Bài báo này giới thiệu một số kết quả nghiên cứu và phát triển của Trung tâm tư vấn PIM về quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân trong giai đoạn 2005-2009
TS. Trần Chí Trung
ThS. Đặng Minh Tuyến
1. Vài nét về sự hình thành và phát triển của Trung tâm tư vấn PIM
Trung tâm Tư vấn quản lý thuỷ nông có sự tham gia của người dân (gọi tắt là Trung tâm tư vấn PIM) trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi, được Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định thành lập ngày 22 tháng 12 năm 2004. Theo đó, Trung tâm là tổ chức khoa học công nghệ đầu tiên và duy nhất có chức năng nghiên cứu và thực hiện các dịch vụ tư vấn về PIM ở nước ta. Đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Viện Khoa học Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Trung tâm tư vấn PIM được xếp hạng theo hạng đặc biệt phù hợp với việc xếp hạng của Viện. Trung tâm Tư vấn PIM có chức năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của Nhà nước, tham gia đào tạo và hợp tác quốc tế về quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân trong phạm vi cả nước.
Các hoạt động về PIM trước đây còn nhỏ lẻ, phân tán, ít được quan tâm đúng mức, nay với sự ra đời và phát triển của Trung tâm tư vấn PIM, các hoạt động về PIM đã được quy về một đầu mối, khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Khi mới thành lập, Trung tâm chỉ có 10 cán bộ trong đó một nửa là cán bộ kiêm nhiệm. Qua gần 5 năm xây dựng, phát triển đến nay Trung tâm đã có đội ngũ 27 cán bộ, trong đó có 1 Giáo sư, 1 Phó giáo sư, 1 Tiến sĩ và 7 Thạc sĩ, còn lại đều có trình độ đại học. Ngoài ra Trung tâm liên kết với đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong va ngoài ngành trong triển khai hoạt động của mình. Trung tâm có 1 phòng chức năng và 3 phòng nghiên cứu chuyên môn là phòng Thể chế chính sách, phòng Tổ chức hợp tác dùng nước và phòng Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thủy lợi nội đồng. Trung tâm có kế hoạch phát triển, mở rộng địa bàn hoạt động trên pham vi cả nước, trong tương lai gần sẽ đặt một văn phòng đại diện tại phía Nam (TP.HCM) và thành lập Công ty cổ phần cung ứng dịch vụ và phát triển cộng đồng.
Trung tâm đã và đang triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp Bộ NN&PTNT trong việc phát triển PIM, phát triển cộng đồng, phát triển công nghệ thủy lợi nội đồng nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên nước và quản lý các công trình thủy lợi hiệu quả và bền vững. Trung tâm cũng mở rộng phạm vi nghiên cứu khoa học và triển khai nhiều dịch vụ tư vấn PIM cho địa phương cũng nhu các tổ chức quốc tế. Trung tâm đã thực hiện một số đề tài cấp tỉnh, ứng dụng các kết quả KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương, như tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Cao Bằng, Sơn La, Hải Phòng. Ngoài ra. Trung tâm đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PIM, quản lý tài nguyên, môi trường, phát triển cộng đồng với nhiều tổ chức quốc tế, như INPIM, WBI, Viện quản lý nước quốc tế (IWMI), Trường đại học Tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch, Đại học tổng hợp Linkoping, Trường Đại học Nairobi, Đại học tổng hợp Tsukuba, Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu chính sách nông nghiệp, Viện Hàn lâm nông nghiệp, Học viện Thủy lợi Điện lực Trung Quốc.
Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 5 năm, vừa tiến hành các hoạt động nghiên cứu, tư vấn vừa phải tăng cường bổ sung nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất từng bước, nhưng với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, Trung tâm tư vấn PIM đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ về phát triển quản lý thủy lợi có sự tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển Ngành. Bài báo này giới thiệu một số kết quả nghiên cứu và phát triển của Trung tâm tư vấn PIM về quản lý thủy lợi có sự tham gia trong giai đoạn 2005-2009.
