ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC CHO CÂY SẦU RIÊNG Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC

Tác giả: Th.S. Uông Huy Hiệp

1. Giới thiệu

Bình Phước là tỉnh có thế mạnh về phát triển cây trồng lâu năm bao gồm cây công nghiệp và cây ăn quả. Trong những năm trở lại đây cây sầu riêng đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh. Đối với cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng ở tỉnh Bình Phước được giới thiệu qua các mô hình áp dụng từ nhiệm vụ: “Xây dựng thí điểm mô hình hỗ trợ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi phục vụ cây trồng có giá trị kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước” do Trung tâm tư vấn PIM thực hiện từ tháng 4-12 năm 2020.

Các mô hình được lựa chọn tại xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước bao gồm 2 mô hình hỗ trợ đầu tư công trình tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng thương phẩm và sầu riêng non

Bảng 1. Giới thiệu về các mô hình

TT Công trình Nhiệm vụ/Quy mô
1 Mô hình 1 : Công trình tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng thương phẩm Tưới tiết kiệm nước cho 2,5 ha cây sầu riêng thương phẩm của 3 hộ gia đình
2 Mô hình 2: Công trình tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng non Tưới tiết kiệm nước 5,5ha cây sầu riêng non của 5 hộ gia đình
  1. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng

2.1. Sơ đồ công nghệ tưới tiết kiệm nước áp dụng tại các khu mô hình

a.Sơ đồ công nghệ 1: Sử dụng máy bơm, động cơ diesel lấy nước từ ao, hồ, suối bơm trực tiếp vào hệ thống tưới.

– Các hạng mục chính của công trình tưới tiết kiệm nước: trạm bơm, lọc tại ống hút máy bơm, hệ thống đường ống và thiết bị tưới tiết kiệm nước.

– Sơ đồ công nghệ được áp dụng tại các vị trí không có nguồn điện, hoặc nguồn điện xa vị trí đặt trạm bơm, chí phí sử dụng điện lưới lớn và khu tưới có địa hình dốc

Hình 1. Sơ đồ công nghệ sử dụng máy bơm, động cơ diesel lấy nước từ ao, hồ, suối bơm trực tiếp vào hệ thống tưới

b.Sơ đồ công nghệ 2: Khai thác nước ngầm cấp nước lên bể chứa, sử dụng máy bơm cấp 2 bơm nước vào hệ thống tưới.

– Các hạng mục chính của công trình tưới tiết kiệm nước: Máy bơm giếng khoan, máy bơm cấp 2 (bơm điện, bơm dầu),  bể chứa nước, hệ thống đường ống và thiết bị tưới tiết kiệm nước.

– Áp dụng tại các khu tưới có vị trí xa nguồn nước, quy mô giếng khoan nhỏ, diện tích tưới từ 1-3ha, máy bơm khai thác nước ngầm không đủ lưu lượng và cột nước cấp nước cho hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Hình 2. Sơ đồ công nghệ khai thác nước ngầm cấp nước lên bể chứa và sử dụng máy bơm cấp 2 bơm nước vào hệ thống

c.Sơ đồ công nghệ 3: Sử dụng máy bơm, động cơ diesel lấy nước từ ao, hồ thông qua hệ thống lọc cấp nước cho hệ thống tưới kết hợp với bón phân

– Các hạng mục chính của công trình tưới tiết kiệm nước: trạm bơm, hệ thống lọc, bộ châm phân, hệ thống đường ống và thiết bị tưới tiết kiệm nước.

– Sơ đồ công nghệ được áp dụng tại các vị trí không có nguồn điện, địa hình dốc, diện tích tưới từ 0,5 – 1ha, nguồn nước có nhiều cặn, tạp chất lửng dễ gây tắc vòi phun

Hình 3. Sơ đồ công nghệ sử dụng máy bơm, động cơ diesel lấy nước từ ao, hồ, bơm vào hệ thống tưới thông qua hệ thống lọc kết hợp bón phân

Bảng 2. Sơ đồ công nghệ được áp dụng tại các mô hình tưới

TT

Mô hình

Áp dụng sơ đồ công nghệ
1 Mô hình 1: Xây dựng công trình tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng thương phẩm (3 hộ gia đình) Sơ đồ công nghệ 1 và 2
2 Mô hình 2: Xây dựng công trình tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng non (4 hộ gia đình) Sơ đồ công nghệ 1, 2, 3

2.2. Thiết bị tưới

1) Lựa chọn vòi phun mưa

Trên thị trường hiện nay có nhiều hãng vòi tưới như của Israel, Úc, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan… Căn cứ theo tiêu chuẩn TCVN 9170 – 2012, kết quả đánh giá hiện trạng sử dụng, chất lượng vòi tưới, mức độ sử dụng phổ biến và mức độ thuận tiện cho người dân trong giai đoạn đầu sử dụng, các loại vòi được lựa chọn cho khu tưới gồm 2 loại vòi (1) vòi Meganet Blue của Israel và (2) Vòi tưới bù áp Supernet 110 l/h của Israel . Thông số kỹ thuật của các vòi được lựa chọn như sau:

Bảng 3. Lựa chọn vòi phun mưa phù hợp cho các mô hình

TT Mô hình Loại vòi phun Áp lực đầu vòi Pđầu vòi (bar) Lưu lượng vòi phun Q (l/h) Bán kính phun mưa R (m) Độ đồng đều (CU)
1 Mô hình 1 Meganet xanh 2,5 bar 450 7-9 ³ 90%
2 Mô hình 2 Supernet 1,5 -2 bar 110 3-3,5 ³ 90%

Kiểm tra tỷ số H/d đối với vòi bù áp Supernet H/d = 11.000 và vòi Meganet H/d=12.500 đều có giá trị lớn hơn 2.500 phù hợp với cây ăn quả.

 

Hình 4. Vòi phun lựa trọn áp dụng trong xây dựng mô hình

2) Bố trí vòi phun mưa

– Phương án bố trí vòi phun phải đảm bảo các yếu tố sau đây:

+ Cường độ phun mưa đảm bảo hệ số tưới.

+ Độ đồng đều cao: theo TCVN 9170 – 2012, độ đồng đều phải lớn hơn 85%

+ Thuận lợi cho canh tác và cơ giới hóa đồng ruộng;

+ Tiết kiệm chi phí đầu tư;

+ Thuận lợi cho việc quản lý vận hành;

+ Tham khảo khuyến cáo của nhà sản xuất

– Dựa vào các điều kiện trên, lựa chọn phương án bố trí vòi phun như sau:

+ Đối với diện tích sử dụng tưới phun mưa tầm thấp áp lực trung bình:

Hình 5. Bố trí vòi phun mưa

Ghi chú:

– a: Khoảng cách giữa 2 ống tưới (hàng cách hàng)

– b: Khoảng cách giữa 2 vòi tưới (vòi x vòi)

R là bán kính phun

+ Đối với diện tích sử dụng tưới phun mưa gốc áp lực thấp, bố trí vòi phun mưa tại vị trí các gốc cây đảm bảo đường kính tưới phủ kín phần dễ cây. Trong thời đoạn cây còn non nhỏ hơn 2 năm, vòi phun được bố trí thêm góc chắn đảm bảo tập trung lượng nước tối đa vào gốc cây.

Bảng 4. Bố trí khoảng cách ống tưới và vòi phun

TT Vòi phun a b Ghi chú
1 Supernet Bố trí theo các gốc cây

 

– Áp dụng với cây sầu riêng non

– Bố trí các vòi phun ở gốc cây đảm bảo đường kính phun phủ kín phần dễ cây.

– Đối với cây sầu riêng non nhỏ hơn 2 năm tuổi bố trí thêm góc chắn đảm bảo tập trung lượng nước tối đa vào gốc cây.

2 Meganet 7-8 m 7-8 m – Áp dụng đối với cây sầu riêng thương phẩm.

– Bố trí các vòi phun mưa với khoảng cách 7x7m hoặc 8x8m theo khoảng cách canh tác giữa các cây sầu riêng,

Hình 6. Bố trí vòi phun Supernet tại vị trí gốc cây

Hình 7. Bố trí vòi phun Supernet tại vị trí gốc cây có sử dụng chắn góc phun

Hình 8. Bố trí vòi phun Meganet 450l/h

3) Bố trí đường ống:

Căn cứ hiện trạng cây trồng, ranh giới khu tưới, giải pháp vận hành công trình sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, phương án bố trí hệ thống đường ống trong các công trình tưới TKN như sau:

+ Loại được ống lựa chọn là ống PVC có đường kính từ D90 – D21, áp lức từ 8bar – 10bar.

+ Chiều cao ống nối vòi được bố trí tại mỗi gốc cây hoặc nằm trên đường ống tưới có độ cao so với mặt đất canh tác từ 10 – 15 cm.

+ Đường ống tưới chạy theo các đường đồng mức, khoảng cách các đường ống tưới từ 8 -10m. Tại đầu các đường ống tưới có bố trí van điều tiết để kiểm soát lưu lượng và áp lực đầu vòi;

+ Đường ống phân phối: Bố trí đảm bảo cấp nước đến các đường ống tưới theo các ô tưới. Tại mỗi đường ống phân phối có bố trí van điều tiết để vận hành tưới luân phiên hoặc chủ động cấp nước theo điều kiện sản xuất thực tế. Vị trí đặt các van đặt ở gần các đường đi lại hoặc vị trí thuận tiện cho công tác vận hành.

+ Đường ống chính, ống nhánh: Đường ống đảm bảo cấp nước tới các ô tưới theo các đường ống phân phối nước. Tuyến ống chính, ống nhánh thường bố trí đi giữa 2 ô tưới hoặc ở đầu các ô tưới tùy từng trường hợp

Hình 9. Bố trí, lắp đặt đường ống

4) Hiệu quả:

Các mô hình tưới tiết kiệm nước được xây dựng xong vào tháng 10/2020. Thời gian này cây sầu riêng ít cần tưới. Hiệu quả ban đầu được xác định qua một số lần tưới thử nghiệm và đánh giá của các hộ sử dụng nước: Năng suất cây trồng tăng 14-15%, tiết kiệm được 37,8-46% lượng nước sử dụng so với biện pháp tưới thông thường, tiết kiệm được 46,7-58,3% chi phí nhân công thực hiện tưới.

  1. Kết luận, khuyến nghị

Các giải pháp về công nghệ tưới TKN cho cây sầu riêng được áp dụng linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế như điều kiện địa hình khu tưới (vùng bằng phẳng, vùng đồi dốc), điều kiện nguồn nước (hồ chứa, ao trữ, khoan giếng cấp nước lên bể) trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Khuyến nghị áp dụng các sơ đồ công nghệ, thiết bị tưới và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng thương phẩm và cây sầu riêng non trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh có điều kiện tương tự vùng Đông Nam Bộ.