Hội thảo PIM Quốc gia lần thứ 2 về “Quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng” đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 23 đến ngày 25/12/2009 với mục đích khép lại dự án JSDF-PIM nói riêng, tổng kết nội dung phát triển PIM trong dự án VWRAP nói chung, rút ra các bài học kinh nghiệm và phương hướng mở rộng dự án.
1. Bối cảnh Hội thảo
Năm 2004, Chính phủ Việt nam ký với Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) về việc tài trợ Dự án hỗ trợ Thuỷ lợi Việt nam (VWRAP CR.3880-VN). Mục đích dự án là hiện đại hoá cơ sở hạ tầng và quản lý thuỷ nông 6 hệ thống thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam là Cầu Sơn- Cấm Sơn (Bắc Giang), Yên Lập (Quảng Ninh), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Phú Ninh (Quảng Ninh), Đá Bàn (Khánh Hoà) và Dầu Tiếng (Tây Ninh và Tp Hồ Chí Minh).
Trong khuổn khổ dự án VWRAP, được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 29 tháng 12 năm 2005, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tiếp nhận một khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Phát triển xã hội Nhật bản (JSDF) tài trợ cho Dự án Quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng (viết tắt là JSDF-PIM – TF054751) với ba mục tiêu chính là (i) tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý vận hành các hệ thống tưới thông qua xây dựng năng lực và tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng tại địa phương; (ii) giảm tỷ lệ đói nghèo ở các vùng nông thôn nhờ cải thiện dịch vụ tưới, tăng thu nhập từ nông nghiệp cho nông dân và (iii) tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia trong quản lý tưới ở địa phương
Dự án JSDF-PIM được Bộ NN&PTNT giao cho Ban Quản lý trung ương Dự án thủy lợi (CPO) quản lý quá trình thực hiện. Tư vấn chính của dự án là Viện Khoa học thuỷ lợi. 3 Tư vấn phụ hỗ trợ quá trình thành lập TCDN và thực hiện kế hoạch PTNN tại các tiểu dự án là Trung tâm tư vấn KHCN và Phát Triển Tài Nguyên Nước (NGO1), Trung tâm Hỗ trợ phát triển (NGO2) và Trung tâm phát triển cộng đồng bền vững (NGO3).
Để mở đầu cho lộ trình phát triển PIM trong dự án VWRAP, Hội thảo PIM quốc gia lần 1 “Phát triển PIM thông qua các tổ chức dùng nước’’ đã được tổ chức tại Hạ long tháng 5 năm 2007. Mục đích của Hội thảo PIM lần 1 là xây dựng kế hoạch phát triển các Tổ chức dùng nước (TCDN) tại 13 khu mẫu của thuộc 6 tiểu dự án (Dự án VWRAP) và phát triển PIM gắn liền với hiện đại hóa hệ thống.
Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện dự án, dự án JSDF-PIM đã gặt hái được nhiều kết quả khẳng định sự đúng đắn của chủ trương tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý các hệ thống công trình thủy lợi. Với mục đích khép lại dự án JSDF-PIM nói riêng, tổng kết nội dung phát triển PIM trong dự án VWRAP nói chung, rút ra các bài học kinh nghiệm và phương hướng mở rộng dự án, Hội thảo PIM Quốc gia lần thứ 2 về “Quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng” đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 23 đến ngày 25/12/2009.
Hội thảo PIM Quốc gia lần 2 do Ông Vũ Đình Hùng – Phó Trưởng Ban CPO kiêm Giám đốc Dự án VWRAP, Bộ NN&PTNT và Ông Vũ Hồng Cường (đại diện WB) chủ trì. Tham gia Hội thảo còn có đại diện của Cục Thủy lợi, Cục Hợp tác Kinh tế và phát triển nông thôn, Cục Quản lý công trình, Trung tâm tư vấn PIM và Trung tâm Hợp tác quốc tế và đào tạo thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, đại diện dự án JICA-CDPIM, NGOs, PMUs tại 6 tiểu dự án, đại diện các TCDN điển hình.
2. Mục đích của hội thảo:
1. Đánh giá kết quả đạt được của dự án sau gần 3 năm thực hiện
2. Rút ra bài học kinh nghiệm
3. Đề xuất giải pháp duy trì bền vững hoạt động của các TCDN
4. Thảo luận phương hướng mở rộng trong dự án VWRAP
3. Kết quả Hội thảo:
Trong 3 ngày hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận sôi nổi với từng nội dung của hơn 20 báo cáo. Nội dung chủ yếu của các báo cáo trình bày trong hội thảo gồm:
Ông Vũ Đình Hùng – Báo cáo Mục đích và kết quả mong đợi của Hội thảo. Báo cáo đã nêu lên mục tiêu tổng thể của dự án VWRAP nói chung và của dự án JSDF (TF.054751) nói riêng. Báo cáo đề cập nội dung thảo luận chính của Hội thảo bao gồm: Đánh giá kết quả đạt của dự án; bài học kinh nghiệm rút ra sau khi thực hiện dự án; giải pháp duy trì bền vững hoạt động của các TCDN và phương hướng mở rộng diện tích có mô hình PIM trong dự án VWRAP.