2. Nghiên khoa học về quản lý thủy lợi có sự tham gia (PIM)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra quản lý thủy lợi có sự tham gia (PIM) là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi. Người dân cần tham gia tích cực vào quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành các công trình thủy lợi. Để góp phần thúc đẩy phát triển PIM, trong thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện một số đề tài nghiên khoa học về quản lý thủy lợi có sự tham gia, bao gồm các nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển PIM, chính sách phân cấp quản lý, chính sách chuyển giao công trình thủy lợi nhỏ cho các các mô hình tổ chức hợp tác dùng nước, đề xuất các mô hình tổ chức hợp tác dùng nước phù hợp với các địa phương, phương pháp thành lập tổ chức hợp tác dùng nước, các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình PIM và định mức xây dựng mô hình PIM.
Một trong những bước đi đầu tiên của Trung tâm theo hướng nghiên cứu quản lý thủy lợi có sự tham gia là đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình xã hội hoá công tác quản lý vận hành nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các hệ thống trạm bơm loại vừa và nhỏ vùng Đồng bằng Sông Hồng” (2006-2007). Đề tài này đã đưa ra được cơ sở khoa học của mô hình xã hội hoá công tác quản lý vận hành phù hợp và đề xuất chính sách, các giải pháp thúc đẩy quá trình xã hội hoá công tác quản lý vận hành nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các hệ thống trạm bơm loại vừa và nhỏ (với quy mô phục vụ từ 1-2 xã) rất phổ biến ở vùng Đồng bằng Sông Hồng. Đề tài đã triển khai áp dụng mô hình chuyển giao trạm bơm nhỏ cho HTXNN Thái Hạc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Kết quả thực hiện đề tài được các cơ quan quản lý và tỉnh Thái Bình đánh giá có tính khoa học và thực tiễn cao.
Trung tâm đã phối hợp với Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi thực hiện đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất chính sách về phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi” (2008-2009). Đề tài đã đưa ra được kết quả đánh giá cơ sở thực tiễn phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước, tổng hợp được các quy định về phân cấp quản lý ở 25 tỉnh, tổng hợp các tiêu chí phân cấp thực tế ở các địa phương, các kết quả đạt được và các vướng mắc ở các địa phương khi thực hiện phân cấp quản lý. Các kết qủa này là các cơ sở thực tiễn thuyết phục để đề xuất chính sách phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi phù hợp cho 7 vùng miền trên cả nước, nêu ra các ngụyên tắc phân cấp quản lý; phân giao trách nhiệm quản lý các hệ thống thuỷ lợi giữa công ty và các tổ chức hợp tác dùng nước, đề xuất các tiêu chí phân cấp quản lý phù hợp cho các vùng miền. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 65 ngày 12/10/2009, là cơ sở pháp lý để các địa phương áp dụng thực hiện phân cấp quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi ở nước ta.
Các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở hiện nay ở nước ta tồn tại rất đa dạng, dưới nhiều hình thức, tổ chức hoạt động khác nhau ở các địa phương, như Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã dùng nước, Hội dùng nước, Tổ hợp tác dùng nước. Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình PIM, tính phù hợp của các mô hình tổ chức quản lý ở các địa phương, Trung tâm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả mô hình quản lý thuỷ nông có sự tham gia của cộng đồng” (2007-2008). Đề tài đã nghiên cứu, đề xuất được hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả mô hình quản lý thuỷ nông có sự tham gia (mô hình PIM) để phục vụ giám sát đánh giá và phân tích, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình. Hệ thống các chí tiêu đánh giá mô hình PIM đã được áp dụng đánh giá hiệu quả 2 mô hình quản lý thuỷ nông có sự tham gia của cộng đồng ở tỉnh Thái Bình.
Để thúc đẩy tiến trình phát triển PIM trên quy mô cả nước, việc thành lập các mô hình PIM một cách bài bản cần có một phương pháp đúng đắn, quy định các bước thành lập tổ chức hợp tác dùng nước, định mức về nhân công và kinh phí cho các hoạt động này. Đề giái quyết vấn đề này, Trung tâm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ sở xây dựng hướng dẫn định mức PIM trong hoạt động đầu tư xây dựng thủy lợi” (2008-2009). Đề tài đã tiến hành đánh giá hiện trạng, phân loại tổ chức dùng nước và tính toán thành phần khối lượng thực hiện các hoạt động, trên cơ sở đó xác định đơn giá kinh phí đối với các hoạt động PIM với công trình phù hợp cho các địa phương trên cả nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn lập định mức PIM trong hoạt động đầu tư thủy lợi, tạo thuận lợi cho việc phát triển PIM rộng rãi.
3. Nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ thuỷ lợi nội đồng
Phát triển thủy lợi nói chung và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa thủy lợi, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo chức năng nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT phê duyệt, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ thủy lợi nội đồng, là khu vực quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã tập trung vào lĩnh vực hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, các giải pháp phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp, quy trình vận hành, quản lý hiệu quả công trình thủy lợi, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, tái sử dụng nước thải trong nông nghiệp.
Đề tài nghiên cứu “Hiện đại hoá thuỷ lợi nội đồng phục vụ một số mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất vùng Đồng bằng Sông Hồng” (2005-2006) đã đề xuất các mô hình quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ 4 mô hình chuyển đổi sản xuất chính: i) Mô hình thâm canh lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản và mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang sản nuôi trồng thuỷ sản-thuỷ cầm và VAC (Hà Nam và Bắc Ninh); ii) Mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi trông thuỷ sản ven biển (Ninh Bình); iii) Mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và rau màu xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng, Nam Định và đề xuất các giải pháp công trình hiện đại hoá thuỷ lợi nội đồng theo hướng CNH-HĐH và giải pháp quản lý khai thác công trình thủy lợi nội đồng theo hướng CNH-HĐH.
Trước thực trạng diễn biến bất thường của thời tiết theo xu hướng ngày càng bất lợi, vấn đề khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, Trung tâm đã thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KHCN phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc” (2008-2010). Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, đề tài đã đưa ra được các giải pháp công nghệ giải quyết những vấn đề cơ bản nhất phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, như: Giải pháp KHCN thu, trữ nước, bảo vệ đất và giữ ẩm vùng chưa có công trình thuỷ lợi; Giải pháp quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tối ưu nguồn nước; Chế độ tưới tiết kiệm nước, kỹ thuật tưới cho lúa, mía và cây ăn quả; Xây dựng các mô hình trình diễn giải pháp KHCN thu trữ nước, bảo vệ đất và giữ ẩm cho cây ăn quả; Chế độ tưới phục vụ hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) và mô hình trình diễn phần mềm quản lý vận hành hệ thống thuỷ lợi Cầu Sơn-Cấm Sơn. Một số kết quả nghiên cứu bước dầu được báo cáo tại Hội thảo quốc tế tại Băng Cốc về các giái pháp canh tác tưới tiết kiệm nước cho lúa trên hệ thống kênh tưới được đánh giá cao. Cũng theo hướng này, đề tài nghiên cứu “Đề xuất vận hành trạm bơm Như Quỳnh” (2007-2008) đã nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn vận hành trạm bơm và đề xuất được quy trình vận hành trạm bơm Như Quỳnh, Bắc Giang để nâng cao hiệu quả quản lý tưới.
