nghiên cứu xã hội. SWOT được sử dụng để đánh giá thực trạng, từ đó tìm ra định hướng, giải pháp đúng đắn, phù hợp với môi trường hoạt động, để phân tích tiềm năng, các thách thức và chiến lược ứng phó nhằm hiện đại hóa trong quản lý, vận hành HTTL vùng nghiên cứu. Về cơ bản, phân tích SWOT tức là phân tích 4 yếu tố: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức/Đe dọa). Phân tích SWOT sẽ được thực hiện qua các bước như sau:
- Dựa vào các số liệu điều tra, khảo sát tại các HTTL trên địa bàn tỉnh, xác định các yếu tố S (điểm mạnh) – W (điểm yếu) – O (cơ hội) – T (thách thức);
- Lập ma trận SWOT:
- SO (maxi-maxi) nhằm tận dụng tối đa lợi thế để tạo ra cơ hội.
- WO (mini-maxi) muốn khắc phục điểm yếu để phát huy thế mạnh.
- ST (maxi-mini) sử dụng thế mạnh để loại bỏ nguy cơ.
- WT (mini-mini) giải quyết mọi giả định tiêu cực và tập trung giảm thiểu nhằm hạn chế những rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực.
- Đề xuất định hướng, chiến lược, giải pháp theo các quan điểm:
- Phát triển điểm mạnh
- Cải thiện điểm yếu
- Tận dụng cơ hội
- Hạn chế rủi ro
Ngoài ra, nghiên cứu còn kết hợp một số phương pháp khác như: Phương pháp điều tra, khảo sát, phỏng vấn sâu để thu thập thông tin; Phương pháp chuyên gia để hoàn thiện kết quả đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
a.Điểm mạnh
Qua ba năm triển khai, hoạt động củng cố thành lập các tổ nhóm/HTX/THT trong dự án GEF-ICRSL đã có các bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Quy mô về số lượng thành viên và sản xuất cũng tăng lên đáng kể. Các tỉnh đã tổ chức 35 cuộc hội nghị, hội thảo và 115 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho gần 5.000 lượt cán bộ, thành viên, nhân dân trong vùng thí điểm [1] . Qua đó, trình độ cán bộ quản lý HTX đã nâng lên rõ rệt. Các tỉnh đều có tập trung thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật, thị trường tham gia liên kết kinh doanh với HTX.
Các tổ nhóm/HTX/THT trong dự án GEF-ICRSL được hỗ hoạt động phát triển sinh kế bền vững về mặt kỹ thuật, hạ tầng để chuyển đổi sản xuất. Người dân tham gia dự án được hướng dẫn và đào tạo kỹ thuật để chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững. Từ các mô hình sinh kế đa dạng được thiết kế phù hợp với từng vùng, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp của dự án khi thành công sẽ là cơ sở để thúc đẩy thay đổi thói quen sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.
Hầu hết các tổ chức được hỗ trợ củng cố hoặc thành lập mới cho các hoạt động sinh kế trong vùng dự án tính đến hiện nay đều đã được hỗ trợ xây dựng điều lệ (217/248 tổ chức – 87,5%) và quy chế hoạt động và hỗ trợ xây dựng kế hoạch SXKD (217/248 tổ chức – 87,5%) phục vụ hoạt động chung của tổ chức. Việc phần lớn các tổ chức HTX/THT đã xây dựng được quy chế hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã giúp cho tổ chức HTX/THT hoạt động với cơ cấu chặt chẽ và chuyên nghiệp và hiệu quả.
b.Điểm yếu
Trong 248 tổ chức được hỗ trợ thành lập/củng cố trong dự án GEF-ICRSL tính thời điểm hiện nay loại hình tổ chức HTX chỉ chiếm 9,60%, THT đang chiếm tỉ lệ khá lớn (51,98%) còn lại là mô hình nhóm nông dân chiếm 40,11% (Hình 2) [2].
