Bình Định: Cày ruộng cũng phải… lụy hợp tác xã

Trong khi Nhà nước chủ trương miễn – giảm thuỷ lợi phí cho nông dân thì tại HTXNN Phước An I (Tuy Phước, Bình Định), từ 2008, khoản chi trả này lại tăng 20%. Tốn tiền là… chuyện nhỏ, “chuyện lớn” là dù thực hiện hết nghĩa vụ, người dân vẫn không được cấp đủ nước để chăm sóc mùa màng.

Đã vậy, họ còn bị đe doạ cắt điện, bị tước quyền tự do cày xới trên thửa ruộng nhà mình.

Chế tài = cúp điện

Ông Trần Văn Đậu – Cán bộ Mặt trận Tổ quốc thôn An Hoà 2 – cho biết: “Cánh đồng Phước Chánh 1, Phước Chánh 2, Phước Hải có 60ha lúa 3 vụ. Năm nào cũng vậy, thuỷ lợi luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng bà con xã viên. Vụ đông – xuân còn có thể lần hồi, co kéo; đến vụ hè – thu thì thực sự căng thẳng. Tình trạng giành giật, xô xát, u đầu mẻ trán vẫn thường xảy ra.

Để có nước cứu lúa, người dân đổ xô khoan giếng, khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, sử dụng nguồn này cũng không dễ. Phải “lụy” HTX, phải gửi đơn từ gò uốn theo khuôn mẫu do HTX yêu cầu. Bằng không, sẽ không được cấp điện, nghĩa là… bó tay”. Lão nông Lê Văn Cận – năm nay 81 tuổi – giải thích thêm: HTX chia thuỷ lợi phí thành 3 mức. Mức áp dụng cho nước tự chảy – 42.000 đồng/sào/vụ; cho bán chuyên tát (vừa tháo, vừa tát) – 34.800 đồng và chuyên tát – 26.400 đồng.

Nói vậy nhưng nước đâu để tát! Từ trạm bơm An Trạch tới Phước Chánh 1 là 3km, tới Phước Hải là 5km. Cuối nguồn như chúng tôi, không lẽ thả tay nhìn lúa chết. Vậy nên nhà nào khá giả thì sắm máy bơm, nhà nào khó khăn thì thuê mướn (70.000 – 100.000 đồng/sào). Máy bơm muốn có điện vận hành, bắt buộc phải đi qua tổ điện do HTX quản lý. Đơn xin mắc điện, mười lá như một, bắt buộc có câu “máy nước thay tát”.

Câu này “thâm” lắm – cụ Cận bình luận. Nó hàm ý HTX dẫn nước về tới ruộng rồi, thay vì dùng gầu tát, chúng tôi “chơi sang”, dùng bơm nên đóng thuỷ lợi phí là chuyện… cấm cãi”. Tính ra, để cứu 1 sào lúa, người dân Phước Chánh 1 phải tiêu tốn gần 150.000 đồng tiền nước, chưa kể khoản bồi dưỡng cho tổ điện (mà chủ nhiệm HTX Huỳnh Văn AÁnh nói không có chủ trương) từ 15.000 – 20.000 đồng/cầu dao.

Điện được xem là lợi khí tối hậu để Ban quản trị HTX Phước An I xử lý các quan hệ “tồn đọng”. Chị Hà Thanh Đào cũng ở Phước Chánh I, nói: “Nhà tôi làm 6 sào. Nước thiếu, có khi 2 sào ruộng chỉ thu được 2 bao lúa (khoảng 100kg). Nợ là chuyện chẳng đừng. Tháng 11.2007, HTX cắt tiệt nguồn điện sinh hoạt. Vậy là phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền trả nợ”.

Sẵn máy, kêu cày… cũng khó

Đó là ao ước của ông Lê Quang Cườm. Ông Cườm – chủ nhân 8 sào ruộng, giọng bất mãn: “HTX làm dịch vụ điện năng, thuỷ lợi, họ nắm quyền sinh, quyền sát còn dễ hiểu. Đằng này, với máy cày do dân bỏ tiền ra mua sắm, họ cũng đòi “thống nhất quản lý”! Dấu ấn “quản lý” của HTX là mức phí 1.000 đồng/sào và “thời khoá biểu cày ruộng” ấn định từ trên xuống dưới. “Có ruộng mà không được tự do cày. Bà con anh em sẵn máy, muốn kêu cày cũng không được.

Nhất cử nhất động phải răm rắp tuân thủ theo lịch của HTX. Mà đội cày – trong đó có anh em một phó chủ nhiệm – được o bế, được “bảo hộ” kỹ lưỡng nên càng ngày càng giống… kiêu binh. Họ đi muộn về sớm – không ai dám kêu, họ làm qua quýt sống sượng – phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Thậm chí, giống trong nhà đã nảy mầm mà máy cày chưa tới thì cũng đành đổ đi, ủ mẻ mới”!

Nhiều chuyện thật như đùa đã nảy sinh chung quanh việc “độc quyền cày ruộng”, như chuyện có chủ máy vừa “nhảy dù” từ ngoài vào, đã vội vàng cao chạy xa bay khỏi Phước An I chỉ sau một đêm vì không chịu được những màn chọc ngoáy, phá phách.

Về “sáng kiến” này, ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó bí thư, Chủ tịch HĐND xã Phước An nhận xét: “Đây quả là mô hình bất ổn. HTX nên quản lý nông vụ, chứ không cần phải can thiệp quá sâu vào quyền làm chủ của xã viên”. Tuy nhiên, khi được hỏi phương án khắc phục, ông Tân lại lắc đầu, nói đấy là một tồn tại “gay cấn, khó giải quyết”!

 Trích Lao ĐộngXuân Nhàn