Phát triển thủy lợi nội đồng có sự tham gia của cộng đồng [1]

1. Sự tham gia của người dân trong quá trình phát triển thủy lợi

Trong những năm gần đây, sự tham gia của người dân trong phát triển thủy lợi (PIM) đã và đang được thể chế hóa bằng các văn bản pháp lý như: Khung chiến lược phát triển PIM năm 2004; Thông tư 75/2004/TT-BNN về Hướng dẫn thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước; Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn phân cấp quản lý công trình thuỷ lợi, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP của Chính Phủ… Việc tham gia của cộng đồng được thể hiện dưới các hình thức cơ bản là:

(1) Tham gia đóng góp công lao động để xây dựng công trình thủy lợi.

(2) Đóng góp kinh phí thông qua thủy lợi phí (TLP) để quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi: người dân thực hiện chính sách nộp TLP cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL). Tư năm 2008, thực hiện chính sách miễn thu TLP, người dân chỉ còn phải nộp TLP nội đồng.

Sự tham gia quản lý KTCTTL của người dân ngày càng được tăng cường thông qua việc thực hiện chính sách của Nhà nước về phân cấp, chuyển giao quản lý KTCCTL cho các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở (tổ chức dùng nước – TCDN).

2. Một số tồn tại, hạn chế trong phát triển thủy lợi có sự tham gia của người dân hiện nay

Sự tham gia của dân trong phát triển thủy lợi đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực quản lý khai thác, chưa coi trọng quản lý quy hoạch tổng thể,phát huy vai trò, quyền làm chủ của người dân để đảm bảo các công trình phát huy hiệu quả. Điều đó dẫn đến một số bất cậpnhư sau:

(1) Một số công trình thủy lợi nội đồng (TLNĐ) được xây dựng, phát triển không tuân theo quy hoạch tổng thể mang tính hệ thống do các TCDN chỉ quan tâm đến việc quản lý và phát triển trong hệ thống TLNĐ do họ quản lý.

(2) Trên 30% TCDN thiếu kinh phí dành cho việc duy tu, sửa chữa công trình. Kinh phí sửa chữa thường xuyên chiếm khoảng 34% tổng số chi phí của TCDN và TCDN chưa giải quyết triệt để vấn đề chống xuống cấp, duy trì năng lực thiết kế công trình.

(3) Người dân chưa được khuyến khích tham gia đầy đủ các giai đoạn của dự án từ quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng các công trình thủy lợi. Do vậy, nhiều công trình sau khi được đầu tư không phù hợp với nhu cầu sản xuất (ảnh).

(4) Hầu hết cán bộ, nhân viên của các TCDN không có chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là về quản lý khai thác, rất ít hoặc không được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Hầu hết cán bộ tham gia công tác theo nhiệm kỳ.

Cách làm mới trong phát triển thủy lợi nội đồng tại Gia Bình, Bắc Ninh

Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có tổng diện tích tự nhiên là 10.779,8 ha, trong đó có 6.923 ha đất SXNN và nuôi trồng thủy sản. Dân số nông thôn chiếm 92,8%. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn GDP lớn nhất với 37,9%; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 16,14 triệu đồng.

Khu tưới Gia Bình thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, được xây dựng từ khoảng 50 năm trước nên hiện bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là hệ thống TLNĐ. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại này bao gồm tác động của thời gian, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất… Bên cạnh đó, tổ chức quản lý TLNĐ là các HTX nông nghiệp cấp thôn, có quy mô nhỏ, trình độ và hiệu quả quản lý thấp.

Để giúp khắc phục những tồn tại trên, Cơ quan Phát triển Pháp (AfD) đã trợ giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình “Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình”.

Phương pháp “Dưới lên-Trên xuống” đã được áp dụng trong tất cả các bước của quy trình ra quyết định của chương trình. Cụ thể là:

Về mặt tổ chức, quản lý: Để quản lý hiệu quả hệ thống TLNĐ, bên cạnh việc củng cố và nâng cao năng lực cho các HTXNN, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là cải thiện quy trình ra quyết định đầu tư nâng cấp các công trình TLNĐ.Ban phát triển thủy lợi địa phương, gồm 2 cấp xã và huyện, được thành lập nhằm:

–   Tham mưu cho chính quyền trong xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất; kế hoạch phát triển và quản lý  khai thác hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn phù hợp với thực tiễn;

–   Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện kế hoạch sản xuất và phát triển thủy lợi;

–   Quản lý quỹ đầu tư phát triển TLNĐ trên địa bàn thông qua việc lựa chọn các công trình cần đầu tư xây dựng cũng như ưu tiên củng cố tổ chức quản lý trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, công bằng nhưng không dàn trải, việc lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên công trình được thực hiện trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm dựa trên 5 chỉ tiêu đã được người dân và các thành viên Ban phát triển thủy lợi thống nhất, gồm: (1) Suất đầu tư; (2) Tỷ lệ đồng thuận; (3) Diện tích phục vụ; (4) Số địa phương hưởng lợi; (5) Lợi ích khác (như tiết kiệm điện bơm, công nạo vét,…).

Sau khi các HTXNN họp dân để đề xuất các công trình cần đầu tư, Ban phát triển thủy lợi các xã đã tiến hành họp để rà soát, đánh giá từ hơn 300 công trình để chọn ra 155 công trình với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng (cao gấp 1,6 lần kinh phí hiện có) để đề xuất lên cấp huyện.

Sau khi tiếp nhận đề xuất, Ban huyện tổ chức họp và dựa trên nguồn kinh phí hiện có, hiệu quả đầu tư đã thống nhất sơ bộ lựa chọn 90 công trình có khả năng phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất (giảm khoảng 42%).

Kết quả đánh giá này tiếp tục được bàn bạc, thảo luận tại các xã với sự tham gia của đại diện các hộ sử dụng nước để từng bước hoàn thiện đề xuất và lựa chọn được danh mục công trình ưu tiên phù hợp với nguồn vốn.

4. Bài học kinh nghiệm

Để phát huy hiệu quả sự tham gia của người dân trong phát triển thủy lợi ở địa phương, trong quá trình thực hiện cần lưu ý các vấn đề sau:

Một là: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý và phát triển thủy lợi có sự tham gia, đồng thời giúp người dân có đủ khả năng, hiểu biết để đề xuất chính xác các công trình phù hợp với yêu cầu sản xuất của họ;

Hai là: Lồng ghép Ban phát triển thủy lợi địa phương với Ban chỉ đạo sản xuất các cấp để đảm bảo tính thống nhất trong việc phát triển thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất. Ban phát triển thủy lợi có thể hoạt động bền vững ngay cả khi không có dự án và chưa có chế độ phụ cấp như hiện nay;

Ba là: Ban phát triển thủy lợi địa phương có sự kết hợp giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn và đại diện người dân đảm bảo tính dân chủ trong việc ra quyết định, nhận được sự đồng thuận lớn của người dân đồng thời Nhà nước vẫn quản lý được sự phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương.