Đổi mới nông nghiệp để giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam

Đổi mới nông nghiệp để giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam là vấn đề cấp thiết được đặt ra tại Lễ Công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2008 tiêu đề ‘Tăng cường Nông nghiệp cho Phát triển’ sáng 11/12 tại Hà Nội do Ngân hàng Thế giới và Bộ NN&PTNT tổ chức.

Báo cáo phát triển thế giới 2008  tập trung trả lời ba câu hỏi lớn: Nông nghiệp có thể đóng góp gì cho phát triển? Đâu là những công cụ hữu hiệu để sử dụng nông nghiệp cho phát triển; và Làm thế nào để thực hiện có hiệu quả nhất chương trình nông nghiệp cho phát triển?

Bản báo cáo cho rằng, nông nghiệp có thể là con đường thoát đói nghèo cho hàng triệu người ở khu vực nông thôn mà nếu không có thì họ sẽ bị tụt hậu trong các nền kinh tế đang chuyển đổi. Một cách xóa đói nghèo là thông qua các cuộc cách mạng nông nghiệp giá trị cao. Các chuyên gia kinh tế nhận định, GDP tăng từ sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập của người nghèo từ 2 đến 4 lần so với GDP tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp. Trong những năm tới, nông nghiệp vẫn tiếp tục là công cụ chính cho sự phát triển bền vững và giảm nghèo ở Việt Nam.

 

Theo ông Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách chiến lược NN&PTNT, Bộ NN&PTNT, nông nghiệp luôn là lĩnh vực mở đầu cho những chính sách Đổi mới của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tài nguyên đất và nước của Việt Nam đang tới hạn. Trong 20 năm qua, 300 nghìn ha đất trồng lúa đã mất đi do quá trình công nghiệp hóa và nhiều nguyên nhân khác. Thậm chí, con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều.

 

Ông Sơn cho rằng, cùng với lạm phát tăng nhanh, gánh nặng cán cân đang đè lên vai nông nghiệp và nông dân, đặc biệt là người nghèo ở nông thôn. Làm sao trợ lực cho hơn 10 triệu nông dân nghèo sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang nền nông nghiệp mới quy mô lớn, mở rộng kinh tế hợp tác? Làm sao để đảm bảo 70% người lao động nông thôn không bị bỏ rơi trong quá trình công nghiệp? Đó là những câu hỏi lớn đối với các nhà hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Hiện nay mức độ bảo hộ nông nghiệp ở nước ta còn ít, vốn thấp, đầu tư công cũng hạn chế, chưa tạo ra nhiều những thay đổi. Do vậy, bài toán an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Sơn, trong nhiều trường hợp, lương thực không phải là hàng hóa bình thường mà phải được xem xét dưới góc độ cung cấp dịch vụ cơ bản.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama cho rằng, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam cho đến nay đã đem lại lợi ích cho cả vùng đô thị và nông thôn. Năm 1993, có tới 2/3 số dân nông thôn được coi là nghèo, ngày nay, con số này giảm xuống chỉ còn 1/5. Tuy nhiên, ông Martin Rama nhận định, hiện nay, Việt Nam chuẩn bị bước vào vị thế là nước có mức thu nhập trung bình và cao hơn, do vậy, việc cải thiện năng suất nông nghiệp và tạo cơ hội cho người nghèo ở nông thôn và các dân tộc thiểu số là cần thiết để không ai bị bỏ rơi.”

 

Thực tế hiện nay ở châu Á và các nước, xu hướng bảo hộ trong nông nghiêp đang tăng nhanh. Ví dụ, Trung Quốc thực hiện chính sách bảo hộ nông nghiệp mạnh mẽ với áp dụng thuế cao hoặc mức giá cả giúp người sản xuất và tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông nghiệp với giá thích hợp. Ở các nước khác, Chính phủ áp dụng quy chế hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm và chính sách trợ giá liên quan đến người nghèo hỗ trợ tiêu dùng. Đó cũng là thách thức cho Việt Nam. Riêng Việt Nam, bảo hộ trong nông nghiệp chiếm khoảng 20% và chủ yếu đối với sản phẩm mía đường.

 

Theo Báo cáo phát triển của Ngân hàng Thế giới, hiện nay, hỗ trợ cung cấp hàng hóa công ích của Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam chỉ đầu tư 0,13% GDP nông nghiệp cho nghiên cứu và phát triển, trong khi mức trung bình ở các nước có nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp là 4%. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn và tốt hơn vào các hàng hóa công ích, bao gồm nghiên cứu phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng, các kỹ năng và phát triển thể chế.

 

Ông Derek Byerlee, đồng tác giả bản Báo cáo phát triển thế giới 2008 nhấn mạnh, Việt Nam cần một hệ thống khuyến nông tốt. Không thể chỉ trông chờ ở Chính phủ, ở các tổ chức quốc tế mà cần có một cơ chế để tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ tiến hành cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, chương trình đào tạo cho nông dân. Việt Nam cần phải vượt lên trên cuộc Cách mạng xanh, phát triển một nền nông nghiệp mới có giá trị cao, đặc biệt, đầu tư phải đúng và tập trung, chọn lựa các lĩnh vực cần thiết chứ không phải là đầu tư nhiều.

 

Về phần mình, Ngân hàng Thế giới đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn trên toàn thế giới. Năm tài khóa 2007, khoản cam kết cho nông nghiệp đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng liên tiếp trong vòng 4 năm.

(Kim Liên – Báo Thương Mại)
Bài viết trước đó pim