Về lĩnh vực nghiên cứu các giái pháp khoa học công nghệ sử dụng tiết kiệm nước, Trung tâm đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây dứa ở tỉnh Hòa Bình và cho cây bưởi ở TP. Hà Nội. Đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây dứa vùng đất dốc tại nông trường Sông Bôi tỉnh Hoà Bình” (2007-2008) đã áp dụng kỹ thuật tưới dí cho cây dứa cho kết quả là năng suất cây dứa có tưới đạt 55 tấn/ha/vụ, tăng 30% so với trường hợp không có tưới. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả vùng ven đô thành phố Hà Nội (2008-2009) cho thấy áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt có hiệu quả tiết kiệm nước cao so với kỹ thuật tưới rãnh thông thường, do nước tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng nên.tổn thất nước cho ngấm sâu, chảy tràn, hao hụt hầu như rất thấp. Áp dụng chế độ tưới theo theo độ ẩm tối ưu đối với hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây bưởi vừa đảm bảo cung cấp đủ nước theo nhu cầu nước của cây trồng vừa đảm bảo độ ẩm phân bố tương đối đồng đều theo các tầng đất canh tác là yếu tố quan trọng đảm bảo tăng năng suất cây bưởi, là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được phát triển ở vùng ngoại thành Hà Nội. Kết quả nghiên cứu từ mô hình điểm là cơ sở khoa học và thực tiễn cho các nhà nghiên cứu và các hộ nông dân ngoại thành ở các tỉnh nói chung và ở Hà Nội nói riêng phát triển ứng dụng công nghệ tưới hiện đại để phát triển trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây bưởi để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ngoài các giải pháp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, Trung tâm cũng thực hiện dự án nghiên cứu “Tái sử dụng nước thải trong nông nghiệp Việt Nam” (2005-2006) để nghiên cứu ảnh hưởng của sử dụng nước thải đô thi trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản tại nước ta. Dự án tiến hành điều tra toàn quốc về mức độ sử dụng nước thải, các ảnh hưởng về kinh tế, sức khoẻ, môi trường và tổ chức thực hiện nghiên cứu chi tiết tại Nam Đinh. Kết quả quan trọng của dự án là đề xuất thể chế chính sách và công nghệ trong quy hoạch sử dụng nước thải phục vụ sản xuất nông nghiệp-thuỷ sản vùng ven đô.
4. Thực hiện các dịch vụ tư vấn về PIM
Song song với các hoạt động nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã đẩy mạnh triển khai nhiều dịch vụ tư vấn PIM cho các địa phương và nhất là cho các tổ chức quốc tế. Các dịch vụ tư vấn PIM chủ yếu là cung cấp dịch vụ đào tạo, thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước khuyến khích người dân tham gia vào quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi hiệu quả và bền vững, phát triển cộng đồng.
Trung tâm đã thực hiện hợp phần tư vấn đào tạo PIM, thuộc dự án “Hỗ trợ thủy lợi Việt Nam-Dự án VWRAP do Ngân hàng thế giới tài trợ cho 6 hệ thống tưới lớn ở Việt nam, gồm hệ thống Cấm Sơn-Cầu Sơn, Yên Lập, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Đá Bàn, Dầu Tiếng (2007-2010). Trong dự án này, Trung tâm đã tổ chức 2 Hội thảo cấp quốc gia, 6 hội thảo cấp tỉnh để thống nhất chủ trương phát triển PIM cho 6 hệ thống thủy lợi nêu trên. Trung tâm đã biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức 2 khoá tập huấn TOT cho các địa phương, 6 khóa tập huấn về PIM cho các công ty và 52 khóa tập huấn về PIM và O&M cho các Tổ chức hợp tác dùng nước. Đây là dự án có số lượng các khóa tập huấn và số lượng học viên tham gia lớn nhất từ trước đến nay. Hiệu quả của các khóa tập huấn đã được Ngân hàng thế giới và các địa phương đánh giá cao.
Cũng trong dự án VWRAP, bên cạnh hợp phần tư vấn đào tạo, Trung tâm cũng thực hiện tư vấn “Quản lý tưới có sự tham gia của người dân PIM, do tổ chức hỗ trợ phát triển Nhật Bản hỗ trợ-Dự án JSDF”. Trong dự án này, Trung tâm phối hợp với 3 Tổ chức phi chính phủ là các tư vấn phụ để tư vấn thành lập, nâng cao năng lực các tổ chức hợp tác dùng nước tại 6 tiểu dự án thuộc dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam (VWRAP). Cho đến nay dự án đã biên soạn được tài liệu hướng dẫn thành lập thành lập Tổ chức hợp tác dùng nước, tài liệu hướng dẫn đề xuất và thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, tư vấn thành lập được 66 tổ chức hợp tác dùng nước tại 6 tiểu dự án Cấm Sơn-Cầu Sơn, Yên Lập, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Đá Bàn, Dầu Tiếng. Các tổ chức hợp tác dùng nước là các mô hình PIM mới được thành lập hoặc được củng cố từ các tổ chức thủy nông cơ sỏ hiện có để quản lý hệ thống kênh nội đồng trong 6 hệ thống thủy lợi của dự án. Dự án này đã thành lập được số lượng các mô hình PIM nhiều nhất từ trước đến nay. Kết quả đánh giá cuối kỳ của dự án cho thấy các tổ chức hợp tác dùng nước đã đi vào ổn định và hoạt động hiệu quả.
