PIM ở Việt Nam và những vấn đề đang đặt ra

I. PIM – Đang phát triển:

Có một cán bộ là bạn đọc của trang Web của VNCOLD “rất quan tâm đến PIM” đã đặt câu hỏi “PIM đã chết yểu hay đang phát triển”? Nếu như có chút hiểu biết, có sự quan tâm thật sự về PIM ở Việt nam thì chắc chắn bạn sẽ tự trả lời được câu hỏi của bạn : “PIM ở Việt nam đang phát triển” đấy, nhưng còn có nhiều vấn đề đang đặt ra, đó là :

1. Nhận thức về PIM

PIM không phải là khái niệm mới, việc làm mới đối với mọi người. Tuy nhiên lại “rất mới” đối với không ít cán bộ kể cả cán bộ chủ chốt chuyên ngành, cán bộ chính quyền các cấp, thậm chi cả cán bộ thực hiện các dự án có PIM. Công bằng mà nói nhiều cán bộ đã có hiểu biết về PIM, nhưng họ lại không ủng hộ, không muốn tham gia, chia sẻ, chỉ đạo đôn đốc …thực hiện PIM với trách nhiệm của mình, vì họ không nhận được lợi ích trực tiếp từ PIM so với lợi ích từ các công việc khác mà họ đang làm. Thậm chí cũng có cán bộ lại không muốn hiểu biết về PIM, mặc dù có cơ hội cũng chỉ vì lợi ích.

2. Sự tham gia

Nói đến PIM là phải nói đến sự tham gia. Đây là nội dung cơ bản của PIM. Tuy nhiên sự tham gia phải trải qua một quá trình và không phải chỉ có nông dân tham gia mà chúng ta thường hay bàn đến, có nhiều đối tượng cần phải tham gia, đó là Chính phủ – Chính quyền, các cơ quan chuyên ngành và cơ quan liên quan, các tổ chức xã hội …Nội dung cần tham gia bao gồm tất cả các khâu: qui hoạch, thiết kế, đầu tư, xây dựng, quản lý …Và sự tham gia chỉ có thể thực hiện được khi được giao quyền, gắn với trách nhiệm và lợi ích của các bên liên quan.

Người nông dân chỉ tham gia khi họ được giao quyền và nhận được lợi ích (diện tích ruộng đất của họ được tưới hết, tăng năng suất cây trồng tăng và ổn định, chi phí họ phải trả thấp, tăng thu nhập .nhờ dịch vụ tưới mang lại …) .

Đối với các đối tượng khác thì tham gia phải gắn với “lợi ích”, đó là “nhiệm vụ chính trị” được nhà nước giao thực hiện, đảm bảo lợi ích cho cả nhà nước và cộng đồng. Hầu hết các đối tượng này đã không nhận rõ “lợi ích” khi tham gia, nên thiếu trách nhiệm, không tham gia.

Đây là vấn đề khó khăn và chỉ có thể giải quyết được bằng qui định ràng buộc gắn với nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ và mỗi tổ chức, có sự giám sát thường xuyên.

3. PIM – Truyền thống

PIM ở Việt nam đã trở thành truyền thống thể hiện qua hoạt động của tổ chức cộng đồng ở nông thôn từ nhiều thế kỷ trước. Nhà nước Việt nam đã có chủ trương về phát triển PIM, có các cơ chế, chính sách về PIM và liên quan…nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích thực hiện PIM trên phạm vi cả nước.

Truyền thống là điều kiện thuận lợi để phát triển PIM, nhưng đôi truyền thống lại là trở ngại khó lường.

Hầu hết mô hình PIM hiện tại được phát triển trên cơ sở của mô hình truyền thống là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có làm dịch vụ tưới, hoạt động theo qui định của Luật Hợp tác xã, đảm bảo tính pháp lý cao, được chính quyền ủng hộ, người nông dân tin tưởng.

Nhiều vùng Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập theo địa giới hành chính thôn với diện tích cần tưới nhỏ hơn 100 ha, thậm chí có thôn chỉ có 6 ha cần tưới cũng thành lập một hợp tác xã, nên trên địa bàn một xã có từ 2 – 8 thôn thì thành lập 2 – 8 Hợp tác xã nông nghiệp.

