Lế khởi công xây dựng kênh chính và khu tưới Đức Hòa, tỉnh Long An

Ngày 23/1/2013 tại ấp Bàu Công, xã tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Long An, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng kênh chính và khu tưới Đức Hòa, tỉnh Long An.

Tham dự lễ khởi công có đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh Long An; các Sở, Ban ngành liên quan của tỉnh Long An, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Đức Hòa; các xã thuộc khu tưới; các lãnh đạo Tỉnh, huyện qua các thời kỳ; đại diện các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công kênh chính và 3 gói thầu số 1, 2, 3 thuộc khu tưới Đức Hòa; các cơ quan thông tấn báo chí địa phương và đông đảo nhân dân vùng hưởng lợi.

Dự án Thủy lợi Phước Hòa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3084-QĐ/BNN-CDCN ngày 01 tháng 8 năm 2002 với mục tiêu là lấy nước từ sông Bé cấp tại chỗ cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về bổ sung cho hồ Dầu Tiếng để cấp cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng vào các mục đích dân sinh kinh tế và cải thiện môi trường. Qui mô của dự án gồm:

–  Công trình đầu mối và kênh chuyển nước Phước Hòa – Dầu Tiếng thuộc các huyện Bình Long và Chơn Thành tỉnh Bình Phước; các huyện Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương.

–  Kênh chính và khu tưới Tân Biên thuộc các huyện Tân Biên, Châu Thành tỉnh Tây Ninh.

–  Kênh chính Đức Hòa đi qua các huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh, Củ Chi Tp. Hồ Chí Minh và nối với Khu tưới Đức Hòa của huyện Đức Hòa tỉnh Long An.

–  Các công trình phục vụ quản lý vận hành.

Sau khi hoàn thành, công trình có nhiệm vụ:

–  Cấp 38,0 m3/s nước thô cho nhu cầu công nghiệp và dân sinh, gồm cấp cho Bình Dương 15,0 m3/s, Bình Phước 5,0 m3/s, Long An 4,0 m3/s và cấp bổ sung cho Tây Ninh 3,5 m3/s, Thành phố Hồ Chí Minh 10,5 m3/s;

–  Cấp nước cho nhu cầu tưới của Bình Dương 1.950 ha, cho 7.064 ha khu tưới mở rộng (dự kiến) của Tây Ninh và cấp hỗ trợ để tưới cho 21.000 ha thiếu nước của khu tưới Dầu Tiếng cũ;

–  Tưới cho 17.806 ha đất nông nghiệp (khu tưới Tân Biên 6.725 ha, khu tưới Đức Hoà 10.181 ha, tạo nguồn cho khu tưới Thái Mỹ huyện Củ Chi 900 ha);

–  Xả cho hạ du sông Bé tối thiểu 14 m3/s sông Sài Gòn tối thiểu 16,1 m3/s, góp phần đẩy mặn, hỗ trợ tạo nguồn tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông.

–  Cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du 2 sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.

Dự án được đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục: Công trình đầu mối, kênh chuyển nước Phước Hòa- Dầu Tiếng, kênh chính Tân Biên và các công trình phục vụ quản lý vận hành khu vực đầu mối, được triển khai xây dựng từ 2005 và hoàn thành ngày 10/12/2011. Giai đoạn 2 của Dự án gồm: khu tưới Tân Biên có diện tích khoảng 6.725 ha, kênh chính Đức Hoà có chiều dài khoảng 17,7km và khu tưới Đức Hoà tỉnh Long An có diện tích 10.181ha. Dự kiến sẽ hoàn thành vào 31/3/2014.

Khu tưới Đức Hòa bao gồm địa phận 12 xã/thị trấn của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An sẽ được cấp nước với lưu lượng 17,32 m3/s, gồm 4m3/s cho sinh hoạt, công nghiệp và 13,32 m3/s cho nông nghiệp.

Để dẫn và phân phối nước trong khu tưới, ngoài kênh chính, dự án sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống kênh từ cấp 1 đến kênh cấp 3 bằng bê tông cốt thép, với tổng cộng 126 tuyến kênh các loại, tổng chiều dài 186,59 km và trên 500 công trình trên kênh. Tổng kinh phí đầu tư cho kênh chính và khu tưới Đức Hòa, bao gồm cả chi phí đền bù và các khoản kinh phí hỗ trợ khác là khoảng  2.200 tỷ đồng.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi thì một chương trình hỗ trợ tổng hợp về xã hội, thể chế với tên gọi là “Chương trình hỗ trợ phát triển xã hội và nội đồng (OSDP)” cũng được thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại do dự án gây ra, nhanh chóng khôi phục sinh kế cho các đối tượng bị ảnh hưởng và quản lý, sử dụng có hiệu quả hệ thống tưới mới được đầu tư phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở các khu vực hưởng lợi từ dự án.

Hình 1. Các hoạt động của chương trình OSDP khu tưới Đức Hòa

Với bề dày kinh nghiệm trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng, quản lý khai thác các dự án thủy lợi và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn tài trợ bởi các tổ chức quốc tế như WB, ADB, AfD, v.v. Liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gồm 3 đơn vị là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện xã hội học và Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam đã được lựa chọn cung cấp dịch vụ tư vấn chương trình OSDP khu tưới Đức Hòa.

Trong suốt quá trình thực hiện, kể từ tháng 6/2010, đội tư vấn OSDP Đức Hòa với đội ngũ chuyên gia được huy động từ các đơn vị Liên danh dưới sự chủ trì của Trung tâm Tư vấn PIM thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để hỗ trợ có hiệu quả cho chủ đầu tư trong việc huy động người dân tham gia vào các công việc của dự án như xác định hướng tuyến kênh, vị trí các công trình trên kênh phù hợp với thực tiễn sản xuất của người dân và giảm thiểu được thiệt hại; xây dựng kế hoạch tái định cư và các chương trình hỗ trợ xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án và các đối tượng có hoàn cảnh bất lợi trong khu hưởng lợi theo đúng chủ trương, chính sách hiện hành của nhà nước và nhà tài trợ, đảm bảo họ sớm khôi phục được sinh kế và tận dụng tốt cơ hội từ nguồn nước tưới; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý khai thác công trình thủy lợi ở địa phương, đồng thời cũng hướng dẫn người dân tiến tới thành lập các tổ người sử dụng nước để tham gia quản lý hệ thống công trình sau khi được đầu tư và cuối cùng là những hỗ trợ về nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phương thức sản xuất chuyển từ sử dụng nước trời sang sản xuất nông nghiệp có tưới,… nhờ vậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự đồng thuận lớn trong toàn thể cộng đồng ở khu vực hưởng lợi, đảm bảo dự án được triển khai đúng kế hoạch, an toàn và thuận lợi.

Phát biểu tạo buổi lễ, thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương, ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An và bà Võ Thị Tuyết, chủ tịch UBND huyện Đức Hòa bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà tài trợ đối với địa phương, coi buổi lễ khởi công là một sự kiện trọng đại, mang theo hy vọng của đông đảo người dân Đức Hòa về một sự thay đổi lớn lao trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế, xã hội và môi trường sau khi hệ thống hoàn thành đưa vào sử dụng.