Ông Phạm Hùng Cường – Đại diện WB, đánh giá cao kết quả đạt được của dự án, bày tỏ mong muốn các dự án PIM nói chung và dự án JSDF-PIM được sự quan tâm hơn nữa của các nhà hoạch định chính sách Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chính quyền liên quan, qua đó kết quả dự án được phát huy và PIM được nhân rộng ra trên 80% diện tích còn lại trên khu vực dự án.
Ông Nguyễn Hồng Khanh – Cục Thủy Lợi, trình bày Chiến lược phát triển PIM và vai trò của các bên liên quan trong đó nêu lên thực trạng về công trình và tổ chức quản lý, vai trò của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, thuận lợi, khó khăn và định hướng phát triển PIM trong tương lai dựa trên Khung chiến lược và lộ trình PIM do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.
Ông Đoàn Doãn Tuấn – Giám đốc Trung tâm tư vấn Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM) trình bày Báo cáo Trao quyền cho người dân trong quản lý thủy nông, kết quả thực hiện dự án JSDF- VWRAP (TF.054751) và giải pháp nhân rộng. Các kết quả dự án gồm: Thành lập/củng cố TCDN, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho TCDN mới thành lập; một số bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án và khuyến nghị các giải pháp để nhân rộng mô hình PIM trên diện tích còn lại của các tiểu dự án.
Ông Nguyễn Văn Nga – Chuyên gia tư vấn PIM của TA và MWH – Đánh giá kết quả thực hiện dự án nêu rõ ý nghĩa và của việc thành lập các TCDN, đánh giá chất lượng các TCDN. Báo cáo nhận định dự án JSDF- PIM đã thành công trên nhiều phương diện: quản lý khai thác hệ thống thuỷ lợi hiệu quả hơn; năng suất nông nghiệp tăng; bảo vệ môi trường; ổn định đời sống nông dân, nông thôn; tổ chức tốt cộng đồng. Qua đó, việc mở rộng dự án là cần thiết và hữu ích, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta về Tam nông: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Báo cáo của các NGOs về Vai trò tư vấn NGOs trong việc hỗ trợ 66 TCDN thuộc 13 khu mẫu/6 tiểu dự án Cầu Sơn-Cấm Sơn, Yên Lập, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Đá Bàn và Dầu Tiếng tóm tắt quá trình và hiệu quả hướng dẫn thành lập/củng cố các TCDN bao gồm đào tạo nâng cao năng lực, thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp tại 13 khu mẫu/6 tiểu dự án, phương thức tiếp cận có sự tham gia của các bên.
Báo cáo của các PMU về Kết quả thực hiện PIM ở tiểu dự án Cầu Sơn-Cấm Sơn; Yên Lập; Kẻ Gỗ; Phú Ninh; Đá Bàn; Dầu Tiếng thông qua số liệu cụ thể nêu lên các kết quả đạt được theo mục tiêu đặt ra của dự án, đồng thời nhấn mạnh vai trò của PMU trong quá trình thành lập/củng cố, xây dựng và hỗ trợ TCDN; trong đào tạo và thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp (ADPs),
Các Báo cáo về Hiệu quả hoạt động bước đầu của các TCDN điển hình thuộc TDA Cầu Sơn-Cấm Sơn; Yên Lập; Kẻ Gỗ; Phú Ninh; Đá Bàn; Dầu Tiếng của đại diện các TC HTDN trình bày về các tác động của dự án lên hoạt động thủy nông của TCDN và hiệu quả của việc thực hiện KH PTNN (ADP). Các TCDN cũng nêu bật thành công của dự án qua như tác động xóa đói giảm nghèo qua số hộ nghèo giảm, năng suất, giá trị cây trồng tăng rõ rệt nhờ dịch vụ tưới tiêu được cải thiện, kịp thời. Các báo cáo kiến nghị các biện pháp nhằm duy trì hoạt động hiệu quả của các TCDN trong tương lai. Đại diện các TCDN tham gia báo cáo tại Hội thảo gồm: HTX NN Dĩnh Kế – Cầu sơn- Cấm Sơn, HHTXDVNN Liên Hòa I – Yên Lập, HTXDVTHNN Cẩm Bình- Hà Tĩnh, HTXDN kênh 16 Bình Tú – Bình Chánh- Phú Ninh, HTXDN Kênh N3 Ninh An – Ninh Thọ – Đá Bàn, HTXDVTL Lộc Châu – Tây Ninh.
