Giới thiệu
Trong khuôn khổ dự án CPIM-AFD do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ, ngày 28/2/2012, Trung tâm tư vấn PIM, Viện Khoa học thủy lợi đã tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động của Nghị định 115/2008-CP của Chính phủ và Thông tư 65/2009 của Bộ NN&PTNT đến hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; thảo luận về phương pháp tiếp cận, khung pháp lý và thể chế phát triển PIM tại Việt Nam” .
Thời gian : Ngày 28 tháng 2 năm 2012; Địa điểm : Khách sạn Fotuna, Hà nội.
Mục tiêu
Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu đánh giá tác động của Nghị định 115/2008 về miễn thủy lợi phí và Thông tư 65/2009 của Bộ NN&PTNT về phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi đến dịch vụ tưới tiêu, phát triển thủy lợi nội đồng; Ngoài ra hội nghị thảo luận, đề xuất phương pháp triển khai thực hiện chủ trương chính sách nhà nước về KTCTTL có sự tham gia của người dân (PIM) tại địa phương và khuyến nghị về tăng cường khung pháp lý, thể chế phát triển PIM tại Việt Nam.
Thành phần đại biểu
– Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức WB, ADB, JICA, BTC…
– Các cơ quan thuộc Bộ NN & PTNT: Tổng cục thuỷ lợi, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Khoa học & Công nghệ, Cục Quản lý xây dựng công trình, Cục HTX, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, Hội Thủy lợi Việt Nam, Hội Tưới tiêu, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, Trung tâm tư vấn PIM, Đội tư vấn dự án CPIM-AFD.
– Đại diện các Sở Nông nghiệp và PTNT, công ty Khai thác công trình thủy lợi, HTX Nông nghiệp tại các địa phương: Sơn La, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Trị, Bình Định, An Giang, Long An. Công ty KTCTTL Hà Nam, Bắc Hưng Hải…
– Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà báo đến từ Đài truyền hình Việt Nam, báo Nông nghiệp, báo Đất Việt, Chính phủ điện tử … đến đưa tin về Hội thảo.
Chủ trì Hội thảo
– Ông: Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
– Ông: Oliver Gilard, chuyên gia cao cấp về Nông nghiệp, Môi trường và biến đổi khí hậu của Cơ quan Phát triển Pháp.
– Tham gia điều hành Hội thảo còn có bà Nguyễn Thúy Anh, Cơ quan phát triển Pháp; Bà Nguyễn Thị Tuyết Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ông Vũ Văn Thặng, Cục trưởng Cục thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam; ông Đoàn Doãn Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn PIM kiêm Giám đốc Dự án CPIM-AFD.
Nội dung
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong việc triển khai thực hiện cũng như tác động của nghị định 115 và thông tư 65. Bên cạnh đó kinh nghiệm về phương pháp, cách tiếp cận trong triển khai các chủ trương, chính sách của nhà nước cũng được trảo đổi, thảo luận sôi nổi Nội dung được tập trung vào 2 vấn đề chính sau:
Về đánh giá tác động của Nghị định 115:
Tại hội thảo, các báo cáo về Tác động của nghị định 115 đã được trình bày bởi các đại diện đến từ Cục thủy lợi- Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Tài chính doanh nghiệp- Bộ Tài Chính, chuyên gia về PIM, đại diện của các Sở ban, ngành, HTX tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Trị, An Giang, Lạng Sơn, Long An, Bắc Giang, Bình Định. Các đại biểu được nghe trình bày về những thuận lợi, khó khăn và khuyến nghị trong triển khai Nghị định 115 từ các cấp quản lý khác nhau. (xem link)
Một kết quả nghiên cứu tác động của nghị định 115 về miễn thủy lợi phí đến quản lý KTCTTL và dịch vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp được Trung tâm tư vấn PIM (CPIM) triển khai điều tra tại các tỉnh điển hình thuộc 3 miền của cả nước: An giang, Long an, Quảng trị, Bình định, Thái bình, Tuyên quang, Lạng sơn và Bắc giang. Qua kết quả điều tra cho thấy:
Nhờ được cấp bù thủy lợi phí nguồn thu của các công ty QLKT tăng mạnh đảm bảo kinh phí ổn định cho hoạt động. Công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hàng năm được chú trọng hơn. Chi phí cho nạo vét, SCTX và SCL hàng năm tăng cả về số tuyệt đối và tương đối (tỷ trọng trong tổng chi phí)
Đối với tổ chức HTDN, phần kinh phí cho SCTX và nạo vét luôn được ưu tiên. Sau khi thực hiện NĐ 115, phần kinh phí này có xu hương tăng lên trừ một số địa phương hoặc do quy định mức TLP nội đồng thấp hơn cần thiết hoặc do nhận thức hoặc chất lượng dịch vụ nông dân không muốn đóng TLP nội đồng cho tổ chức cung cấp dịch vụ (THX)
Nhờ có kinh phí cấp bù, người dân giảm được một phần chi phí sản xuất. Nhờ chủ động kinh phí kênh mươc được nạo vét, tu sửa tốt hơn, thông thoáng hơn, chất lượng dịch vụ tưới tiêu cho nông dân tốt hơn. Nông dân hài lòng hơn so với trước đây.
