TRUNG TÂM PIM: 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trung tâm tư vấn quản lý thuỷ nông có sự tham gia của người dân (gọi tắt là Trung tâm PIM) trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi, được Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định thành lập ngày 22 tháng 12 năm 2004. Theo đó, Trung tâm là tổ chức khoa học công nghệ đầu tiên và duy nhất có chức năng nghiên cứu và thực hiện các dịch vụ tư vấn về PIM ở nước ta. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Viện Khoa học Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Trung tâm PIM được xếp hạng đặc biệt phù hợp với việc xếp hạng của Viện. Trung tâm PIM có chức năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của Nhà nước, tham gia đào tạo và hợp tác quốc tế về quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân trong phạm vi cả nước.

                                                                  PGS.TS Trần Chí Trung
Phó Giám đốc phụ trách

  1. Quá trình xây dựng vàphát triển

            Sự ra đời của Trung tâm PIM có công sức đầu tư, tâm huyết, tầm nhìn chiến lược của các nhà sáng lập ra Trung tâm là GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, PGS. TS Nguyễn Tùng Phong và Mr. Nguyễn Xuân Tiệp (Mr PIM). Khi mới thành lập, Trung tâm chỉ có 10 cán bộ trong đó một nửa là cán bộ kiêm nhiệm do GS. Nguyễn Tuấn Anh là Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi kiêm Giám đốc Trung tâm. Năm 2007 PGS.TS Đoàn Doãn Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm và năm 2014 PGS.TS Trần Chí Trung được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách. Qua 10 năm xây dựng, phát triển đến nay Trung tâm đã có đội ngũ 30 cán bộ, trong đó có 1 Phó giáo sư, 1 Tiến sĩ và 22 Thạc sĩ, còn lại đều có trình độ đại học. Trung tâm còn liên kết với đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong và ngoài ngành trong triển khai hoạt động chuyên môn. Trung tâm có 1 phòng chức năng và 3 phòng nghiên cứu chuyên môn là phòng Chính sách và phân tích hệ thống, phòng Tổ chức hợp tác dùng nước và phòng Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thủy lợi nội đồng.

Với sự ra đời của Trung tâm tư vấn PIM, các hoạt động nghiên cứu phát triển về PIM đã được thống nhất về một mối, Trung tâm đã tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn, các chuyên gia giỏi về làm việc và nghiên cứu tại Trung tâm. Trung tâm là một cơ quan đầu mối duy nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển PIM cho Viện cũng như cho cả nước, thương hiệu Trung tâm PIM được các cơ quan quản lý của Bộ, các địa phương và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trung tâm đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, tư vấn cho Bộ, các địa phương, cộng đồng trong việc phát triển PIM, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng để quản lý hiệu quả và bền vững hệ thống thủy lợi nội đồng và đã đạt được một số thành tựu KHCN thúc đẩy PIM phát triển, nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi nội đồng, góp phần thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý công trình thủy lợi hiện có, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các kết quả này cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

 

  1. II.Một số kết quảnổi bật đã đạt được từ 2005 đến nay

2.1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học

     Trong giai đoạn 2005-2015, Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học góp phần phát triển quản lý tưới có sự tham gia (PIM), thủy lợi nội đồng để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển cộng đồng. Cụ thể, trong giai đoạn này Trung tâm đã thực hiện được 15 đề tài khoa học, bao gồm 2 đề tài cấp Nhà nước, 8 đề tài cấp Bộ, 5 đề tài cấp tỉnh. Các nhiệm vụ KHCN này tập trung chủ yếu về 2 lĩnh vực là: (1) Nghiên cứu về thể chế chính sách, mô hình tổ chức dùng nước, xã hội hóa quản lý công trình thủy lợi và (2) Nghiên cứu KHCN xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

  1. Kết quả nghiên cứu về thể chế chính sách, mô hình tổ chức dùng nước, xã hội hóa quản lý hiệu quả công trình thủy lợi

–          Đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển quản lý tưới có sự tham gia, chuyển giao quản lý tưới, xã hội hóa quản lý công trình thủy lợi, là cơ sở để Bộ ban hành sửa đổi Thông tư 75 hướng dẫn thành lập tổ chức hợp tác dùng nước, Thông tư 65 hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi và chính sách về hợp tác công tư trong đầu tư xây dựng và quản lý trạm bơm điện nhỏ cho vùng ĐBSCL

– Xây dựng quy trình, phương pháp thành lập, củng cố tổ chức dùng nước áp dụng cách tiếp cận, phương pháp phát huy sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan như tiếp cận “trên xuống-dưới lên” và phương pháp “cùng học, cùng làm”;  Áp dụng vào thực tiễn để xây dựng nhiều mô hình PIM quản lý hiệu quả công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho vùng Miền núi phía Bắc, vùng ĐBSCL và các vùng miền khác trên cả nước

– Mở rộng khái niệm PIM sang lĩnh vực xã hội hóa, hợp tác của các thành phần kinh tế trong đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi, nâng cao vai trò của PIM trong các tổ chức quản lý ở cấp huyện, cấp hệ thống kênh liên xã. Cách tiếp cận và giải pháp gắn phát triển thủy lợi nội đồng và quản lý thủy nông có sự tham gia (PIM) với xây dựng Nông thôn mới

– Phối hợp với các địa phương thực hiện các nghiên cứu khoa học về xây dựng mô hình tổ chức quản lý cấp tỉnh, mô hình tổ chức dùng nước, cơ chế giải pháp thực hiện  phân cấp quản lý khai thác công  trình thủy lợi, cơ chế tài chính bền vững cho các tổ chức quản lý cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Long An, là cơ sở khoa học để các tỉnh ban hành quy định về quản lý khai thác công trình thủy lợi áp dụng trên địa bàn tỉnh.

– Xây dựng 3 mô hình thử nghiệm xã hội hoá quản lý hệ thống thuỷ lợi cho vùng  Đồng bằng sông Hồng, Miền Trung và ĐBSCL; mô hình phát huy sự tham gia của các thành phần kinh tế (PPP) trong đầu tư, quản lý hệ thống thủy lợi nhỏ ở vùng ĐBSCL; Đề án xây dựng mô hình xã hội hóa đầu tư, quản lý trạm bơm điện nhỏ cho tỉnh An Giang

– Xây dựng 3 mô hình cộng đồng quản lý hồ đập nhỏ chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị.

– Xây dựng 3 mô hình thí điểm chuyển giao kênh cấp 2 liên xã cho các Liên hiệp tổ chức quản lý ở hệ thống Cầu Sơn-Cấm Sơn (Bắc Giang), hệ thống Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) và hệ thống Phú Ninh (Quảng Nam)

– Xây dựng mô hình Ban chỉ đạo sản xuất và phát triển thủy lợi cấp xã và cấp huyện (mô hình LIFD) nhằm phát huy sự tham gia của các bên liên quan để cải thiện thể chế quản lý tưới ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; Xây dựng quy trình trên xuống-dưới lên có sự tham gia của các bên để lựa chọn danh mục công trình thủy lợi, tiêu chí lựa chọn công trình ưu tiên đầu tư.

– Xây dựng mô hình kết hợp giữa thành lập, củng cố tổ chức dùng nước với hỗ trợ xã hội và phát triển nông nghiệp (Mô hình OSDP) cho hệ thống thủy lợi nội đồng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

–     Xây dựng các sổ tay, tiêu chuẩn phục vụ phát triển nhân rộng mô hình quản lý tưới có sự tham gia như Sổ tay hướng dẫn thành lập, củng cố tỏ chức dùng nước; Sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai các hồ chứa nhỏ vùng miền Trung; Sổ tay hướng dẫn xã hội hóa xây dựng và quản lý thủy lợi nội đồng

–     Phối hợp với Tổng cục thủy lợi xây dựng Tiêu chuẩn lý thuật đánh giá cơ sở hạ tầng và tổ chức quản lý hệ thống thủy lợi nội đồng; Hướng dẫn đánh giá tiêu chí thủy lợi xây dựng nông thôn mới

  1. Kết quả nghiên cứu KHCN xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

–      Xây dựng các mô hình thủy lợi nội đồng, quy trình, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước áp dụng kỹ thuật SRI cho cây lúa; Công nghệ tưới và chế độ tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như dứa, bưởi, cam, mía, lạc, dưa hấu, cải ngọt; các giải pháp thu trữ nước cho vùng đất dốc, giải pháp vận hành tối ưu hệ thống thủy lợi nội đồng;

–     Nghiên cứu, đề xuất sơ đồ quy hoạch thủy lợi kết hợp GTNT đáp ứng phương thức canh tác tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng NTM cho vùng Bắc Trung bộ; Các giải pháp công nghệ xây dựng hệ thống kênh nội đồng; Giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản cho vùng ven biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế;

–     Xây dựng 3 mô hình điểm quy hoạch thủy lợi nội đồng và đường giao thông nông thôn cho 3 xã điểm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế; Xây dựng mô hình điều tiết phân phối nước ở hệ thống thủy lợi nội đồng; mô hình khai thác nguồn nước và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây dưa hấu, cây lạc, cải ngọt ở tỉnh Nghệ An;

–     Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phân phối nước, quy trình vận hành phân phối nước có sự tham gia ở hệ thống thủy lợi nội đồng;

–     Xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô để phát triển chăn nuôi bò sữa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho tỉnh Hà Nam

2.2 Kết quả thực hiện nhiệm vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ

            Trong giai đoạn 2005-2015, Trung tâm đã thực hiện được trên 40 dự án tư vấn chuyển giao công nghệ, trong đó đa số là các dự án quốc tế, dự án ODA. Hoạt động tư vấn chuyển giao công  nghệ của Trung tâm đã góp phần đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm vào thực tiễn sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển PIM, phát triển cộng đồng và xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng. Trung tâm cũng đã hỗ trợ các địa phương xây dựng được nhiều mô hình về chuyển giao quản lý thủy lợi, mô hình PIM hiệu quả phù ở các vùng miền, là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá tổng kết và nhân rộng mô hình PIM trên cả nước.

            Trung tâm tổ chức thực hiện nhiều khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi, nâng cao nhận thức về PIM và vận hành bảo dưỡng công trình (O&M) cho các công ty khai thác công trình thủy lợi và tổ chức dùng nước ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với một số Viện Nghiên cứu, Trường Đại học quốc tế (AIT, Copenhagen, South Australia University) trong việc đào tạo sau đại học, phối hợp với các tổ chức quốc tế (BTC, AFD, WB, ADB…) trong việc hỗ trợ xây dựng các mô hình PIM, đào tạo nâng cao năng lực cho các địa phương. Trung tâm kết hợp với Học viện công nghệ Châu Á (AIT) tổ chức thực hiện các khóa đào tạo tham quan học tập về mô hình PIM, xây dựng nông thôn, phát triển cộng đồng cho học viên từ  một số nước trong khu vực như Lào, Srilanka, Nepan, Thái Lan.

 

III. Định hướng nghiên cứu

            Trong những năm gần đây, công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm. Một trong những nội dung nhiệm vụ trọng tâm của công tác thuỷ lợi trong thời gian tới tập trung phát triển hệ thống thuỷ lợi nội đồng, bao gồm cả phần cơ sở hạ tầng thuỷ lợi nội đồng và hệ thống tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi nội đồng. Lĩnh vực PIM (quản lý) và thủy lợi nội đồng (kỹ thuật) gắn bó hữu cơ với nhau do phần mềm (quản lý) là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả của hệ thống thủy lợi nội đồng và ngược lại hệ thống thủy lợi nội đồng hiệu quả là yếu tố quan trọng quyết định đến sự hoạt động hiệu quả, bền vững của các tổ chức dùng nước.

       Từ đó, Trung tâm xác định các nhiệm vụ KHCN trọng tâm tập trung chủ yếu về 2 lĩnh vực là: (1) Nghiên cứu thể chế chính sách, mô hình tổ chức dùng nước, xã hội hóa quản lý hiệu quả công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, phát triển cộng đồng (lĩnh vực PIM) và (2) Nghiên cứu KHCN xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (lĩnh vực thủy lợi nội đồng). Các nhiệm vụ trọng tâm này góp phần thực hiện các chính sách của Chính phủ và Bộ NN&PTNT như Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có, Chương trinh MTQG xây dựng nông thôn mới.

Một số nhiệm vụ KHCN trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 như sau:

–                 Nghiên cứu thể chế chính sách thúc đẩy phát triển quản lý tưới có sự tham gia (PIM), chuyển giao quản lý công trình thủy lợi, phát triển PIM gắn với lĩnh vực đầu tư, xây dựng thủy lợi và phát triển nông nghiệp nông thôn;

–     Nghiên cứu, xây dựng các mô hình tổ chức dùng nước phù hợp cho các vùng miền; mô hình quản lý có sự tham gia của các bên liên quan, phát huy sự tham gia của cộng đồng để cải thiện thể chế quản lý nước ở cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cấp hệ thống thủy lợi; mô hình PIM trong bối cảnh thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông;

–     Nghiên cứu xây dựng các mô hình xã hội hóa, cơ chế hợp tác công tư (PPP) tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư xây dựng, quản lý công trình thuỷ lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;

–     Nghiên cứu xây dựng các mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, mô hình phát triển cộng đồng, mô hình sinh kế cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu;

–     Nghiên cứu hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, dồn điền, đổi thửa đáp ứng phương thức canh tác tiên tiến, phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp;

–     Nghiên cứu các giải pháp KHCN khai thác nguồn nước tích hợp với ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao;

 – Nghiên cứu cơ chế, chính sách ứng dụng, chuyển giao KHCN xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

  1. Kết luận

Trong giai đoạn 2005-2015, Trung tâm đã đạt được một số thành tựu ban đầu thúc đẩy phát triển PIM, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng góp phần thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý công trình thủy lợi hiện có, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các kết quả này cũng góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả đã đạt được, Trung tâm PIM được các cơ quan quản lý của Bộ, các địa phương và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ngoài sự nỗ lực công tác của tập thể cán bộ Trung tâm, sự hợp tác, cộng tác nhiệt tình và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành ở trung ương và địa phương và các tổ chức quốc tế là yếu tố quan trọng đã tạo điều kiện và giúp đỡ Trung tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

            Thay mặt toàn thể cán bộ Trung tâm, xin gửi lời cám ơn chân thành nhất đến lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý của Bộ và Đảng ủy, Ban giám đốc Viện KHTLVN, các nhà sáng lập Trung tâm, các chuyên gia, các đối tác và đồng  nghiệp. Trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các quý cơ quan, quý vị trong giai đoạn tiếp theo.

            Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm, tập thể cán bộ Trung tâm quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống chuyên môn nghiệp vụ, củng cố hoàn thiện tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích chung của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và sự phát triển của ngành thủy lợi và của Bộ NN&PTNT.