Thời gian qua nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi phải giải quyết ngay. Tuy nhiên theo tôi, còn một vấn đề bức xúc không kém mà lâu nay chưa hay ít được bàn tới là, các chính sách cho khu vực này thiếu hay đủ, còn cập nhật hay đã lỗi thời? Bởi đây là nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất, nếu không nói là chủ yếu tạo ra “bức tranh” nông thôn hiện nay.
Nguồn : Báo Nông nghiệp |
||||
Trong hơn 20 năm đổi mới, thực hiện CNH-HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có thể chia thành 2 loại chính sách dựa theo tiêu chí “cởi trói” và “thúc đẩy” để chuyển từ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 1. Những chính sách mang tính “cởi trói” đương nhiên đi vào cuộc sống một cách “tự nhiên” nhất, nhanh nhất, được thực thi đầy đủ nhất, hiệu quả nhất, ngay cả khi mới chỉ ở dạng văn bản của Đảng, chưa được Nhà nước thể chế hóa thành luật pháp. Điển hình là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ban hành tháng 4/1988 về “đổi mới quản lý nông nghiệp” với nội dung quan trọng nhất là thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ trong SXNN, khôi phục lại vị thế vốn có từ bao đời nay của kinh tế hộ nông dân, đã bị xóa bỏ trong suốt 30 năm tập thể hóa nông nghiệp, coi HTX dựa trên chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất và các TLSX khác, là đơn vị sản xuất và phân phối theo kế hoạch. Còn các nội dung khác, rất toàn diện của Nghị quyết này ít khi được nhắc đến (!?) Điển hình quan trọng thứ hai là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) và các Nghị quyết sau đó của Đảng thừa nhận nền kinh tế thị trường như nó đã vốn có bao đời nay, xóa bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ”, để hàng hóa trong đó có nông sản được tự do buôn bán, không phân biệt chủ thể (quốc doanh hay dân doanh), không giới hạn qui mô và địa giới hành chính. Đó là 2 ví dụ điển hình nhất của chính sách “cởi trói”, khôi phục lại bản chất vốn có của hoạt động kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Để ban hành những chính sách “cởi trói” người ta chỉ cần lương tâm và lòng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận cái gì vốn có của đời sống kinh tế theo tinh thần “của César hãy trả lại cho César”. Hơn nữa, thực tiễn “xé rào” đã buộc những nhà hoạch định chính sách phải hành động “mở khóa” cho cái “lò xo” bấy lâu bị ép chặt và do đó, cái “lò xo” này sẽ tự bật lên hết cỡ để trở về trạng thái vốn có ban đầu của nó, mà không cần bất kỳ một tác động nào khác đối với nền kinh tế. Nhưng cũng vì lập tức “bật trở lại” vị thế ban đầu mà nền kinh tế không thể tạo ra khả năng phát triển mới về chất. 2. Những chính sách “thúc đẩy” thì hoàn toàn khác hẳn với chính sách “cởi trói”. Với vai trò thúc đẩy sự phát triển, với chất lượng mới cao hơn, nó phải được hoạch định có căn cứ khoa học và thực tiễn, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách không chỉ có lương tâm và lòng dũng cảm mà điều quan trọng hơn là phải có trí tuệ. Trí tuệ được thể hiện bằng sự hiểu biết thấu đáo lý luận, kinh nghiệm nước ngoài và khả năng vận dụng lý luận, kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn Việt Nam để phân tích thực trạng, phát hiện vấn đề nảy sinh trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân- nguyên nhân của chúng và đề xuất giải pháp khả thi. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà hoạch chính sách còn phải hiểu biết các quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Sau nữa là năng lực thực thi chính sách của bộ máy công quyền và đội ngũ công chức. Mặt khác, thực tiễn luôn luôn thay đổi và phát triển, nên chính sách cũng phải thay đổi để thích ứng. Do đó, các nhà hoạch định chính sách còn phải luôn tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiểu biết lý luận và kinh nghiệm quốc tế để đổi mới chính sách và bảo đảm tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả của chính sách. Chính sách thiếu sức sống lâu dài Nhìn vào thực trạng hoạch định và thực thi chính sách phát triển nông thôn hiện nay, người ta có thể thấy rất nhiều vấn đề nảy sinh. 1. Sau một thời gian ban hành và thực thi một chính sách nào đó, kể cả Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) về đổi mới quản lý nông nghiệp, chúng ta cũng chưa tổ chức việc đánh giá độc lập do các nhà chuyên gia thực hiện để xác định tác động và hiệu quả của chính sách, mức độ đạt mục tiêu đã đề ra, các tác động tiêu cực và nguyên nhân của nó, sự không còn phù hợp của chính sách so với thực tiễn KTXH đang phát triển, trên cơ sở đó chỉnh sửa hay ban hành chính sách mới, thay thế chính sách cũ lỗi thời, chấn chỉnh việc thực thi nếu chính sách đúng, phù hợp nhưng không được thi hành nghiêm chỉnh do bộ máy công quyền và công chức thiếu năng lực và trách nhiệm, hay bị các nhóm lợi ích cục bộ chi phối. 2. Chưa có một chính sách nào được ban hành dựa trên kết quả nghiên cứu của một đề tài khoa học. Mặc dù trong thời gian qua, rất nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được thực hiện, nghiệm thu, với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Dường như quá trình ban hành chính sách của bộ máy công quyền và quá trình nghiên cứu khoa học của giới học thuật là “2 đường thẳng song song”. Việc nghiên cứu khoa học về KTXH nông thôn, về nông nghiệp, nông dân chưa được coi là một khâu bắt buộc trong quá trình ban hành chính sách. Chỉ đến khi nảy sinh những bức xúc, các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng gay gắt, các nhà hoạch định chính sách mới vào cuộc và ban hành các chính sách mang nặng tính chất xử lý tình huống và bị động. Nhiều dự báo khoa học đã được công bố trước đây 5- 7 năm rồi, nay do thực tiễn nóng bỏng bức xúc, các nhà hoạch định chính sách mới ngộ ra, nhưng lại tưởng chính mình là người đầu tiên “tìm ra châu Mỹ”.
