Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới

Đây là Đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 do ThS. Đặng Minh Tuyến – Trung tâm Tư vấn Quản lý Thủy nông có sự tham gia của người dân chủ nhiệm vừa được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức đánh giá nghiệm thu.

Tham dự buổi họp có các thành viên Hội đồng; đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp, Tài chính Kế toán, Trung tâm Tư vấn Quản lý Thủy nông có sự tham gia của người dân.

Hội đồng do GS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ tịch.

Tại buổi họp, ThS. Đặng Minh Tuyến – Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, có vai trò trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta qua các giai đoạn phát triển. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững có ý nghĩa then chốt thúc đẩy xây dựng thành công nông thôn mới, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.

Cơ sở hạ tầng ở nông thôn bao gồm hạ tầng KT-XH cho toàn ngành nông nghiệp và nông thôn của vùng, của làng, xã và được hình thành, sử dụng vì mục đích phát triển  KT-XH của làng, xã. CSHT nông thôn là thành phần chính trong mô hình phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, là những cơ sở vật chất và thiết chế cung cấp  dịch vụ cho  sinh  hoạt  kinh tế, xã hội, dân sinh trong cộng đồng làng xã và do làng xã quản lý, sở  hữu và sử dụng, làm nền tảng cho sự phát  triển  KT-XH  nông thôn.

Quản lý sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng nông thôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận với lượng lớn người nghèo ở nông thôn, giúp giảm nghèo và nâng cao vị thế cho cư dân nông thôn bằng cách cung cấp sự tiếp cận tốt các dịch vụ giáo dục, y tế, nước sạch, thị trường địa phương, tiếp cận các công việc phi nông nghiệp cũng như các cơ hội kinh tế khác.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua đã được ưu tiên nguồn lực lớn đề phát triển, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Từ 6/2010 đến nay cả nước đã huy động trên 2,3 triệu tỷ đồng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên theo Chủ nhiệm, việc nghiên cứu các giải pháp, mô hình để quản lý hiệu quả, bền vững các công trình hạ tầng nông thôn chưa được quan tâm tương xứng, còn nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, khai thác, bảo trì; chính sách; yêu cầu từ thực tiễn

Theo Chủ nhiệm Đề tài, nguyên nhân gốc rễ của các tồn tại trong quản lý sử dụng cơ sở hạ tầng nông thôn là do không đủ kinh phí, năng lực yếu kém và các cấu trúc quản trị không phù hợp, không đồng bộ; Thiếu sự tham gia của người thụ hưởng/cộng đồng, sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, không duy trì, nâng chất được tiêu chí nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020, gia tăng chi phí sửa chữa, phục hồi rất lớn.

 Do vậy, Chủ nhiệm Đề tài khẳng định đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới” có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Sau hơn 18 tháng triển khai các nội dung nghiên cứu, Đề tài đã đánh giá đầy đủ thực trạng CSHT nông thôn về hiệu quả sử dụng; Tình trạng xuống cấp và việc duy tu bảo dưỡng cồng trình; Các chính sách liên quan và sự bất cập trong chính sách; Các mô hình quản lý và tài chính cho hoạt động quản lý, duy tu bảo dưỡng; Sự tham gia của người dân trong hoạt động phát triển CSHT và quản lý sử dụng và các nội dung liên quan khác.

Đã nghiên cứu cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn, áp dụng các phương pháp phù hợp  đề xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả bền vững CSHT nông thôn gồm 2 nhóm tiêu chí về CSHT nông thôn và mô hình quản lý CSHT nông thôn với 25 tiêu chí thành phần; Phương pháp xác định tiêu chí phù hợp.