Nghị định số 77/2019/NĐ- CP của Chính Phủ ban hành ngày 10/10/2019 về Tổ hợp tác (Nghị định số 77), đã góp phần hoàn thiện về cơ chế, chính sách cho các Tổ hợp tác (THT) hoạt động theo kịp sự vận động chung của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong giai đoạn hiện nay, bởi các THT đóng vai trò quan trọng vào việc nâng cao năng lực kinh tế hộ gia đình, từng bước cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì loại hình THT cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đó là: Tổ chức THT còn hạn chế cả về năng lực và cạnh tranh so với mô hình kinh tế khác, hoạt động phần lớn còn mang tính tự phát, thời vụ, kém bền vững do đó số lượng các THT thay đổi liên tục, khó thống kê và nắm bắt tình hình hoạt động, đặc biệt vẫn còn nhiều THT không đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương, nên việc quản lý và hỗ trợ gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, các THT không có tư cách pháp nhân nên khó tiếp cận với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó đa số cán bộ quản lý của các THT trình độ quản lý và năng lực điều hành còn hạn chế, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động theo kinh nghiệm tự có.
Mô hình tổ cộng đồng/ nhóm nông dân gồm tập hợp những người dân, hộ gia đình cùng sống trong cộng đồng địa phương (xã, thôn, xóm, bản…), tham gia cùng nhau một cách tự nguyện, có cùng mục đích và cùng nhau hợp tác (sử dụng đầu vào, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm đầu ra) để phát triển sản xuất kinh doanh chung một hoặc một vài loại sản phẩm ở địa phương (cây trồng, vật nuôi, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ) có thế mạnh đối với các thành viên nhóm, hoạt động theo hợp đồng hợp tác trên cơ sở quy chế do nhóm tự xây dựng và các thành viên tham gia đều có quyền và nghĩa vụ như nhau.
Tuy nhiên có thể nhận thấy mô hình tổ nhóm nông dân hiện nay trong vùng dự án GEF-ICRSL nhóm nông dân mới được thành lập nên mới chỉ có cơ hội tiếp cận những hỗ trợ về chính sách, vật chất, tài chính, tập huấn kỹ thuật, cung cấp con giống, vật tư, xây dựng mô hình, cải tiến chất lượng từ các hợp phần chuyển đổi sinh kế của các tiểu dự án. Mô hình tổ nhóm nông dân còn hạn chế về tổ chức hoạt động, hoạt động chung còn lỏng lẻo do thiếu cơ sở pháp lý (không có hợp đồng hợp tác), quy chế hoạt động, đa phần mới chỉ mang tính chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tổ cộng đồng/nhóm nông dân này chưa thể coi là loại hình tổ chức về kinh tế hợp tác hoàn chỉnh.
Đa số quy mô sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ, diện tích canh tác các mô hình sinh kế còn nhỏ, sản phẩm làm ra người nông dân không phải là chủ thể quyết định được giá cả mà phải phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp, tình trạng được mùa mất giá do thị trường đầu ra không ổn định thường xuyên tái diễn, giá trị của kinh tế nông nghiệp còn nhỏ bé so với tiềm năng, đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo so mặt bằng chung cả nước.
Nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, do bản thân các hộ nông dân nhỏ lẻ không thể thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức sản xuất, chế biến, nắm bắt nhu cầu thị trường, đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng… Quá trình này đòi hỏi phải có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào chuỗi các hoạt động liên kết trên cơ sở phân bổ lợi ích hợp lý giữa các chủ thể.
Mặt khác, tỷ lệ HTX/THT chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho đầu ra nông sản còn chưa được quan tâm. Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin của các tổ nhóm và HTX/THT còn chưa đa dạng, chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội (đơn giản, chi phí thấp). Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do việc thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn kinh phí của HTX/THT có hạn. Bên cạnh khó khăn về tài chính, nhiều HTX/THT còn sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Đây chính là rào cản trong phát triển các HTX/THT nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số.
c.Cơ hội
Nhiều chính sách, chương trình do chính phủ ban hành nhằm ưu đãi, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và các HTX/THT trong thời gian tới như:
- Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030…;
Nguồn vốn đầu tư công cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ngày càng được quan tâm. Giai đoạn 2021-2025, tại Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ thông báo tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là 1.024.500 triệu đồng bằng 236% so với giai đoạn 2016-2020 [3].
Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển như vũ bão, xây dựng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc. Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp phải nằm trong cấu trúc chung của nền kinh tế số, để đồng tốc với sự phát triển chung của công nghiệp 4.0, gồm: công nghệ robot, automation (tự động hóa), IT (công nghệ thông tin), IoT (công nghệ internet kết nối vạn vật), drone (thiết bị không người lái), thương mại điện tử, marketing số big data, AI (trí tuệ nhân tạo).
