ĐÀO TẠO TẬP HUẤN PIM VÀ O&M TẠI TỈNH HÀ GIANG

Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) do Ngân hàng Thế giới tài trợ theo Hiệp định Tài chính số 5352-VN kí kết ngày 24/4/2014 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới. Mục tiêu chính của dự án là Cải thiện sản xuất nông nghiệp có tưới tại một số tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi theo định hướng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục hoạt động quan trọng với mục đích nâng cao hiệu quả của dự án WB7, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Ban quản lý trung ương các dự án Thủy lợi phối hợp với cùng với Trung tâm tư vấn PIM và Ban quản lý dự án của các tỉnh trong khuôn khổ dự án tổ chức đào tạo, tập huấn về PIM và O&M cho các tổ chức thủy nông cơ sở tại tỉnh;

Hà Giang là một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc của nước ta với diện tích tự nhiên là 7.914,9 km2; dân số là 771.200 người (năm 2013). Nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh Hà Giang với các loại cây trồng chính là lúa, ngô, khoai, các loại đậu…Theo thống kê của chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang thì đến hết năm 2014 trên địa bàn toàn tỉnh có 3.713 công trình (37 hồ chứa nước); tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh đều phục vụ trong phạm vi xã và được giao cho các tổ chức quản lý thủy nông tại cơ sở quản lý.

Theo đánh giá chung trên địa bàn tỉnh Hà Giang thì hiện nay các tổ chức thủy nông cơ sở còn yếu cả về năng lực tổ chức quản lý và chuyên môn nghiệp vụ (kế toán, vận hành công trình thủy lợi), công trình thủy lợi không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên và khả năng phục vụ kém (thường thiếu nước trầm trọng vào mùa khô), công trình được xây dựng không hợp lý do một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu sự tham gia của người dân và người dân vẫn còn trông chờ ỷ lại. Chính vì vậy, Trung tâm tư vấn PIM và ban tổ chức đã xây dựng nội dung, chương trình, đào tạo tập huấn với mục tiêu nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý, khai thác công trình Thủy lợi và nâng cao năng lực cho các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở trong vận hành bảo dưỡng công trình thủy lợi. Cụ thể như sau
– Thành phần tham dự: Lãnh đạo UBND các xã, lãnh đạo và cán bộ của các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở (tổng số học viên tham dự 30 học viên)
– Thời gian khóa tập huấn: tháng 01/2015
– Địa điểm: Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang,
– Các nội dung trong khóa tập huấn
+ Quản lý tưới có sự tham gia của người dân (PIM) và chuyển giao quản lý tưới;
+ Khái niệm và quy trình thành lập, củng cố các tổ chức hợp tác dùng nước
+ Hướng dẫn xây dựng điều lệ/quy chế và phương pháp quản lý tài chính của các tổ chức hợp tác dùng nước;
+ Thể chế, chính sách trong quản lý khai thác công trình thủy lợi;
+ Quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi, lập kế hoạch phân phối nước;
+ Công nghệ tưới tiết kiệm nước, hiện đại hóa công trình Thủy lợi;
+ Quy hoạch thủy lợi nội đồng;

Ngoài ra, trong khóa tập huấn giảng viên còn hướng dẫn các học viên tham gia thảo luận và thực hành các kiến thức đã học như phương pháp đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, tổ chức quản lý có sự tham gia; lập kế hoạch phân phối nước; xây dựng quy chế hoạt động cho tổ quản lý thủy nông…và tham quan thực địa tại một số công trình và tổ chức quản lý trên địa bàn.

Kết quả đánh giá khóa đào tạo tập huấn đã cho thấy những tín hiệu rất đáng khích lệ, số học viên tham dự đầy đủ, đúng giờ và nghiêm túc. Thông qua phiếu đánh giá có thể thấy các học viên trong lớp học đã được nâng cao đáng kể các kiến thức về quản lý, khai thác, vận hành và bảo dưỡng các công trình Thủy lợi; quyết tâm đưa những kiến thức đó vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả phục vụ của các công trình Thủy lợi góp phần phát triển nông nghiệp của địa phương nói riêng và xây dựng nông thôn Hà Giang ngày một phát triển nói chung. Cũng trong khóa tập huấn, vui mừng với những kiến thức đã thu nhận được học viên Nông Văn Nghiêm đã sáng tác bài thơ “Tập huấn PIM” để vừa là để tặng lớp học vừa là để thể hiện quyết tâm đưa những kiến thức đã học vào thực tiễn quản lý, vận hành bảo dưỡng công trình thủy lợi trên địa bàn.