Với sự tài trợ của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Trung tâm đã triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường thể chế cho Trung tâm tư vấn PIM và hỗ trợ triển khai quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân ở Sơn La và Ninh Thuận” (2008- 2010). Các mục tiêu chủ yếu của dự án là: (i) Tăng cường năng lực của Trung tâm tư vấn PIM, góp phần tuyên truyền rộng rãi các khái niệm về PIM và thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Bộ NN&PTNT giao cho, nhất là tư vấn cho Bộ và Chính phủ trong tiến trình triển khai khung pháp lý về quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi để tăng hiệu quả kỹ thuật và kinh tế của các hoạt động này và (ii) Hỗ trợ tư vấn cho hai tỉnh Ninh Thuận và Sơn La xác định và triển khai kế hoạch hành động về quản lý thủy lợi có sự tham gia của người sử dụng. Hoạt động này sẽ áp dụng cho các công trình mới được xây dựng trong khuôn khổ hai dự án hạ tầng thuỷ lợi do AFD tài trợ.
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực quản lý tưới có sự tham gia thông qua Viện Khoa học Thuỷ lợi- Dự án CDPIM do tổ chức Phát triển Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, Trung tâm PIM đã chủ trì hợp phần đào tạo và xây dựng mô hình PIM điểm tại xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, Hải Dương. Các cán bộ của Trung tâm đã chủ trì biên soạn tài liệu tập huấn về PIM cho các công ty KTCTTL và các Tổ chức dùng nước, tổ chức và tham gia thực hiện 20 khoá tập huấn cho các công ty ở nhiều tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 2 khóa tập huấn cho nông dân ở Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến. Cũng trong lĩnh vực này, trong khuôn khổ Dự án “Quản lý nước tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cả” do DANIDA tài trợ, các cán bộ của Trung tâm đã chủ trì hợp phần phát triển PIM tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Kết quả chủ yếu của dự án này là đã biên soạn tài liệu tập huấn PIM và thành lập 2 các tổ chức hợp tác dùng nước là Hội dùng nước Khe Lằng ở Nghệ An và Hợp tác xã dùng nước trạm bơm Đức Vĩnh ở Hà Tĩnh. Các mô hình PIM này đến nay đang hoạt đông hiệu quả, được tổ chức DANIDA và các địa phương đánh giá cao.
Bên cạnh các dịch vụ tư vấn thành lập tổ chức hợp tác dùng nước, Trung tâm cũng là đầu mối tổ chức nhiều Hội thảo Quốc gia và khu vực về phát triển cộng đồng nói chung và PIM nói riêng. Các hội thảo điển hình có quy mô lớn như: Hội thảo đào tạo quốc tế “Tham gia của cộng đồng trong quản lý tổng hợp lưu vực” do INWENT tài trợ, tổ chức tại Thanh Hoá tháng 11-2005; Hội thảo quốc gia “Tái sử dụng nước thải trong nông nghiệp ở Việt Nam”- tổ chức tại Hà nội, tháng 5- 2006; Hội thảo quốc gia của dự án POPSE-DURAS “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp kết nối với thị trường nhằm xoá đói giảm nghèo”tại Hà Nội tháng 8-2006; Hội thảo Quốc gia “Phát triển PIM thông qua các tổ chức dùng nước” tại Hạ Long, từ 11-13 tháng 5 năm 2007.