CPIM đề xuất việc tăng cường năng lực cho các Chi cục thủy lợi tại địa phương trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách cùng với cách tiếp cận “cùng học – cùng làm” để đạt được sự đồng thuận cao từ người dân. Hiệu quả quản lý khai thác CTTL và hiệu quả sử dụng đồng vốn cấp bù của Nhà nước nên có các tiêu chí giám sát, đánh giá và dành một phần kinh phí 115 để nâng cao năng lực cho Tổ chức HTDN. Đối với việc phát triển tổ chức quản lý hệ thống thủy lợi nội đồng, CPIM đề xuất việc phát triển các mô hình tư nhân mang tính thị trường trong cung cấp dịch vụ tưới tiêu đối với vùng ĐB SCL, áp dụng đấu thầu trong quản lý công trình thủy lợi, có cơ chế cho phép Tổ chức HTDN hiệp thương với người dùng nước trong đóng góp thủy lợi phí nội đồng và phát huy vai trò của cộng đồng thôn xóm. (xem link)
Về Phương pháp tiếp cận, khung pháp lý và thể chế phát triển PIM tại Việt Nam:
Hiện trạng thực hiện PIM tại Việt nam được chuyên gia PIM – Nguyễn Xuân Tiệp trình bày rất cụ thể, nêu lên được những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại. Theo ông Tiệp, xét về khối lương công việc, lộ trình ước tính đạt bình quân 70%. Chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện khung chiến lược cho phù hợp với tình hình hiện tại. (xem link). Ngoài ra, chuyên gia quốc tế Tim McGrath, đội tư vấn dự án CPIM-AFD, cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT nhắm tăng cường khung pháp lý và phát triển PIM tại Việt nam. (xem link)
Chi tiết hơn, một phương pháp tiếp cận thực hiện PIM tại địa phương được đại biểu đến từ Ninh thuận báo cáo tại hôi thảo. Báo cáo giới nêu quy trình thành lập tổ chức HTDN và xây dựng lộ trình phát triển PIM cho Ninh thuận từ năm 2011 đến 2012 trong khuôn khổ dự án CPIM-AFD. (xem link)
Cũng đến từ Ninh thuận, đại diện Tô chức HTDN, đơn vị được thành lập trong khu thí điểm Bầu Zôn thuộc dự án CPIM-AFD, cho biết: Tổ chức này đã đi vào hoạt động ổn định. Người dân được cung cấp nước đến tận ruộng, phí dịch vụ được đóng đầy đủ nên thủy nông viên đã có thu nhập, kênh mương được nạo vét sạch sẽ. Tổ chức bước đầu hoạt động có lãi và tài chính được công khai trong toàn thể hội viên. Tuy nhiên đơn vị này vẫn còn một số khó khăn. Do mới được thành lập nên cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động ban đầu đang còn thiếu. (xem link)
Sau một ngày hội thảo, hầu hết các đại biểu có sự nhìn nhận về tác động của Nghị định 115 và thông tư 65 như sau:
Nghị định 115/2008-CP của Chính phủ về miễn thủy lợi phí đã đem lại cho nông dân, công ty Khai thác công trình thủy lợi nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội:
– Việc miễn thủy lợi phí đã giảm bớt đóng góp của người dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn kinh phí ổn định cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, chủ động hơn trong hoạt động phục vụ sản xuất, sửa chữa, nạo vét và kiên cố hóa kênh mương góp phần nâng cao năng lực cấp nước không những cho sản xuất nông nghiệp mà còn đảm bảo cung cấp nước cho các hộ dùng nước khác như thủy sản, du lịch…
– Nhiều địa phương chuyển từ sản xuất một vụ lúa đã tăng lên 2, 3 vụ lúa trong một năm; diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng hàng năm tăng. Người dân không dấu diện tích khi ký hợp đồng, do đó diện tích tưới tiêu được các địa phương nghiệm thu, xác nhận đầy đủ với thực tế.
– Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi từng bước được sắp xếp, kiện toàn. Có nhiều tổ chức HTDN được củng cố và phát triển, được Nhà nước cấp bù thủy lợi phí để sử dụng cho hoạt động thường xuyên và du tu bảo dưỡng công trình. Đời sống CBCNV cũng từng bước được cải thiện.
Sau 3 năm triển khai chính sách miễn thủy lợi phí của Chính phủ, đa số các đại biểu địa phương cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chính sách miễn thủy lợi phí, Nghị định 115 và thông tư 65 còn bộc lộ tồn tại như:
– Biến động về giá cả, tiền lương, vật tư nhiên liệu hàng năm đều tăng nhưng mức cấp theo Nghị định 115 không được điều chỉnh hàng năm nên phần kinh phí dành cho duy tu bảo dưỡng công trình qua các năm ít dần, gây khó khăn trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, đặc biết là đối với công trình tưới động lực.
– Quy định mức cấp bù phí chưa đồng đều giữa các vùng miền (vùng núi và vùng đồng bằng), chưa công bằng trong việc cấp bù cho hai loại hình tổ chức HTDN quản lý công trình TL được đầu tư từ hai nguồn vốn khác nhau (từ Nhà nước và từ vốn dân tự huy động) dẫn đến mâu thuẫn khi thực hiện phân cấp. Đối với các vùng miền núi việc quản lý công trình thủy lợi trải trên địa bàn rộng, kênh mương dài ven các sườn đồi, diện tích tưới tiêu nhỏ, manh mún nên được nhiều đại biểu đề nghị mức cấp cho vùng này tối thiểu bằng với mức cấp đối với vùng đồng bằng. Việc xác định vị trí cống đầu kênh đối với từng loại hình công trình vẫn còn làm cho các địa phương lúng túng.
– Việc áp dụng mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước để nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi của Nghị định 115 khó thực hiện vì các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi không xác định được giá trị sản lượng thực tế của các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản.
– Đối với các công trình do xã, HTX, thôn bản do năng lực quản lý, kỹ thuật chuyên môn hạn chế (nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa) nên còn chậm trong công tác thanh quyết toán để nhận phần cấp bù từ Nhà nước. Ngoài ra, một số tổ chức HTDN khác chưa đủ tư cách pháp nhân theo quy định nên chưa nhận được cấp bù dẫn đến kinh phí duy bảo dưỡng không có, công trình xuống cấp.
Để phát huy hiệu quả của Nghị định 115, một số ý kiến được đưa ra đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Chính cần tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức cấp thủy lợi phí hợp lý, hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề trên.
Tại hội thảo, ông Olivier Gilard chia sẻ: Việc triển khai tư vấn trong lĩnh vực quản lý thủy lợi có sự tham gia của cộng đồng đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Cần tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học với nông dân. Các tổ chức quản lý thủy lợi ở địa phương cần được nâng cao năng lực từ đó quản lý hiệu quả các công trình thủy lợi.
Thứ trưởng Đào Xuân Học nhấn mạnh, công trình thủy lợi cần được tăng cường chuyển giao cho người dân quản lý để phát huy tối đa công suất. Đối với Trung tâm PIM, từ thành công của các mô hình thí điểm, Trung tâm nghiên cứu xây dựng các chính sách để nhân rộng các mô hình, hoàn thiện thể chế phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới Bộ sẽ ban hành thêm Thông tư để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đó là: (i) Định mức duy tu, sửa chữa công trình, (ii) Tiêu chí đánh giá về quản lý, khai thác công trình thủy lợi và (iii) Cơ sở pháp lý cho Tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động.
Thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Đào Xuân Học gửi lời cảm ơn tới nhà tài trợ, cơ quan Phát triển Pháp, và hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác nhiều hơn trong tương lai. Thứ trưởng cũng gửi lời cám ơn tới các cơ quan đơn vị, các địa phương đã có những ý kiến góp ý thiết thực, đóng góp vào sự thành công của hội thảo./.
Một số hình ảnh về hội thảo