KẾT QUẢ THÀNH LẬP/CỦNG CỐ CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC DÙNG NƯỚC TẠI TIỂU DỰ ÁN NAM THẠCH HÃN – TỈNH QUẢNG TRỊ

Dự án Thủy lợi Miền Trung là một Dự án được Ngân Hàng Phát Triển Châu Á tài trợ (Dự án ADB4), Ban quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO)-Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư thực hiện ở 6 tỉnh miền Trung, gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định. Dự án bao gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần A về tăng cường năng lực cho các tổ chức quản lý thủy nông và hợp phần B về cải tạo và nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống tưới.

Trong khuôn khổ Dự án Thủy lợi Miền Trung, tỉnh Quảng Trị đã chọn hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn để triển khai dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ diện tích canh tác 14.078. ha thuộc 22 xã thuộc 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Một nội dung quan trọng của hợp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức quản lý thủy nông là chương trình phát triển quản lý thủy lợi có sự tham gia của người dùng nước (Hợp phần PIM). Các chuyên gia của Trung tâm tư vấn PIM thực hiện tư vấn cho tiểu dự án Nam Thạch Hãn hỗ trợ cộng đồng thành lập/củng cố các nhóm sử dụng nước đảm bảo các tiêu chí về sự tham gia của người dân vào công tác quản lý thủy nông ở cấp cơ sở.

Ở hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn, tổ chức quản lý thủy nông cơ sở trước khi thực hiện dự án chủ yếu là các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Các HTXNN thực hiện các dịch vụ tổng hợp cho nông nghiệp, trong đó có dịch vụ thủy lợi. Nhìn chung một số HTXNN đã thực hiện tương đối tốt dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, các HTXNN chưa phải là các Tổ chức HTDN hoàn chỉnh, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc thực hiện dịch vụ thủy lợi. Một đặc điểm nổi bật là hầu hết các HTXNN có quy mô thôn, nên 1 xã có nhiều HTXNN, sinh ra nhiều bộ máy quản lý dẫn đến chi phí cho quản lý lớn. Thu nhập từ nguồn thủy lợi phí nội đồng chủ yếu chi cho các hoạt động quản lý, vận hành, tỷ lệ chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng công trình thấp. Việc phân phối nước và bảo dưỡng các tuyến kênh liên thôn, liên xã chưa hiệu quả. Các HTXNN ở đầu kênh, thuận lợi về nước nên ít quan tâm đến nạo vét, duy tu bảo dưỡng công trình, trong khi đó các HTXNN cuối kênh thường bị thiếu nước, phải huy động nguồn lực để nạo vét kênh và thậm chí còn cử người canh các công lấy nước dọc theo tuyến kênh cấp 2 để dẫn nước về khu tưới cuối kênh.

Sau 2 năm thực hiện (2010-2011) ở hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, đến nay các chuyên gia tư vấn PIM đã hỗ trợ thành lập/củng cố được 52 Tổ chức HTDN, bao gồm 1 HTXDN quy mô toàn xã, 4 Liên hiệp Hội dùng nước kênh liên thôn, liên xã và 47 HTXNN được củng cố. Một số điểm nổi bật của các mô hình tổ chức HTDN tại tiểu dự án Nam Thạch Hãn như sau:

+ Mô hình Hợp tác xã dùng nước:

–         Mô hình HTXDN được thành lập quy mô toàn xã, kết hợp giữa ranh giới hành chính xã và ranh giới thủy lực các tuyến kênh cấp 2 trong xã một cách hợp lý. HTXDN thực hiện dịch vụ thủy lợi vận hành, phân phối nước và duy tu sửa chữa công trình thủy lợi thống nhất trên quy mô toàn xã, thay vì 6 HTXNN quy mô thôn như trước đây. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý công trình thủy lợi của mô hình HTXDN.

–         HTXDN có đầy đủ tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động dịch vụ thủy lợi theo Quy chế hoạt động và Ban quản lý được bầu cử dân chủ, tự chủ về tài chính trên nguyên tắc cân đối thu chi, quản lý tài chính công khai, minh bạch.

Mô hình Liên hiệp Hội dùng nước kênh liên thôn, liên xã:

–         Mô hình Liên hiệp Hội dùng nước kênh liên thôn, liên xã là dạng tổ chức “mềm”, không có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, nhưng là một tổ chức để phối hợp điều hành quản lý các kênh cấp 2 liên thôn, liên xã.

–         Mô hình Liên hiệp Hội dùng nước kênh liên thôn, liên xã có ưu điểm là bộ máy gọn nhẹ, phát huy được hoạt động của các HTXNN hiện nay, đồng thời có sự hợp tác, điều hành để quản lý các tuyến kênh cấp 2 liên thôn, liên xã theo ranh giới thủy lực

–         Liên hiệp Hội dùng nước tuy không đáp ứng tiêu chí về tư cách pháp nhân, nhưng là một loại hình tổ chức có hiệu quả trong việc điều hành phân phối nước, duy tu bảo dưỡng công trình giữa các HTXNN trên tuyến kênh cấp 2 liên thôn. liên xã.

–         Liên hiệp Hội dùng nước vận hành, phân phối nước, thực hiện duy tu bảo dưỡng đối với tuyến kênh cấp 2 liên thôn, liên xã, trong khi đó các HTXNN có nhiệm vụ vận hành, phân phối nước và duy tu bảo dưỡng hệ thống kênh nội đồng ở các xã.

+ Củng cố các HTXNN hiện tại:

–         Củng có hoàn thiện các HTXNN hiện tại thành các tổ chức HTDN hoàn chỉnh có ưu điểm là phát huy được các HTXNN có đầy đủ tư cách pháp nhân, trụ sở làm việc đang hoạt động tương đối hiệu quả, tự chủ về tài chính.

–         Các HTXNN được củng cố hoàn thiện chủ yếu thông qua việc xây dựng quy chế hoạt động về dịch vụ thủy lợi, nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình thủy lợi, thực hiện hạch toán dịch vụ thủy lợi độc lập với các hoạt động kinh doanh khác. Đây là các yếu tố quan trọng phát huy hiệu lực quản lý thủy nông của các HTXNN.

–         Tuy các HTXNN được thành lập theo quy mô thôn hoặc liên thôn, nhưng đa số các HTXNN cũng đáp ứng được tiêu chí về ranh giới thủy lực do các kênh cấp 2 nhỏ có quy mô tưới nằm gọn trong 1 thôn. Một số HTXNN quản lý các kênh cấp 2 tưới cho 2-3 thôn, nhưng diện tích chủ yếu ở 1 thôn.

Kết quả đánh giá ban đầu về hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức HTDN ở hệ thống Nam Thạch Hãn như sau:

  • Thực hiện dịch vụ thủy lợi theo Quy chế hoạt động được Đại hội đại biểu người dùng nước thông qua
  • Các Ban quản lý tổ chức HTDN được bầu cử dân chủ, bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả.
  • Thực hiện vận hành phân phối theo ranh giới khu tưới của các tuyên kênh, đảm bảo công bằng, hợp lý cho các hộ dùng nước.
  •  Sủ dụng nước hiệu quả, tiết kiệm
  • Giảm các xung đột tranh chấp về nước, có cơ chế thưởng phạt, rõ ràng
  • Cải thiện việc duy tu bảo dưỡng hệ thống, nâng cao mức độ bền vững của công trình thủy lợi
  • Giảm chi phí cho quản lý, tăng tỷ lệ chi phí cho vận hành, bảo dưỡng công trình
  • Tự chủ về tài chính, quản lý tài chính công khai minh bạch
  • Mức thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng giảm hơn ở nhiều Tổ chức HTDN. Ở mô hình HTXDN, Mức thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng giảm từ 12 kg/sào/vụ xuống 6 kg/sào/vụ

Kết quả thành lập/củng cố các Tổ chức HTDN tại tiểu dự án Nam Thạch Hãn đã được nhà tài trợ (ADB), chủ đầu tư (CPO) đánh giá cao, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về PIM của dự án đưa ra. Các Tổ chức HTDN được thành lập phù hợp với chủ trương phát triển PIM của tỉnh Quảng trị, được các lãnh đạo của Sở NN&PTNT, Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn, UBND huyện Triệu Phong và Hải Lăng hoàn toàn ủng hộ. Lãnh đạo các xã trong vùng dự án và đặc biệt là người dân rất phấn khởi, ủng hộ, tham gia vào việc thành lập/củng cố các Tổ chức HTDN ở hệ thống Nam Thạch Hãn.