Cùng với các hoạt động về PIM, Trung tâm cũng tích cực tham gia vào hoạt động hỗ trợ cộng đồng phát triển các dịch vụ nông nghiệp, tiếp cận với thị trường. Theo hướng này, Trung tâm thực hiện Dự án nghiên cứu “chiến lược thuỷ lợi xoá đói nghèo trong nông nghiệp Việt Nam” (2004-2005). Dự án này đã nghiên cứu nguyên nhân đói nghèo, ảnh hưởng của công trình thủy lợi đến xoá đói nghèo và đề xuất về thể chế chính sách các giải pháp về quản lý và công nghệ, các chương trình hỗ trợ trong quy hoạch phát triển thuỷ lợi phục vụ xoá đói, giảm nghèo. Trong Dự án thuỷ lợi sông Hồng 2, Phần A: “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giai đoạn 2”, các cán bộ của Trung tâm đã thực hiện khoá tập huấn cho các hướng dẫn viên địa phương ở Thái Nguyên và Bắc Kạn, hỗ trợ các hướng dẫn viên địa phương trong việc thực hiện các cuộc họp thôn/xóm, xã để xác định các vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm xoá đói giảm nghèo, công bằng giới.
5. Thay cho lời kết
PIM và phát triển thủy lợi nội đồng là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi. Nhà nước, chính phủ đã quan tâm tới phát triển PIM thể hiện qua yêu cầu phải có PIM trong các dự án đầu tư bằng ngân sách “Đầu tư xây dựng công trình phải tiến hành đồng thời với việc thành lập tổ chức quản lý trong đó có PIM, các dự án đầu tư kể cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của nước ngoài chỉ được giải ngân khi đã hình thành tổ chức quản lý phù hợp có vai trò của PIM”.
Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm, Trung tâm đã đạt được một số kết quả về phát triển quản lý thủy lợi có sự tham gia, từng bước khẳng định được vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực này để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở nước ta. Trong giai đoạn 2005-2009, Trung tâm đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về quản lý thủy lợi có sự tham gia, phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, thực hiện nhiều dịch vụ tư vấn về PIM và phát triển cộng đồng. Các nghiên cứu khoa học về quản lý thủy lợi có sự tham gia tập trung vào nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển PIM, chuyển giao công trình thủy lợi nhỏ cho các các mô hình tổ chức hợp tác dùng nước, đề xuất các mô hình tổ chức hợp tác dùng nước phù hợp với các địa phương, phương pháp thành lập tổ chức hợp tác dùng nước, các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình PIM và định mức xây dựng mô hình PIM. Các nghiên cứu khoa học về phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng tập trung vào lĩnh vực hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, các giải pháp phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp, quy trình vận hành, quản lý hiệu quả công trình thủy lợi, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, Trung tâm cũng đẩy mạnh triển khai nhiều dịch vụ tư vấn cho nhiều địa phương trên cả nước và nhất là cho các tổ chức quốc tế. Các dịch vụ tư vấn chủ yếu là cung cấp dịch vụ đào tạo, thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước, tổ chức các hội thảo cấp quốc gia, cấp vùng về phát triển PIM và phát triển cộng đồng.
Quản lý thuỷ nông, quản lý tài nguyên, môi trường có sự tham gia của cộng đồng, của người hưởng lợi, phát triển cộng đồng và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng là vấn đề bức thiết phải đẩy mạnh để đảm bảo việc quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, tài nguyên, môi trường hiệu quả, bền vững. Đây là lĩnh vực mới không trùng lắp với bất cứ nhiệm vụ nào của các đơn vị trong viện từ trước tới nay. Do vậy mà trong thời gian tới, định hướng hoạt động và phát triển của Trung tâm là thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào các lĩnh vực đề xuất chính sách phát triển PIM, phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước, phát triển công nghệ thủy lợi nội đồng và cung cấp các dịch vụ tư vấn về PIM, phát triển cộng đồng và chuyển giao công nghệ thủy lợi nội đồng cho các tổ chức hợp tác dùng nước.
Phát triển PIM là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp, còn nhiều mới mẻ, do vậy cũng còn những khó khăn, thách thức khi triển khai trên diện rộng, vì phát triển PIM liên quan đến nhiều ban ngành khác nhau. Để đẩy mạnh phát triển PIM trên cả nước, ngoài sự nỗ lực của Trung tâm tư vấn PIM, cần có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của Bộ NN&PTNT, sự hợp tác và ủng hộ của các ban ngành ở trung ương và địa phương./.