Ông OHIRA – Cố vấn trưởng dự án CDPIM – JICA trình bày Hiệu quả hoạt động của mô hình PIM trong dự án CDPIM – JICA. Báo cáo tóm tắt những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng mô hình PIM tại các khu thí điểm: Hợp Tiến (Hải Dương), Gia xuyên (Hải Dương), Yên Đông (Quảng Ninh). Báo cáo nhấn mạnh: “Sự tham gia của người dân” không chỉ là sự tham gia duy nhất của nông dân mà là sự tham gia của toàn bộ các tổ chức liên quan”.
Ông Nguyễn Xuân Tiệp – Chuyên gia PIM trình bày Bài học kinh nghiệm trong thực hiện PIM ở Việt Nam. Báo cáo tổng hợp cách thức tiếp cận PIM trong các dự án do các tổ chức nước ngoài như ADB, AFD, WB, Oxfam, Danida… tài trợ và 12 bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện PIM tại Việt nam.
Ngoài ra, tại hội thảo cũng có sự tham gia của các đại biểu với các báo cáo điển hình như: Kết quả thực hiện phân cấp quản lý khai thác CTTL ở tỉnh Thái Bình (Ông Đỗ Như Hồng – Chi Cục Trưởng), Cơ sở thực tiễn và tiêu chí phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi ở Việt Nam (Ông Trần Chí Trung- CPIM), Phương pháp xác định định mức xây dựng PIM (Bà Võ Kim Dung – CPIM), Phát triển thủy lợi nội đồng (Ông Nguyễn Xuân Thịnh – CPIM). Các nội dung này sẽ là cơ sở quan trọng góp phần phát triển PIM sau này ở Việt nam.
Bế mạc Hội thảo, Ông Vũ Đình Hùng tóm tắt toàn bộ nội dung trình bày và kết quả thảo luận tại Hội thảo, trong đó nhấn mạnh:
1. Giải pháp duy trì TCDN bao gồm 6 điểm: (i) cần phải có TCDN theo khách quan yêu cầu khi nông dân nhận thức được lợi ích của TCDN, (ii) Các cơ quan chuyên môn xây dựng các cơ chế chính sách khung pháp lý tạo thuận lợi, hỗ trợ kỹ thuật và công trình (cơ sở hạ tầng nội đồng); các cơ quan chính quyền quan tâm (iii Cần duy trì tổ chức qua các dịch vụ bổ sung như kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm TCDN phát triển bền vững (iv) cần có sự phối hợp tốt giữa các tổ chức Hội đoàn thể tại địa phương và TCDN; (v) cần đào tạo lại BQL của nhiệm kỳ mới; (vi) hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, nội quy rõ ràng trong nội bộ, có kiểm tra, giám sát, bộ máy tổ chức TCDN gọn nhẹ, cán bộ có năng lực;
2. Phương hướng phát triển PIM: Chính quyền địa phương (UBDN Tỉnh, Sở NN&PTNT) cần quan tâm hơn nữa đến phát triển PIM; địa phương đề xuất phương hướng phát triển PIM với xác nhận của chính quyền địa phương và gửi lên Bộ NNPTNT; CPO sẽ là đầu mối vận động vốn, hỗ trợ về thành lập, nâng cấp hệ thống nội đồng v.v… IMC được gợi ý như một cơ quan có chuyên môn và bao quát sẽ là đầu mối ở cấp cơ sở, hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý về mô hình PIM, bổ sung một số kỹ năng về quản lý tài chính cho TCDN. Tăng cường giao lưu về PIM để đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau; hệ thống kênh mương nội đồng cần củng cố ngay; việc phát triển PIM ở địa phương cần được phối hợp giữa các dự án, các nguồn tài trợ. PIM có thể lồng ghép vào các chương trình Tam Nông, Nông thôn Mới…
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí khẳng định bên cạnh các kết quả đạt được, thành công lớn nhất của dự án là nâng cao nhận thức của người nông dân, ý thức chia sẻ nguồn nước và tinh thần làm chủ, quản lý, bảo vệ công trình được phát huy. Đạt được kết quả này chủ yếu do dự án đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Nhà tài trợ (WB), sự quan tâm ủng hộ và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các Bộ, nghành liên quan và chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời, Dự án đã được bà con nông dân vùng dự án đón nhận và tham gia nhiệt tình.
Đóng góp quan trọng của các bên tham gia hỗ trợ và thực hiện dự án phải kể đến Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Trung tâm Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM), các Tổ chức tư vấn phi chính phủ (NGOs), và sự điều phối hiệu quả của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi.
Thành công được ghi nhận của dự án chính là tiền đề cho phát triển PIM trên diện tích còn lại của dự án và nhân rộng trên các vùng miền khác trên cả nước.
Nhóm thực hiện dự án JSDF