Trong thực tế Hợp tác xã qui mô thôn không làm được nhiều dịch vụ có hiệu quả, chỉ có dịch vụ duy nhất Hợp tác xã có thể làm được, có hiệu quả, đó là dịch vụ tưới, nhưng với điều kiện thôn phải có diện tích cần tưới trên 200 ha mới đảm bảo nguồn thu đáp ứng yêu cầu chi (nhất là chi cho tiền công), chưa kể đến điều kiện ”quản lý theo ranh giới thủy lực” (cần phải nói thêm rằng nếu mô hình là tổ, nhóm, không phải là Hợp tác xã thì không phụ thuộc điều kiện về diện tích). Như vậy Hợp tác xã nông nghiệp làm dịch vụ tưới hiệu quả chỉ khi có qui mô xã hoặc liên xã (ít nhất cũng phải có qui mô nhiều thôn). Biết vậy! Nhưng việc chuyển đổi từ nhiều Hợp tác xã qui mô thôn thành một Hợp tác xã có qui mô nhiều thôn, một xã hay nhiều xã, không thể thiếu vai trò chính quyền cấp xã và cấp huyện. Tuy nhiên, sự nhận thức của người dân còn hạn chế, không muốn có sự thay đổi về “tính truyền thống”. Đây là một yêu cầu khó khăn nhất đối với các đơn vị làm tư vấn PIM.

4. Chính sách thủy lợi phí mới:

Nhiều tổ chức quốc tế (ADB, WB, JICA, AFD, DANIDA…) và các tổ chức NGOs đã rất quan tâm hỗ trợ thúc đẩy PIM ở Việt nam phát triển. PIM được thực hiện đồng thời với đầu tư xây dưng (nâng cấp, khôi phục…) công trình thủy lợi, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư.

Một số tổ chức quốc tế khi hỗ trợ đầu tư các dự án thủy lợi ở Việt nam đã khẳng định “PIM quyết định sự thành công của dự án thủy lợi”, coi PIM là một yêu cầu phải thực hiện trong khuôn khổ của dự án. Đặc biết có một số tỉnh đã huy động được nguồn vốn của địa phương để thực IMT (chuyển giao quản lý tưới), PIM trên địa bàn của mình.

Thực hiện chủ trương phát triển PIM, đến nay cả nước đã xây dựng nhiều loại hình tổ chức PIM (Tổ chức Hợp tác dùng nước) với qui mô, tên gọi, phương thức hoạt động đa dạng, hiệu quả đạt được ở các mức độ khác nhau, đã phát huy được vai trò của người dân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi, trên cơ sở của chính sách thủy lợi phí đã được ban hành từ năm 1963 và được điều chỉnh nhiều lần vào các năm 1984, 2003. Nông dân đã trả thủy lợi phí cho doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi (IMC) và Tổ chức hợp tác dùng nước (HTDN) theo qui định. Các tổ chức này có thêm kinh phí để hoạt động, giảm bao cấp đáng kể cho nhà nước, đặc biệt là đã đề cao trách nhiệm của người sử dụng nước (nông dân) và người cấp nước (IMC, tổ chức HTDN) trong quản lý khai thác công trình thủy lợi hiệu quả.

Nhưng từ năm 2007 và các năm 2008, 2012 nhà nước đã có điều chỉnh thủy lợi phí tiếp theo được gọi là “chính sách thủy lợi phí mới”. Mục tiêu của “chính sách thủy lợi phí mới” (cụm từ này thay thế cụm từ chính sách thủy lợi phí trước đây, thể hiện sự khác biệt cơ bản về bản chất và quan điểm) xuất phát từ quan điểm “khoan sức dân”, bao cấp cho nông dân trong dịch vụ tưới tiêu với 2 nội dung:

(i) Nông dân tiếp tục trả phần thủy lợi phí nội đồng cho Tổ chức HTDN (10 – 20)% so với tổng số.

(ii) Phần còn lại trước đây nông dân phải trả cho IMC thì nay nhà nước trả thay (80 – 90%) so với tổng số.

Chính sách này còn quá nhiều bất cập về quan điểm, nội dung và giải pháp thực thi, quyết định hoạt động của IMC và Tổ chức HTDN, nhưng nó lại mang tính “nhạy cảm”, thiếu sự phối hợp các ngành chức năng ở Trung ương và nhận thức chưa đầy đủ về thủy lợi phí của một số lãnh đạo ở đia phương với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy đã hạn chế các đề xuất để khắc phục, thực hiện bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh cả về nội dung và giải pháp thực thi chính sách thủy lợi phí mới phù hợp.