+ Khi nông dân bị mất đất, nhất là đất “thượng đẳng điền, bờ xôi ruộng mật” để làm KCN, KĐT, sân golf, không có công ăn việc làm, bị bần cùng hóa, tạo ra xung đột xã hội nghiêm trọng, báo, đài phản ánh bằng các phóng sự gây xúc động lòng người, các nhà hoạch định chính sách mới vào cuộc, vội vã ban hành các lệnh “cấm” theo kiểu hành chính, hoặc xử lý trường hợp đặc biệt bằng cơ chế “xin- cho”, “phải được cấp có thẩm quyền, thậm chí là Thủ tướng phê duyệt”. Cơ chế “xin- cho” là mảnh đất màu mỡ sinh ra “văn minh phong bì” thay cho văn minh lúa nước như là “nét văn hóa ứng xử” trong quan hệ giữa người dân, DN với công chức của bộ máy công quyền. + Đất lúa bị mất hàng trăm ngàn hecta để làm sân golf, KCN, giá lương thực trên thị trường thế giới tăng đột biến, để đảm bảo ANLT quốc gia, lệnh tạm thời dừng XK gạo được ban hành vào đầu năm 2008. Đó cũng là một điển hình của việc xử lý tình huống của các nhà hoạch định chính sách. Nông dân bị thiệt kép do bán lúa với giá thấp và mua vật tư nhập khẩu như phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu với giá cao. Các Cty kinh doanh lương thực đã lỡ mua gạo dự trữ để XK nay phải chịu chi phí lưu kho và trả lãi ngân hàng. Thái Lan “một mình một chợ” trên thị trường lúa gạo thế giới, bán được giá quá cao khoảng 1.200 USD/tấn gạo. Đáng lý ra, Cục Dự trữ quốc gia xuất tiền ngân sách, thuê một số Cty lương thực mua đủ số gạo dự trữ tối đa đủ dùng trong 3 tháng. Sau đó, việc XK lúa gạo vẫn diễn ra bình thường thì nông dân và DN kinh doanh lúa gạo sẽ không bị thiệt. + Khi báo chí phát hiện các làng ung thư, các dòng sông chết, gây bàng hoàng cho cả xã hội thì bộ máy công quyền mới vào cuộc nhưng không thể xử lý triệt để vấn đề đã nảy sinh. Các DN nước ngoài thích đầu tư vào Việt Nam vì giá phải trả cho việc bảo vệ môi trường quá rẻ, thậm chí bằng “0”. Họ đã biến nước ta thành bãi thải công nghiệp khổng lồ của thế giới.
+ Khi báo chí lên tiếng về việc nông dân bị thu qúa nhiều khoản phí, giật mình các nhà hoạch định chính sách đã vội xử lý bằng việc miễn thủy lợi phí cho nông dân mà không biết rằng làm thế là “lợi bất cập hại”. Thực tế phổ biến là nông dân vẫn không được miễn khoản thu này. Khó thực hiện vì chính sách này thiếu cơ sở khoa học. Người ta chỉ nên miễn giảm các khoản đóng góp của nông dân từ thu nhập – đầu ra của quá trình sản xuất để vừa nâng cao mức sống cho họ, vừa bảo đảm sự công bằng giữa cư dân nông thôn và thị dân, như các khoản xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống truyền tải điện, quỹ an ninh quốc phòng, bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai… Còn các chi phí thuộc đầu vào của quá trình sản xuất như tiền mua giống, phân bón, dịch vụ tưới- tiêu nước…người sản xuất phải đầu tư, mới không làm méo mó thị trường. Mặt khác, phải bỏ tiền mua vật tư, dịch vụ đầu vào, người sản xuất mới tiết kiệm sử dụng, người cung ứng mới có trách nhiệm và điều kiện tài chính thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”. Nếu theo logic này, Nhà nước phải miễn cho nông dân cả tiền mua giống, phân bón, thuốc cho cây trồng, vật nuôi thậm chí cả tiền thuê dịch vụ làm đất, thu hoạch nông phẩm(?). Khi không phải trả thủy lợi phí, nông dân phải xin “Công ty thủy nông” tưới và tiêu nước. Công ty thủy nông phải xin cơ quan tài chính cấp vốn hoạt động, mà vốn thường cấp vừa thiếu vừa không kịp thời. Khi đó, người nông dân phải “biết điều” đưa phong bì cho người có trách nhiệm của Công ty thủy nông, còn Công ty thủy nông cũng phải “biết điều” với cơ quan tài chính để nhận được vốn kịp thời. Trong điều kiện luôn mất cân bằng thu-chi và bội chi ngân sách, lạm phát như hiện nay, việc cấp vốn cho Công ty thủy nông lại càng khó khăn, không thu thuỷ lợi phí họ sẽ không có vốn để tu bổ, nạo vét kênh mương, sửa chữa máy bơm, trả tiền điện…(Còn nữa) |
||||
GS.TS VŨ TRỌNG KHẢI |