Công nghệ số giúp quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và hóa chất, sản xuất các loại cây trồng có năng suất cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân, bảo tồn tài nguyên đồng thời giảm tác động từ phân bón hóa học. Do đó, cần có những giải pháp ứng dụng thích hợp để đưa công nghệ số thực sự là một trong những nhân tố thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.
Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy các HTX/THT nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, làm sao để các HTX/THT có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Công nghệ số giúp các HTX/THT quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và hóa chất, sản xuất các loại cây trồng có năng suất cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân, bảo tồn tài nguyên, đồng thời giảm tác động từ phân bón hóa học. Do đó, cần có những giải pháp ứng dụng thích hợp để đưa công nghệ số thực sự là một trong những nhân tố thúc đẩy HTX/THT và nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.
d.Thách thức
Bên cạnh cơ hội, HTX/THT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức: Về cạnh tranh thị trường, nguồn nhân lực trong HTX/THT, dễ bị ảnh hưởng của các tác động bên ngoài, không đủ năng lực thích ứng với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ, tác động của biến đổi khí hậu.
Cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm nội địa và đặc biệt là sự xâm lấn của thị trường nước ngoài sau khi 14 các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ theo các thoả thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Những thuận lợi của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” có thể sẽ không còn duy trì được lâu, kết hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới lợi thế lao động rẻ của Việt Nam sẽ không còn; lợi thế tài nguyên cũng đang giảm dần, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là thách thức lớn thay thế nguồn lao động dồi dào trong xã hội, hàng triệu lao động có thể mất và phải chuyển đổi việc làm.
Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường bên ngoài, do vậy, nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế như các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hay nạn khủng bố… Thách thức khi không thích ứng với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ…
Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Là quốc gia với đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp khoảng 20% trong GDP, cùng với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất do quá trình biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, trước sự phát triển không ngừng của đời sống, sản xuất, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ và yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực, đã tạo sân chơi mới cho các hợp tác xã. Khu vực HTX/THT phải đối mặt và giải quyết vấn đề về chất lượng và cạnh tranh.
Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát sau thu hoạch còn yếu, thông tin về thị trường không cập nhật, không đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài. Mô hình hợp tác xã với lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên đã trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, đồng thời rất phù hợp để giải quyết vấn đề hạn chế trong việc sản xuất riêng lẻ của người nông dân. Bên cạnh đó, trước sự phát triển không ngừng của đời sống, sản xuất, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ và yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực, đã tạo sân chơi mới cho các HTX/THT. Khu vực HTX/THT phải đối mặt và giải quyết có hiệu quả vấn đề về chất lượng và cạnh tranh. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát sau thu hoạch còn yếu, thông tin về thị trường không cập nhật, không đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
e.Giải pháp/chiến lược ứng phó
Căn cứ hiện trạng hoạt động của các HTX/THT, tổ nhóm nông dân trong vùng dự án, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp/chiến lược ứng phó, thông qua ma trận SWOT như Bảng 8 dưới đây.
IV. KẾT LUẬN
Các HTX/THT, tổ cộng đồng/nhóm nông dân trong dự án đều được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vật tư và một số thiết bị cần thiết để chuyển đổi sang các mô hình sinh kế mới. Hầu hết trong số này đã xây dựng được Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động (chiếm 87,5%). Đây là điểm mạnh, đồng thời là cơ sở để các mô hình sinh kế trong dự án có thể triển khai một cách hiệu quả, bền vững và nhân rộng được.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, như: mô hình tổ chức chưa thật sự phù hợp (trên 90% là các THT hoặc tổ cộng đồng/nhóm nông dân) cho hoạt động kinh tế tập thể quy mô lớn; hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ; chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi; thiếu liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Trong khi đó, vùng ĐBSCL nói chung, vùng nghiên cứu nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Mặc dù vùng cũng có những thế mạnh không nhỏ, nhưng vẫn cần phải có những chiến lược ứng phó phù hợp, dài hạn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, 2022, Báo cáo tiến độ thực hiện hoạt động sinh kế của các tỉnh vùng dự án.
[2] Ban quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, 2022, Báo cáo đánh giá thực trạng, tổ chức sản xuất, hoạt động kinh doanh, tình hình liên kết sản xuất, liên kết thị trường của các tổ nhóm/HTX thuộc dự án ICRSL (cập nhật năm 2022).
[3] Thủ tướng Chính phủ, 2021, Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trình hạn giai đoạn 2021-2025.