Hội thảo báo cáo cuối kỳ Dự án điều tra cơ bản kinh tế xã hội tiền Dự án khu tưới Đức Hòa – Dự án thủy lợi Phước Hòa

Ngày 18/12/2013, dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, Trung tâm tư vấn PIM đã báo cáo kết quả thực hiện đánh giá điều kiện kinh tế xã hội tiền Dự án Khu tưới Đức Hòa, tỉnh Long An.

Dự án Thủy lợi Phước Hòa được tài trợ bởi các khoản vay của ADB và AFD, thực hiện tại 4 tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Ban quản lý ĐT&XD Thủy Lợi 9 làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 6.000 tỷ đồng, cấp nước cho công nghiệp và dân sinh với lưu lượng 17,01 m3/s và cấp nước tưới cho 27.300ha, hỗ trợ tạo nguồn 58.000ha, xả hoàn kiệt sông Bé 14 m3/s, đẩy mặn sông Sài gòn.
Nhằm đánh giá hiệu quả của Dự án tại tỉnh Long An, trước, trong và sau khi Dự án đầu tư, Trung tâm tư vấn PIM được giao thực hiện một cuộc điều tra khảo sát cơ bản điều kiện kinh tế, xã hội của khu tưới Đức Hòa, Long An trước khi dự án triển khai.Các kết quả của cuộc điều tra sau này sẽ được sử dụng để giám sát và đánh giá hiệu quả của Dự án.

Ngày 18/12/2013, dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, Trung tâm tư vấn PIM đã báo cáo kết quả thực hiện đánh giá điều kiện kinh tế xã hội tiền Dự án. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý ĐT&XD Thủy lợi 9, Tư vấn quốc tế Black and Veatch; Lãnh đạo và các các Phòng, Ban, Chi cục thuộc Sở NN&PTNT Long An, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh, Các Phòng thuộc huyện UBND huyện Đức Hòa, Trạm Thủy lợi, Trạm Khuyến nông; Giám đốc Viện KHTL Việt nam và Trung tâm tư vấn PIM.

Kết quả chính và những đóng góp, phát hiện mới

Đội chuyên gia thực hiện đã thu thập tài liệu thứ cấp và khảo sát tại 43 ấp thuộc 12 xã, thị trấn huyện Đức Hòa (trong đó có 2 ấp đối chứng) với 480 mẫu, phỏng vấn sâu 75 hộ; Thông tin thu thập được xử lý, phân tích đánh giá theo 3 nội dung chính:

– Đặc điểm kinh tế – xã hội: Gồm 5 chủ đề là (i) Vốn thiên nhiên (Đất sản xuất, Nguồn tài nguyên nước); (ii) Vốn con người (Nhân khẩu và lao động, Nghề nghiệp, Trình độ học vấn và nguồn nhân lực, sức khỏe của nguồn nhân lực); (iii) Vốn vật chất (Nhà ở, điện, nước sạch, vệ sinh, phương tiện sinh hoạt, phương tiện sản xuất kinh doanh); (iv) Vốn tài chính (Thu nhập hộ gia đình, chi tiêu hộ, vay vốn) và (v) Vốn xã hội (Tham gia các tổ chức xã hội, quan hệ xã hội).

– Hoạt động sinh kế của chủ hộ: Trồng trọt; chăn nuôi; tiểu thủ công nghiệp, buôn bán và dịch vụ; thuê mướn nhân công; lao động làm công ăn lương; thay đổi trong hoạt động sinh kế và nhu cầu về sinh kế trong tương lai;

– Những vấn đề về giới và nghèo: Quan hệ về giới; các nhóm yếu thể (Nữ chủ hộ, nghèo).

Hình 1. Các chỉ tiêu phân tích sinh kế hộ gia đình

Kết quả khảo sát đã phân tích một cách rõ ràng hiện trạng kinh tế xã hội thông qua các nhóm chỉ tiêu trên. Một số nhận xét đáng chú ý:

– Tỷ lệ người chưa bao giờ đi học trên 15 tuổi đến 4,6% và ở nhóm hộ không có đất cao hơn 5 lần so với nhóm hộ có đất; Lý do chủ yếu do thiếu lao động, học phí cao và học kém. Lao động có trình độ THPT thấp, chỉ 20,8%. Hộ có thu nhập cao có học vấn cao hơn hẳn. Trình độ học vấn quyết định khả năng chuyển đổi nghề từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, được trả công cao hơn.

– Tỷ lệ ly hôn, ly thân, góa vợ/chồng đến 17,3%

– Những hộ không có đất thường đi làm công nhân và làm thuê (66%), trong khi các hộ có đất chủ yếu làm nông nghiệp (54%). Càng khá giả, tỷ lệ hộ có đất nông nghiệp và tỷ lệ lao động bình quân/ hộ càng cao và ngược lại

– Tỷ lệ người ốm kinh niên và đột xuất tăng theo mức độ nghèo;

– Vốn xã hội (các mối quan hệ với láng giềng, chính quyền và người thân, tham gia các tổ chức…) rất quan trọng trong sinh kế và chưa được xem xét trong đền bù tái định cư.

– Năm nhu cầu hàng đầu của người dân: vay vốn sản xuất (53,1%), cấp thẻ bảo hiểm cho người già và trẻ em (43%), hỗ trợ mua thiết bị sản xuất (28%) và tập huấn khuyến nông (27,3%), hỗ trợ chi phí học hành của con (24,5%).

Một số khuyến nghị từ kết quả điều tra khảo sát:

Khi thực hiện các hợp phần hỗ trợ người dân từ dự án, bên cạnh việc hướng dẫn dùng nước, cần tăng cường các chương trình khuyến nông. Mở rộng các mô hình trình diễn thích hợp với địa phương, đảm bảo năng suất và tính đa dạng, phù hợp với chiến lược sinh kế đa dạng hoá nghề nghiệp và đa dạng hoá nguồn thu nhập của các hộ gia đình. Các mô hình trình diễn và khuyến nông cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Cung cấp thường xuyên các thông tin thị trường nhằm giúp các hộ có quyết định kinh tế đúng, không làm theo phong trào.

Đặc biệt cần quan tâm tới nguồn lực và hỗ trợ các chiến lươc sinh kế của các nhóm yếu thế.

Cần chú ý khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ hải sản tại vùng dự án, nhằm tạo thêm việc làm, đảm bảo thị trường đầu ra và gia tăng giá trị sản phẩm, tránh được sự ép giá của tư thương, đồng thời khuyến khích sức sản xuất của người dân.

Các đại biểu đã đánh giá rất cao kết quả điều tra khảo sát, là dữ liệu quan trọng giúp địa phương xây dựng phương án phục hồi sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân; Thiết kế các chương trình khuyến nông cũng như các Chương trình hỗ trợ xã hội, đặc biệt là cho các hộ dễ bị tổn thương trong quá trình đền bù, GPMB./.