Trạm bơm Thái Hạc, HTX Vũ Thuận là một trong số các trạm bơm vừa và nhỏ được chuyển giao cho địa phương quản lý ở tỉnh Thái Bình. Một trong những nguyên nhân trạm bơm hoạt động hiệu quả sau chuyển giao là có sự tham gia của người dân vào quản lý thuỷ nông, trong đó HTX nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong khâu tổ chức quản lý và điều hành, tăng lấy nước tự chảy, giảm thời gian bơm. Bài báo này trình bày kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động trạm bơm Thái Hạc sau chuyển giao và những kiến nghị trong quá trình thực hiện chuyển giao công trình thuỷ lợi cho địa phương quản lý.
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VẬN HÀNH TRẠM BƠM NHỎ SAU CHUYỂN GIAO QUẢN LÝ TƯỚI, NGHIÊN CỨU TẠI TRẠM BƠM THÁI HẠC, VŨ THUẬN, THÁI BÌNH
Ts. Đinh Vũ Thanh, Ts. Đoàn Doãn Tuấn, Ks. Trần Văn Dự
Hiện nay ở nước ta có 75 hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn, nhiều hệ thống thuỷ lợi nhỏ, trong đó có 2000 trạm bơm điện lớn và vừa có có công suất lắp máy 250MW cho tưới và 300 MW cho tiêu, cùng với hơn 755.000 máy bơm vừa và nhỏ do hợp tác xã và hộ nông dân mua sắm. Các doanh nghiệp, các tổ chức quản lý khai thác hệ thống trạm bơm, đặc biệt là hệ thống trạm bơm loại vừa và nhỏ, thường gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý, vận hành đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất. Vì nhiều máy bơm loại này nằm rải rác trong hệ thống thuỷ nông, mục tiêu quy hoạch ban đầu không rõ ràng, diện tích tưới tiêu nhỏ, manh mún, chi phí điện năng cao, hiệu quả tưới tiêu thấp. Nhiều nghiên cứu đánh giá cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sự quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, thiếu sự tham gia của người hưởng lợi.
Đứng trước thực trạng trên, gần đây nhiều địa phương đã tiến hành phân cấp công trình thuỷ lợi, chuyển giao cho địa phương quản lý, tiêu biểu là: Tuyên Quang, Lào Cai, và nhiều mô hình điểm về PIM ở các tỉnh khác như: Thái Nguyên, Nghệ An, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Bình Định, Bắc Giang, Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La, Ninh Thuận và Thái Bình. Năm 2007, Thái Bình thực hiện chủ trương phân cấp và chuyển giao các công trình thuỷ lợi cho địa phương quản lý, trong đó hệ thống các trạm bơm điện toàn tỉnh là: 1183 trạm bơm, số trạm bơm do nhân dân quản lý là 836 trạm, công ty thuỷ nông quản lý 347 trạm. Số trạm bơm chuyển giao cho địa phương quản lý là 285 trạm (phạm vi phục vụ 1thôn, xã). Các trạm bơm vừa và nhỏ được chuyển giao cho địa phương quản lý cho thấy nhiều hiệu quả về khâu quản lý vận hành như : tiết kiệm điện năng, công lao động, thời gian tưới …Bài báo này đánh giá hiệu quả hoạt động của trạm bơm Thái hạc sau chuyển giao, một trong những trạm bơm được chuyển giao cho địa phương quản lý ở Thái Bình.