Đề xuất được các nhóm giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả, bền vững các loại hình công trình hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, chợ, nhà văn hóa): giải pháp, cơ chế phân cấp quản lý, giao khoán; khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư và quản lý; các quy trình quy định quản lý; giải pháp về tài chính cho hoạt động quản lý và duy tu bảo dưỡng thường xuyên; Giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Xây dựng thành công 07 mô hình quản lý phù hợp cho các loại hình công trình hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, chợ, nhà văn hóa) bao gồm 04 mô hình ở đồng bằng sông Hồng (mô hình quản lý Trung tâm văn hóa – Thể thao; mô hình quản lý tổng hợp CSHT nông thôn; mô hình cộng đồng tham gia quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, mô hình cộng đồng tham gia quản lý đường GTNT) và 03 mô hình ở đồng bằng sông Cửu Long (mô hình cộng đồng tham gia quản lý đường GTNT; mô hình cộng đồng tham gia quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; mô hình cộng đồng tham gia quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung).

Các mô hình trên được đánh giá quản lý hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng; Có tổ chức và năng lực phù hợp, có sự tham gia của cộng đồng, người dân; Có quy chế, quy trình hoạt động, cơ chế tài chính minh bạch, có khả năng tự chủ hoặc tự chủ một phần tùy theo loại hình công trình và mức hỗ trợ của ngân sách địa phương, khả năng đóng góp của người hưởng lợi; Được cấp Huyện, Xã công nhận bằng văn bản, đưa vào áp dụng.

Xây dựng được sổ tay hướng dẫn về cơ chế, chính sách trong quản lý hạ tầng nông thôn; Giới thiệu hướng dẫn áp dụng các mô hình quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp cho các loại hình công trình hạ tầng và phù hợp với đặc trưng vùng ĐBSH, ĐBSCL; Các hướng dẫn về tổ chức, kỹ thuật và tài chính cho hoạt động của tổ chức.

Ngoài ra, Đề tài đã có 04 bài báo được đăng trên Tạp chí Khoa học trong nước và tham gia đào tạo được 02 thạc sỹ chuyên ngành quản lý kinh tế.

Sau khi nghe các phản biện, thành viên Hội đồng nhận xét, thay mặt Hội đồng, GS.TS. Tùng Phong – Chủ tịch Hội đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các sản phẩm đạt được của đề tài. Đề tài có khối lượng công việc lớn, đã giải quyết được các mục tiêu đề ra và đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đặt hàng. Báo cáo tổng hợp rõ ràng, logic, đầy đủ, kết cấu hợp lý, đảm bảo các nội dung yêu cầu của đề tài; Cung cấp nhiều thông tin bổ ích, liên quan trực tiếp đến đề tài như các cơ chế, chính sách, các mô hình quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng nông thôn; giải pháp quản lý sử dụng cơ sở hạ tầng nông thôn của nhiều quốc gia, chương trình, dự án.  Phương pháp nghiên cứu phù hợp, có sự kết nối với các kết quả nghiên cứu; Đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá đầy đủ, có cơ sở lý luận và cơ sở khoa học; Sổ tay hướng dẫn được ban hành sẽ là tài liệu tham khảo, hướng dẫn có giá trị và lâu dài cho các vùng nông thôn, các cơ quan quản lý, chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới để kiểm tra, đánh giá, giám sát, xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn hiệu quả, bền vững.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện chỉnh sử phần tổng quan; bổ sung sơ đồ quá trình nghiên cứu phù hợp với nội dung, thứ tự các bước thực hiện; Làm rõ chi phí cho các hoạt động của các Ban Quản lý và các nguồn thu để đảm bảo bền vững về tài chính, đặc biệt là cho duy tu, bảo dưỡng; Bổ sung quy trình thực hiện vào sổ tay hướng dẫn, đánh giá về chợ nông thôn đối với cơ sở vật chất văn hóa – thể thao, thông tin về các văn bản liên quan đến các tiêu chí thống kê, làm cơ sở đề xuất các tiêu chí, các loại phiếu điều tra vào phụ lục báo cáo; Cần làm nổi bật lên tính kết nối về mặt logic giữa phương pháp đề tài sử dụng với kết quả nghiên cứu đưa ra; Giải thích khái niệm nhiều và ít khi đánh giá vai trò của các bên liên quan trong huy động sự tham gia của cộng đồng trong đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn tại vùng nghiên cứu

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

                                                                                                                   Nguồn: Trang Website Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam