Ngày 16/6/2020, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm thu cấp cơ sở Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển đồng bằng sông Cửu Long” do PGS.TS. Trần Chí Trung – Trung tâm PIM chủ nhiệm.
Báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện đề tài, Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Trần Chí Trung cho biết: Hệ thống đê biển vùng ĐBSCL có chiều dài trên 700km đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ cuộc sống và sản xuất của các tỉnh ven biển. Những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng ven biển. Một số đoạn đê có vị trí nằm trực diện với biển do tình trạng xói lở, suy thoái rừng ngập mặn, dẫn đến đê chưa đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai, trước nước dâng do gió bão, triều cường. Hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ ngoài hệ thống đê bao gồm hệ thống kè bờ, kè giảm sóng gây bồi tạo bãi, kè mềm giảm sóng kết hợp khôi phục rừng ngập mặn là các công trình chống đỡ, công trình bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, do xói lở và các hoạt động khai thác dải ven biển mạnh mẽ, xu thế mất rừng ngập mặn ven biển đã uy hiếp mạnh đến hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ biển vùng ĐBSCL.
PGS.TS. Trần Chí Trung – Chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng
Dải rừng ngập mặn không chỉ có vai trò về hệ sinh thái mà còn có vai trò như bức tường mềm bảo vệ cho hệ thống đê biển. Rừng ngập mặn chiếm khoảng 3,8% tổng diện tích đất tự nhiên các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ ven biển có tác dụng chắn gió, chắn sóng giảm tác hại của triều cường, sóng biển gây ra. Tuy diện tích rừng ngập mặn khá lớn nhưng phân bố không đồng đều nên luôn chịu sự tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, sóng biển, dòng chảy hải lưu… Những năm gần đây, RNM ở các tỉnh ĐBSCL có dấu hiệu suy giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau như cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư của nhà nước còn phân tán và chưa đủ mạnh để tạo thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng; công tác quản lý, sử dụng rừng ven biển thời gian qua còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng xâm lấn, chuyển đổi rừng ngập mặn để canh tác nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và sử dụng đất vào mục đích khác vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi; Các hoạt động khai thác, chặt phá rừng ngập mặn quá mức nhất là nạn chặt phá rừng để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản ven rừng; ý thức bảo vệ, quản lý và phát triển rừng của một bộ phận dân cư còn thấp dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản…
Bên cạnh đó, năng lực của cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản bền vững cũng, quy trình, biện pháp kỹ thuật để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng còn hạn chế nên thực hiện giao khoán rừng cho các hộ gia đình chưa phát huy được hiệu quả. Các nghiên cứu mô hình quản lý rừng kết hợp sinh kế bền vững mới dừng ở các mô hình điểm và các mô hình này tuy đã đạt được một số hiệu quả nhất định như góp phần ổn định diện tích rừng ven biển, góp phần hạn chế tác hại của thiên tai, biến đổi khí hậu tuy nhiên lại chưa được nhân rộng.
Từ những phân tích trên, Chủ nhiệm đề tài cho rằng nghiên cứu quản lý bền vững dải ven biển là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ, khôi phục và phát triển hệ thống rừng ven biển, sử dụng đất một cách hiệu quả, cân bằng được các hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số kết quả như đã đánh giá được thực trạng và đề xuất cơ chế chính sách, mô hình quản lý cơ sở hạ tầng đê biển; Đánh giá thực trạng và đề xuất cơ chế chính sách, mô hình quản lý bền vững rừng ngập mặn ven biển; Đánh giá được thực trạng và đề xuất cơ chế, giải pháp quy hoạch sử dụng đất ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, Đề tài đã xây dựng thành công 03 mô hình thí điểm cơ chế quản lý bền vững là (1) Mô hình Tổ tự quản bảo vệ rừng phòng hộ và ANTT ở xã Long Điền Đông, Bạc Liêu, (2) Mô hình Đồng quản lý rừng phòng hộ và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B ở xã Vĩnh Hải, Sóc Trăng và (3) Mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế ở ấp Xẻo Lá A ở xã Tân Thạnh, Kiên Giang. Các mô hình đại diện cho vùng biển Đông và biển Tây, trong đó mô hình Tổ tự quản bảo vệ rừng phòng hộ và ANTT ở xã Long Điền Đông (Bạc Liêu) gắn với mô hình sinh thái của đề tài “Nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long”. Các mô hình này là được thành lập theo cách tiếp cận quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững. Các mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng đã khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững, nhờ đó đã góp phần cải thiện được mối quan hệ hợp đồng giao khoán giữa Ban quản lý rừng phòng hộ và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo động lực cho các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng gắn bó với rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng…
GS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Chủ tịch Hội đồng – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại buổi họp
Phát biểu tại buổi họp, thay mặt Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Chủ tịch Hội đồng – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết Đề tài đã đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt. Đề tài đã đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng nghiên cứu bằng nhiều văn bản, đưa ra được các tiêu chí lựa chọn địa điểm, xây dựng các mô hình quản lý bền vững dải ven biển, đã đánh giá hiệu quả của mô hình quản lý bền vững dải ven biển… Báo cáo tổng kết chi tiết, rõ ràng, đã đề cập được các vấn đề liên quan trong khuôn khổ đề tài, tổng quan được nhiều tài liệu, đề tài, dự án đã nghiên cứu trong và ngoài nước, số liệu đánh giá thực trạng phong phú; mục tiêu của đề tài cụ thể rõ ràng; các phương pháp nghiên cứu phù hợp; vượt 01 mô hình so với đề cương được duyệt.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài xem xét bổ sung thêm vào tổng quan dự án GES, văn bản chấp thuận của địa phương đối với hướng dẫn quản lý bền vững dải ven biển, hình ảnh minh họa phạm vi nghiên cứu, định nghĩa khoa học về vùng ven biển ,ranh giới của vùng ven biển, cơ sở hạ tầng vùng ven biển; các mô hình điển hình về quản lý bền vững dải ven biển của các nước cần được bổ sung; tham khảo các mô hình quản lý tổng hợp đới bờ của Việt Nam và các nước Đông Nam Á; làm rõ hơn mô hình đề xuất, phân tích rõ vai trò, sự tham gia và lợi ích của cộng đồng trong mô hình quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng; cần chỉ rõ những chính sách, cơ chế và mô hình quản lý cơ sở hạ tầng, rừng ngập mặn, đất ngập nước phù hợp hay không phù hợp với điều kiện vùng ven biển ĐBSCL để lầm cơ sở cho nghiên cứu tiếp theo của đề tài; tập trung phân tích một số chính sách cụ thể và có tính khả thi trong phần đề xuất cơ chế, công cụ chính sách; cập nhật số liệu gần nhất về rừng ngập mặn…
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để nghiệm thu chính thức.
Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Nguồn: Báo điện tử Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam