Họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài quốc gia thuộc Chương trình nông thôn mới

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi họp Hội đồng tư vấn tự đánh giá kết quả đề tài quốc gia thuộc Chương trình nông thôn mới “Nghiên cứu đề xuất mô hình, bộ tiêu chí cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu, áp dụng thí điểm tại huyện Nam Đàn, phục vụ xây dựng huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch” do PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn – Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân chủ nhiệm.

Hội đồng do GS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Phó Giám đốc Viện làm chủ tịch.

Báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng, PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn cho biết du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn được định hướng là một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt nam từ nay đến năm 2030 theo Quyết định về chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam cũng đã có các hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp và tùy thuộc vào mô hình nông thôn ở mỗi khu vực, mỗi nước lại có tên gọi khác nhau như “du lịch nông thôn” ở Anh, “du lịch trang trại” ở Mỹ, “du lịch nông trại” ở Pháp hay “du lịch xanh” ở Nhật…

Huyện Nam Đàn được xác định là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2025 theo hướng “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Đề tài, thực tiễn phát triển và quy hoạch vùng huyện Nam Đàn cho thấy định hướng du lịch chủ yếu tập trung khai thác giá trị tiềm năng của các khu vực di tích lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái núi. Phát triển du lịch trên cánh đồng sản xuất cơ bản vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, chưa khai thác được nguồn tài nguyên cảnh quan, văn hóa này trong phát triển kinh tế địa phương.

Để phát triển đồng bộ và bền vững sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển văn hóa-du lịch, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng cần phải xây dựng mô hình, đề xuất thiết kế mẫu, các giải pháp, bộ tiêu chí quy hoạch cơ sở hạ tầng cảnh quan đồng ruộng trên cơ sở định hướng về xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống gắn với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu…

Do đó việc “Nghiên cứu đề xuất mô hình, bộ tiêu chí cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu, áp dụng thí điểm tại huyện Nam Đàn, phục vụ xây dựng huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch” là cấp thiết trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình điểm cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phù hợp phục vụ xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Nam Đàn;  Đề xuất được mô hình mẫu, các giải pháp và bộ tiêu chí cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phục vụ xây dựng huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Một số kết quả của Đề tài có thể kể đến như: Đã phân tích, đánh giá thực trạng cảnh quan hạ tầng phục vụ sản xuất; cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, văn hóa, du lịch; Đề xuất phương án bố trí cảnh quan hạ tầng nội đồng bao gồm hệ thống công trình tưới, tiêu, mạng lưới giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được bố trí phù hợp với tổng thể vùng sản xuất, khu đồng/xứ đồng với lô, thửa ruộng, bờ vùng, bờ thửa; cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng kết nối hài hòa với cơ sở văn hóa, du lịch phù hợp với địa hình, sinh thái các tiểu vùng (Vùng đồi trồng cây ăn quả, vùng vàn, trồng lúa, rau, vùng bãi trồng màu và vùng trũng trồng sen).

Đưa ra được kết quả tính toán phân tích, bản vẽ thiết kế về mô hình hạ tầng đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu vùng trồng hoa sen gắn khu di tích văn hóa Kim Liên, đảm bảo việc xây dựng mô hình thực hiện hiệu quả; Phân tích, đánh giá kết quả, hiệu quả của mô hình cải tạo hạ tầng, cảnh quan gắn với du lịch sinh thái-văn hóa-tâm linh điểm tại huyện Nam Đàn

Đưa ra được bản thiết kế mẫu mô hình hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phù hợp các tiểu vùng sinh thái đảm bảo độ chính xác, áp dụng được cho các vùng có điều kiện tương tự.

Xây dựng được bộ tiêu chí cấp huyện và giải pháp triển khai cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch bao gồm tiêu chí cơ sở hạ tầng, cảnh quan vùng sản xuất; cơ sở cảnh quan, hạ tầng bảo vệ môi trường; cơ sở cảnh quan, hạ tầng về văn hóa du lịch gắn với vùng sản xuất và dân cư.

Đào tạo tập huấn về cơ sở hạ tầng cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu, cấp huyện (cán bộ quản lý Nhà nước cấp huyện, xã, đại diện người dân) theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Người được đào tạo nắm rõ kiến thức về cơ sở hạ tầng cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phù hợp các tiểu vùng về địa hình, sinh thái huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch

Đặc biệt đề tài đã xây dựng thành công mô hình thí điểm hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu vùng trồng sen gắn khu di tích văn hóa – du lịch Kim Liên và được địa phương đón nhận, đưa vào sử dụng hiệu quả với các hạng mục kè bờ ao, chỉnh trang và lát gạch vỉa hè, lắp dựng lan can, trồng cây xanh, lắp đặt ghế đá và biển hiệu đã tôn vẻ đẹp về cảnh quan, ý nghĩa văn hóa, du lịch gắn với khu di tích văn hóa Kim Liên. Mô hình cho thấy nội dung đề án cũng như thiết kế mẫu hoàn toàn phù hợp với thực tế và có hiệu quả cao trong tạo cảnh quan, kết nối các địa điểm văn hóa, du lịch, thu hút du khách phục vụ sản xuất và phát triển du lịch

Sau khi các phản biện, thành viên Hội đồng nhận xét, thay mặt Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Chủ tịch Hội đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao ý tưởng, cách tiếp cận của Chủ nhiệm cũng như nhóm thực hiện Đề tài. Đề tài có khối lượng công việc lớn; các đề án thiết kế mẫu, mô hình thí điểm và bộ tiêu chí là tài liệu có giá trị phục vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa – du lịch. Đề tài đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt; Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đã phản ánh đầy đủ những nội dung theo đề cương; Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài phù hợp với nội dung và mục tiêu nghiên cứu của Đề tài, cách tiếp cận của Đề tài phù hợp; Các kết quả nghiên cứu của Đề tài góp phần đề xuất mô hình, bộ tiêu chí cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa với du lịch tại tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, các báo cáo chuyên đề, các bản vẽ thiết kế, tài liệu tham khảo, lỗi in ấn; bổ sung một số khái niệm về “cảnh quan đồng ruộng”, “đa năng”, “đa mục tiêu”….; bổ sung tổng quan về các nghiên cứu ngoài nước về cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng có điều kiện tương đồng và một số địa phương trong nước đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới; làm rõ hơn nội dung cách tiếp cận theo hệ sinh thái; làm rõ hơn cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí, khả năng và điều kiện nhân rộng, áp dụng; làm rõ hơn nội dung đào tạo tập huấn…

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.