Tồn tại lớn nhất về nội dung của chính sách “thủy lợi phí mới” là mức hỗ trợ thủy lợi phí không có căn cứ, bất hợp lý giữa các vùng miền, giữa các hệ thống công trình có qui mô, tính chất kỹ thuật phức tạp khác nhau, không đảm bảo yêu cầu chi hợp lý cho đơn vị quản lý, đối tượng được hỗ trợ thủy lợi phí chưa được xác định rõ ràng, đặc biệt là xác định ranh giới để hỗ trợ thủy lợi phí thông qua qui ước “cống đầu kênh” chưa hợp lý, thiếu căn cứ. Quá trình thực thi chính sách “thủy lợi phí mới” chưa có sự giám sát chặt chẽ, chưa đảm bảo yêu cầu “công khai, minh bạch, công bằng” tạo ra cơ chế “Xin, Cho”. Một số tỉnh đã quyết định huy động một phần thủy lợi phí hỗ trợ cho IMC để hỗ trợ cho các Tổ chức HTDN sai qui định. Đặc biệt một số nơi có hiện tượng “Cò Thủy lợi phí”, một số HTXNN lợi dụng tư cách pháp nhân để “chạy” thủy lợi phí cho các thôn không có tư các pháp nhân để lấy tiền công chạy ( một HTXDVNN có tư cách pháp nhân làm dịch vụ vật tư, môi trường, trong đó có cả dịch vụ tưới tiêu được xác định lả dịch vụ “chạy thủ tục”, “Xin” thủy lợi phí cho các thôn của 12 xã, để các thôn có kinh phí hoạt động dịch vụ thủy lợi, HTX đã nhận tiền công “chạy” tương đương 9 triệu đồng).

Nhiều tỉnh không có qui định mức trần để nông dân trả thủy lợi phí nội đồng theo qui định. chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nông dân hiểu rõ, trả thủy lợi phí nội đồng cho các Tổ chức HTDN. Vì vậy các Tổ chức HTDN không có đủ kinh phí để hoạt động, kênh mương nội đồng xuống cấp.

Đây là một khó khăn lớn đã tác động chưa tốt đối với hoạt động của IMC và Tổ chức HTDN, nhưng chưa có cơ quan nào, cấp nào có trách nhiệm giải quyết.

II. Cần có cách tiếp cận phù hợp:

Đế giải quyết các vấn đề đang đặt ra cần có các tiếp cận phù hợp, trong đó:

‐ Cần coi trọng chức năng quản lý nhà nước về PIM trên cơ sở cải tiến hệ thống tổ chức để thực hiện việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm ra, giám sát, ban hành các cơ chế, chính sách về PIM. Vì vậy ở Bộ, Sở cần có một bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách mà trước đây đã có.

‐ Trước đây coi nhẹ vai trò chính quyền đối với PIM, nhằm hạn chế sự can thiệp của chính quyền. Nhưng với yêu cầu, nội dung tham gia thì chính quyền phải có trách nhiệm tham gia vì nhiệm vụ chính trị, tương tự vì lợi ích mà nông dân có trách nhiệm tham gia và thực tế nếu không có sự tham gia của chính quyền thì PIM khó phát triển và bền vững. Nhưng chính quyền tham gia như thế nào phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của họ đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

‐ Cải tiến IMC là biện pháp đảm bảo PIM phát triển bền vững và PIM làm tốt chức năng cầu nối quan trọng để IMC làm tốt dịch vụ tuới đối với nông dân.

‐ Cơ chế, chính sách về PIM là yêu tố tác động mạnh mẽ nhất đảm bảo PIM tồn tại và phát triển bề vững. Nhưng chính sách phải đảm bảo tính hiệu lực và phát triển bền vững, trong đó khẳng định sự tham gia là trách nhiệm của tất cả các bên, nhất là chính quyền, ngành và các tổ chức xã hội.

‐ Tăng cường đào tạo, tập huấn ..nâng cao nhận thức về PIM cho cán bộ và người dân, tăng cường năng lực cho các tổ chức HTDN theo các tiếp cận mới “ cầm tay, chỉ việc” sử dụng công trình thủy lợi trên địa bàn để làm giáo cụ trực quan để hướng dẫn thực hành, hạn chế lý thuyết không cần thiết.

III. Vai trò tư vấn về PIM

Sau những năm “Chiến lược phát triển PIM ở Việt nam” (ban hành 30/12/2004) và Thông tư 75 /TT/BNN, ngày 20/12/2004 “ Hướng dẫn thành lập, củng cố tổ chức hợp tác dùng nước” thì vai trò tư vấn về PIM đã đòi hỏi thành lập một đơn vị tư vấn . Tháng 5/2015 đơn vị tư vấn về PIM ra đời với tên giao dịch là CPIM. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt nam làm tư vấn về PIM. Đến nay đã 10 năm, với lứa tuổi học trò, nhưng CPIM đã làm được nhiều việc và đã trưởng thành. Nhưng với một hệ thống tổ chức và chính sách chưa thật hoàn chỉnh như hiện nay thì hoạt động tư vấn thực sự khó khăn và chỉ có thể khắc phục được khi có sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PIM phát triển, để CPIM phát triển, để PIM thành công…

Nguồn: Bài đăng trên tạp chí KHCN Thủy lợi số 30 – Viện KHTLVN
Số chuyên đề kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm PIM